Thị trường liên ngân hàng hàng chục năm qua được xem là thị trường của niềm tin, trước khi nó bị hoài nghi bởi những bất ổn cuối 2011 đầu 2012 khi lần đầu tiên xuất hiện cơ chế phải bảo đảm, thế chấp trong giao dịch. |
Nếu tiếp nhận thông tư sửa đổi cơ chế giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bản công bố đầu tiên, có lẽ phản xạ là câu hỏi: vì sao những sửa đổi có hàm ý lớn như vậy lại nhạt đi về thời điểm?
Người viết có thói quen lưu trữ ngay những văn bản Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, bởi việc tìm lại có thể khó khăn khi website công bố thỉnh thoảng hoạt động không ổn định.
Ngày 7/1/2013, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 01/2013/TT-HNNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18/6/2012 quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tiếp cận bản thông tư công bố ban đầu, phản xạ là câu hỏi: vì sao những sửa đổi có hàm ý lớn như vậy lại nhạt đi về thời điểm? Nó có hiệu lực từ ngày 20/2/2013. Hỏi vậy, bởi những nội dung sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng chống đỡ tốt hơn áp lực thanh khoản với mùa cao điểm chi trả đã cận kề: dịp Tết Nguyên đán. Còn đến 20/2/2012, sau Tết, giá trị của chính sách ít nhất đã bỏ lỡ một thời điểm cần nó nhất.
Tuy nhiên, ngay sau đó tìm lại văn bản, cũng là Thông tư số 01/2013/TT-HNNN với nội dung trên, thời điểm có hiệu lực lại là tức thì: từ ngày 7/1/2013. Đây là khác biệt, chi tiết nhỏ so với bản người viết đã lưu trữ trước đó.
Bản cập nhật sau có thể hiểu là bản cuối. Chi tiết nhỏ này có lẽ là lỗi soạn thảo văn bản thông thường (?). Nhưng yếu tố thời điểm trên là đáng chú ý, những sửa đổi có giá trị ngay với các ngân hàng, tạo điều kiện hỗ trợ cần thiết trước mùa cao điểm chi trả dịp Tết Nguyên đán sắp tới (dĩ nhiên là cho cả sau này). Bản thông cáo sau đó chính thức khẳng định thời điểm có hiệu lực là 7/1/2013.
Những nội dung tạo điều kiện đầu tiên là bổ sung các khoản 16, 17 và 18 Điều 3 của Thông tư 21; xác định việc các tổ chức tín dụng được “gia hạn khoản vay”, “điều chỉnh kỳ hạn trả nợ” cho bên tổ chức tín dụng vay vốn chưa trả được nợ, hoặc “chuyển nợ quá hạn”…
Đáng chú ý là các tổ chức tín dụng đang có nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên tại tổ chức tín dụng khác theo nội dung sửa đổi không hẳn là đã hết cửa tìm vốn trên liên ngân hàng. Họ có thể vẫn được phép đi vay với điều kiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Chưa có các thông tin giải thích chi tiết về những sửa đổi, bổ sung trên, song có thể xem khe cửa hẹp đó mở cho các tổ chức tín dụng chưa trả được nợ thêm cơ hội để xoay xở khi khó khăn thanh khoản. Bởi với quy định như vừa qua, giả sử ngân hàng khác muốn hỗ trợ bằng chủ động cho vay là không thể; trong khi để tránh đổ vỡ và ảnh hưởng hệ thống, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tự tay bơm vốn, hoặc tổ chức đó phải tự cứu mình bằng những mũi khoan lãi suất dễ gây xáo trộn hoặc phá trần trên thị trường 1.
Ngoài ra, ở hướng mở trên, “điều kiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép” liệu có được xem là một sự đảm bảo nào đó hay không?
Đặc biệt, một thay đổi lớn từ thông tư vừa ban hành là bổ sung quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện các hoạt động gửi tiền, nhận tiền gửi có kỳ hạn tối đa là 3 tháng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác (đi kèm với các quy định về nghiệp vụ…). Và tổ chức tín dụng có nợ quá hạn từ 10 ngày tại tổ chức tín dụng khác cũng có cơ hội được nhận tiền gửi loại này nếu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Như vậy, các tổ chức tín dụng đã lại được gửi tiền lẫn nhau, thay vì bị cấm theo Thông tư 21 trước đó (ngoại trừ tiền gửi thanh toán). Nội dung sửa đổi này sẽ có tác động lớn trong thời gian tới, cả ở mỗi thành viên lẫn quy mô các dòng chảy trên thị trường liên ngân hàng.
Khi Thông tư 21 có hiệu lực từ 1/9/2012, tác động nổi bật là quy mô giao dịch liên ngân hàng sụt giảm mạnh, do các khoản tiền gửi giữa các ngân hàng phải chuyển thành cho vay, đi cùng với yêu cầu phải trích lập dự phòng, mà tác động của nó là bất lợi cho chi phí, lợi nhuận và nỗ lực hạ lãi suất… Tổng tài sản của nhiều ngân hàng giảm mạnh, một nguyên nhân chính cũng từ đây, khi vốn bớt “bật tường” lẫn nhau, một số chỉ số an toàn trong hoạt động vì thế cũng khác đi…
Về tổng thể, khi cho mở lại hoạt động gửi tiền giữa các ngân hàng đồng nghĩa với việc tạo thêm đầu ra cho các trường hợp đang dư thừa vốn, hoặc thêm giỏ để bỏ trứng… Các dòng chảy trên liên ngân hàng theo đó sẽ được điều hòa tốt hơn, từ chỗ thừa sang chỗ thiếu; vốn sẽ chảy nhanh hơn khi bớt các rào cản, đúng với vai trò đáp ứng vốn nóng hỗ trợ thanh khoản của thị trường này.
Trong thông tư vừa ban hành cũng đưa ra những yêu cầu kỹ thuật để hạn chế hiện tượng biến tướng gây xáo trộn trong dòng tiền gửi giữa các nhà băng từng có trước đây.
Ở một giá trị khác, khi các nhà băng được trở lại gửi tiền lẫn nhau, yếu tố niềm tin giữa họ có cơ hội để khẳng định thêm.
Thị trường liên ngân hàng hàng chục năm qua được xem là thị trường của niềm tin, trước khi nó bị hoài nghi bởi những bất ổn cuối 2011 đầu 2012 khi lần đầu tiên xuất hiện cơ chế phải bảo đảm, thế chấp trong giao dịch. Để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống, chính các ngân hàng phải tin nhau ở đây đã.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com