![]() |
Năm 2009, thiếu vốn là nguyên nhân chính đẩy lãi suất huy động của các ngân hàng đua nhau tăng |
Theo xác định của NHNN mức tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm 2010 sẽ giới hạn ở con số 25%. Điều này đồng nghĩa với việc “hãm phanh” hoạt động cho vay của các ngân hàng trong năm 2010. Theo ý kiến của các chuyên gia, nhiều ngân hàng buộc phải giải ngân vốn cho vay trong năm nay một cách có chọn lọc.
Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, NHNN định hướng giới hạn này đặt trong dự phòng khả năng lạm phát trở lại. Ông Hiển cho rằng: Điều quan trọng hơn là định hướng nguồn tín dụng đó đến với những đối tượng nào, sử dụng như thế nào để thực sự hiệu quả. Các ngân hàng cần quan tâm tới chất lượng tín dụng, tới hiệu quả sử dụng vốn, thận trọng và không “đổ” quá nhiều trong hoạt động phi sản xuất mới là yếu tố cơ bản.
Tăng trưởng tín dụng sẽ bị kiểm soát chặt
Hiện nay chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất thấp nên ngân hàng chỉ giải ngân cho các khách hàng truyền thống, sản xuất kinh doanh có hiệu quả và đủ điều kiện đảm bảo an toàn |
Nhìn lại năm 2009, những tác động của các giải pháp kích thích kinh tế, nhu cầu vay vốn của các DN, hộ sản xuất tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nhất là việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất khiến cho tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng ở mức cao, đã ảnh hưởng không thuận đối với việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất thị trường trong năm 2009 và hệ lụy của nó sẽ kéo dài sang năm 2010 do độ trễ của tác động chính sách tiền tệ. Mặt khác, tốc độ tăng của nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thấp hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn.
Do đó, các chuyên gia cho rằng trong các định hướng của năm 2010, Ngân hàng nhà nước xác định mức tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế được đặt ra tăng khoảng 25% so với cuối năm 2009. Như vậy tăng trưởng tín dụng năm 2010 sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, tốc độ tăng chỉ bằng khoảng 2/3 so với năm 2009.
“Đãi” khách hàng
Theo diễn biến của thị trường tài chính thì những biến động và bất cập trên thị trường lãi suất ngân hàng là mối quan tâm lớn của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay. Cơ cấu tín dụng sẽ tiếp tục được chuyển dịch mạnh theo ngành, lĩnh vực, địa bàn, kỳ hạn và khách hàng vay. Khó khăn với kênh huy động vốn từ dân cư buộc nhiều ngân hàng thương mại phải tìm kiếm nguồn vốn từ ngân hàng bạn qua kênh thị trường liên ngân hầng. Chính làn sóng này đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên cao và ngân hàng càng sẵn “lương khô” càng được hưởng lợi nhiều. Trên thực tế, thị trường huy động vốn ảnh hưởng không chỉ bằng kiểm soát việc tăng trưởng tín dụng bằng "mức trần" mà còn bởi lãi suất cơ bản (hiện ở mức 8%). Trong khi lãi suất huy động tăng dần, mà lãi suất cơ bản bị cố định, ngân hàng nhỏ phải đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với lãi suất cao hơn để đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên cho vay tiêu dùng thì dư nợ không thể tăng nhiều vì mỗi khoản vay không lớn.
Ông Cao Văn Đức - TGĐ Ngân hàng VN Thương Tín (VietBank) cho biết: "Tôi thấy việc ngân hàng Nhà nước sớm đưa ra định hướng là cơ hội để các ngân hàng chủ động có những điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu rủi ro mà vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn của khách hàng. Định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 25% là phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, nhưng vấn đề cần quan tâm là cách mà NHNN áp dụng các quy định để đạt được định hướng đó. Cũng theo ông Đức, việc huy động vốn cũng tác động không nhỏ đến thị trường tín dụng. Năm 2009, thiếu vốn là nguyên nhân chính đẩy lãi suất tăng. Thậm chí có hiện tượng ngân hàng xé rào huy động và cho vay".
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận xét, việc vốn huy động luôn phải đuổi theo tăng trưởng tín dụng mà không đuổi kịp đã dẫn đến tình trạng nhiều ngân hàng chạy đua nâng lãi suất tiết kiệm hoặc tìm vốn bổ sung trên thị trường liên ngân hàng. Ngoài sự mất cân đối giữa nguồn vốn đầu vào - đầu ra, không ít ngân hàng mất cân đối cơ cấu kỳ hạn. Vốn huy động chủ yếu ngắn hạn, nhưng cho vay trung - dài hạn chiếm tỷ trọng lớn. Nhìn tổng thể dư nợ của các ngân hàng chưa vi phạm về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn. Khả năng thực tế là các ngân hàng sẽ mất cân đối về nguồn vốn và sử dụng vốn.
(Theo Hải Ngọc // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com