Từ hôm 11/6, loạt điều chỉnh về lãi suất và cơ chế huy động mới có hiệu lực. Những tác động của nó sẽ như thế nào?
Trần lãi suất huy động VND giảm xuống 9%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ngân hàng được tự ấn định; trần lãi suất cho vay VND với 4 nhóm đối tượng xuống theo; các lãi suất điều hành tiếp tục giảm… Loạt điều chỉnh này sẽ tác động đến các dòng vốn, đến các quan hệ tín dụng, đến tỷ giá USD/VND và cả yếu tố niềm tin, kỳ vọng của thị trường.
VnEconomy giới thiệu góc nhìn của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại về những tác động đó.
Quan trọng nhất là kiểm soát được kỳ vọng
Ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước
“Nếu quan tâm, có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được một số kết quả trong điều hành, mà nhiều người trong và ngoài ngành nhìn nhận là hết sức tích cực.
Thứ nhất là tốc độ tăng lạm phát giảm dần, giảm chắc chắn, nhưng quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước đã neo được cái kỳ vọng lạm phát. Kỳ vọng lạm phát đã được kiểm soát tốt với khoảng 7% - 8% trong năm nay. Đó mới là điều quan trọng cần cho điều hành chính sách.
Nhìn lại, nếu để ý thì thấy có những thời gian, khi người ta cảm thấy các khuôn khổ chính sách vĩ mô mà không chắc chắn thì kỳ vọng về lạm phát có thể bùng trở lại rất nhanh, tác động mạnh đến điều hành chính sách.
Thứ hai là thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Cuối quý 4/2011 và đặc biệt là trong tháng 12 rất khó khăn. Hiện nay thanh khoản hệ thống đã được củng cố và cải thiện rất tích cực.
Thứ ba là tỷ giá. Thị trường ngoại hối và kỳ vọng tỷ giá cũng được neo giữ ở mức rất ổn định. Thống đốc nói năm nay chỉ biến động trong khoảng 2 - 3% nếu như không có các cú sốc từ bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước tin tưởng biên độ đó hoàn toàn có thể đạt được.
Việc điều hành có tính đồng bộ, dài hạn và có tính dự đoán được đã đưa đến những kết quả như vậy.
Nhưng hiện nay có một số quan điểm cho rằng lãi suất sẽ giảm nữa, thậm chí giảm mạnh, làm cho thị trường nó không ổn định. Nhưng Ngân hàng Nhà nước định hướng từ nay đến cuối năm sẽ ổn định, ngoại trừ có yếu tố nào đó đột biến. Như vậy thì các doanh nghiệp cũng chủ động để dự báo được động thái chính sách; các ngân hàng cũng chủ động được phương án kinh doanh, cân đối được chi phí của mình, có các phương án trung và dài hạn tốt hơn.
Còn một vấn mà nhiều người quan tâm là tỷ giá USD/VND. Tác động của hạ lãi suất đối với tỷ giá như thế nào? Tâm lý mọi người là bình thường thôi, vì các bài toán đều phải tính, tính về lợi ích kinh tế. Nếu tính về lợi ích kinh tế thì VND vẫn là có lợi nhất.
Quan trọng nhất trên thị trường ngoại hối hiện nay, ngoài tỷ giá mua bán, là thanh khoản. Hiện nay thanh khoản rất tốt. Cho nên mấy hôm vừa rồi tỷ giá có lên một chút, nhưng khi đến ngưỡng kỳ vọng thì thanh khoản ra rất nhiều, lập tức tỷ giá giảm trở lại.
Với điều hành lãi suất sẽ ổn định của Ngân hàng Nhà nước, cộng với kỳ vọng tỷ giá tăng 2 - 3% thì gửi VND vẫn có lợi hơn.
Và hiện nay các nguồn cung ngoại tệ rất ổn định. Quý 1/2012, cán cân thanh toán thặng dư 5 tỷ USD; và lần đầu tiên sau nhiều năm thặng dư cả cán cân vốn và cán cân vãng lãi, làm điểm rất mới. Trước đây là thường xuyên thâm hụt. Dự báo của Ngân hàng Nhà nước là trong quý 2 cán cân thanh toán sẽ tiếp tục thặng dư.
Ở tâm lý thị trường và tâm lý người dân, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tiền gửi ngoại tệ của dân cư đã giảm và dịch chuyển sang VND. Trên thị trường thể hiện một điều rất rõ nét từ cuối 2011 đến nay là Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ. Đấy là những điểm cho thấy người dân và thị trường đã có lòng tin vào điều hành chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cũng như là với VND, được củng cố hơn rất nhiều.
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc điều chỉnh lãi suất như vậy sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá và thị trường ngoại hối”.
Cân bằng được các lợi ích
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
“Với lãi suất cũ, nếu là những doanh nghiệp kinh doanh tốt thì vốn vay đã được giảm theo lãi suất mới rồi. Nếu doanh nghiệp nào có vòng quay vốn 3 - 6 tháng, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu thì phần lớn đã được.
Với ngân hàng, lãi suất cũ huy động lãi suất cao vẫn còn tồn tại. Như Agribank, tỷ lệ vốn huy động trên 12 tháng chiếm khoảng 15%, mà lãi suất trước đây là 14%/năm. Phải cân đối nguồn huy động và cho vay. Nhưng không vì thế mà không giảm lãi suất cho vay. Chúng tôi luôn phải tính toán hài hòa lợi ích giữa khách hàng và ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước không thể đưa ra một quyết định hành chính bắt buộc ngân hàng thương mại phải giảm các lãi suất, vì các quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng là theo hợp đồng, quan hệ dân sự và rủi ro hai bên cùng chịu.
Và thực tế hiện nay các ngân hàng còn cạnh tranh nhau để giảm lãi suất. Có thể tiếng nói từ doanh nghiệp trong câu chuyện lãi suất và tiếp cận thì nên là tiếng nói của nhiều doanh nghiệp hơn. Tạm chia doanh nghiệp theo ba nhóm: nhóm sắp phá sản, nhóm đang cầm chừng và nhóm tốt. Nhóm đầu tiên có thể là 20%, hay nhóm tốt có thể là 20%, vì vậy cần tìm hiểu một tiếng nói có tính đại diện chung.
Có ý kiến đề cập là điều kiện cho vay hiện nay khó quá. Tôi thấy các ngân hàng hiện không tăng thêm bất cứ điều kiện nào. Phải khẳng định như vậy. Thậm chí với khách hàng tốt chúng tôi còn cơ cấu lại nợ, như thế là một sự nới lỏng nhất định, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ có điều là chúng tôi phải kiểm soát, tăng cường yêu cầu minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp nhiều hơn. Qua đó để làm rõ dòng tiền của doanh nghiệp, thực chất thời gian tới họ làm ăn thế nào.
Đối với doanh nghiệp tồn kho cao, làm ăn thua lỗ thì đúng là cho vay chặt chẽ hơn. Ngăn ngừa rủi ro. Việc thẩm định ở đây còn phải tiên lượng được vài năm tới chứ không chỉ hiện tại. Vài năm tới chính sách của Chính phủ thế nào, điều kiện thị trường trong và ngoài nước thế nào? Hiện nay mới chỉ là một vấn đề. Vài năm tới, không dễ gì Nhà nước nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như những năm trước.
Chính sách lãi suất hiện nay tôi cho rằng sẽ đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất, sẽ góp phần tăng tổng cầu nền kinh tế; tín dụng sắp tới sẽ tăng lên, chi tiêu ngân sách sẽ tăng lên, người dân đầu tư sẽ sử dụng đồng tiền của mình vào sản xuất. Thứ hai là điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa người gửi và người vay. Và quan trọng là nó phù hợp với kỳ vọng của thị trường, cả người gửi và người vay đều kỳ vọng sẽ giảm tiếp. Cân bằng được các lợi ích đó, cả với ngân hàng và Nhà nước nữa, cũng như Thống đốc nói giữ ổn định từ nay đến cuối năm, thì sẽ kích thích các giao dịch kinh tế sẽ nhộn nhịp hơn trong thời gian tới. Người ta không còn kỳ vọng nào hơn nữa.
Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta không nên quan ngại về sự dịch chuyển dòng vốn sang các kênh đầu tư khác. Có thể có nhưng không lớn, vì hiện đã có một sự cân bằng tương đối”.
Điều hành không còn giật cục và bất ngờ
Ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
“Với thông tin tín dụng không tăng, theo tôi thì ngoài khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế, còn có vấn đề ở chính sách quản lý.
Như mọi năm, chúng ta chỉ tính dư nợ cho vay thôi. Còn năm nay, tổng giới hạn tăng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho phép là bao gồm tất cả các khoản tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó bao gồm một khối lượng rất lớn là trái phiếu doanh nghiệp. Nếu Ngân hàng Nhà nước tách phần trái phiếu doanh nghiệp ra, tôi nghĩ chưa chắc tổng tín dụng đã không tăng. Vì vậy có sự thay đổi về số liệu thống kê giữa 2011 với 2012.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, vì cuối năm ngoái ngân hàng thương mại cũng nhận định được chiều hướng quản lý sang 2012 Ngân hàng Nhà nước sẽ có giới hạn nên họ có điều chỉnh kỹ thuật tại thời điểm 31/12/2011, nhưng tôi nghĩ điều đó không nhiều.
Ở đây tôi cho chủ yếu là do tiêu chí thống kê, khi Ngân hàng Nhà nước tách phần đó ra thì sẽ khác. Vì trước đây, một số tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư ở các khoản bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp. Năm nay, tình hình doanh nghiệp hiện nay thì nhiều ngân hàng không sẵn sàng tư vấn và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nữa.
Về điều chỉnh lãi suất, tại BIDV, thông thường người ta vẫn nói là lãi suất đầu vào giảm thì mới có điều kiện giảm lãi suất đầu ra, còn chúng tôi lãi suất đầu ra luôn đi trước. Về kinh doanh, ở đây là, ngân hàng trước hết phải có khách hàng và giữ được khách hàng. Thực tế thời gian qua, với những khách hàng tốt thì chúng tôi thực hiện điều chỉnh lãi suất ngay trên hợp đồng; lãi suất cũ được đưa về lãi suất mới.
Hiện có doanh nghiệp kêu lãi suất vẫn quá cao, tôi nghĩ có lẽ chủ yếu là những doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt, hoặc chưa thực sự minh bạch, khả năng phục hồi không cao.
Về chính sách, lâu rồi, nhiều năm rồi mới thấy sự điều hành có tính chất định hướng rất rõ, lộ trình rõ, chứ nó không giật cục, bất ngờ nhiều như trước đây. Lộ trình và định hướng Ngân hàng Nhà nước đã thông tin rất là rõ rồi. Có chăng là có thể nhìn nhận tình hình đã tốt hơn nên rút ngắn lộ trình thôi”.
Tránh được cái chết trong tương lai
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)
“Về tỷ giá USD/VND, sau khi lãi suất VND giảm nhanh và mạnh thì sẽ sao? Tôi nhận thấy là, lãi suất về 9%/năm, tỷ giá tăng 2% - 3% hay 3% - 4% đi nữa thì cộng vào nữa cũng không bằng 9%/năm. Cho nên với người thân tôi vẫn thuyết phục là gửi VND vào ngân hàng.
Nhưng người gửi có yên tâm không? Trong bối cảnh hiện nay, kinh doanh sau khi trừ chi phí rồi để được 9%/năm là cực kỳ khó khăn. Cho nên lúc này gửi VND vào ngân hàng vẫn là một kênh đầu tư an toàn.
Còn về trần lãi suất cho vay, nó giúp cả doanh nghiệp lần ngân hàng. Về doanh nghiệp, nó nghiêm cấm ngân hàng nào vì khó khăn thanh khoản, phải huy động lãi suất cao và cho vay cao. Còn với ngân hàng, hạn chế cho vay cao thì tránh phải chết trong tương lai, vì càng cho vay cao thì càng khó thu hồi nợ. Đếm cua trong lỗ, cho vay cao cứ tưởng nhân với nguồn tín dụng thì thu lời cao, nhưng sau đó thu được về như thế nào?
Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư kinh doanh là được rồi. Với lãi suất cho vay ngắn hạn 11%, 12%, 13%/năm là tương đối tốt. Còn ngân hàng chúng tôi, muốn tồn tại thì cho vay trước thấp, chính giai đoạn này là lúc chúng tôi lôi kéo khách hàng tốt nhất. Những khó khăn tạm thời thì ngân hàng phải giúp doanh nghiệp, như thế họ mới về với mình. Có lẽ ngân hàng nào cũng suy nghĩ điều đó.
Hôm qua (9/6), Thống đốc có nói với tôi là lãi suất 9%/năm sẽ ổn định từ nay đến cuối năm. Cho vay với “margin” 2% - 3%/năm là tương đối tốt rồi. Cho nên ai đó mong lãi suất xuống nữa để đầu tư vào ngoại tệ thì sai lầm”.
Không vì thừa vốn mà đẩy tín dụng ồ ạt
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
“Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất là đúng với xu thế thị trường. Nó có lợi cho ngân hàng thương mại.
Chúng ta biết là thời gian qua ngân hàng thương mại phát triển tín dụng khá là khó, một vài tháng gần đây dư nợ mới nhúc nhắc tăng được một chút, mới lên mặt đất một chút. Có các kênh đầu tư, liên ngân hàng và trái phiếu Chính phủ, kênh thứ ba là cho vay. Cho vay ra thì không tăng được; nếu gửi liên ngân hàng thì lỗ nặng, vì lãi suất chỉ 6% - 7%, thậm chí 5%/năm; lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng xuống thấp. Cho nên việc giảm lãi suất này giúp ngân hàng thương mại giảm được chi phí vốn. Vẫn phải huy động vào mà không cho vay ra được thì rõ ràng nó ảnh hưởng nhiều đến tỷ suất sinh lời của ngân hàng.
Cái nữa là, mức 9%/năm có yếu tố là các ngân hàng đang thừa khá là nhiều tiền. Hạ lãi suất vừa giúp ngân hàng như vậy vừa giúp giảm chi phí vay cho doanh nghiệp. Đối với các khoản vay cũ rõ ràng trước nay các ngân hàng vẫn quy định một biên độ điều chỉnh lãi suất, thông thường là 3 tháng một lần. Ví dụ ngay bây giờ chúng ta giảm xuống 9%/năm, các khách hàng đến kỳ điều chỉnh lúc này lập tức được giảm ngay 2%/năm. Từ 14%/năm trước đây xuống 9%/năm là đã giảm 5%/năm rồi, nếu khách hàng nào vay từ năm ngoái thì đến nay đã được giảm lãi suất vay 5%/năm rồi. Rõ ràng nhiều khách hàng đã có được mức giảm đáng kể.
Thời gian qua, tiền gửi vào ngân hàng tập trung ở kỳ hạn ngắn, thậm chí tập trung 1 tháng. Nó tái tục liên tục như vậy. Nay, cho phép ngân hàng và khách hàng thỏa thuận lãi suất kỳ hạn gửi từ 12 tháng trở lên thì tạo điều kiện để ngân hàng cải thiện cơ cấu tài sản nợ. Ngân hàng thương cho vay ít nhất 3, 6, 12 tháng, thậm chí là 5 năm. Rõ ràng đang phải lấy các khoản ngắn hạn như vậy tài trợ cho các khoản dài hạn. Nay, giả sử vẫn giữ nguyên 11%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng thì nó sẽ giúp cải thiện cơ cấu vốn, bảng cân đối của ngân hàng lành mạnh hơn rất nhiều. 11%/năm như vậy, margin 2% - 3%/năm, lãi suất cho vay khoảng 14%/năm là rất hợp lý.
Hai ngày cuối tuần vừa rồi, khách hàng đổ dồn đến ngân hàng để đổi sổ. Trước đó họ gửi 1, 2, 3 tháng là cùng, giờ đổi thành 6 - 12 tháng hết. Họ sợ lãi suất sẽ hạ tiếp. Như tại VPBank, chỉ hai ngày vậy thôi khách hàng gửi vào hàng nghìn tỷ đồng. Rõ ràng lúc này gửi ngân hàng vẫn là kênh an toàn và hiệu quả với người gửi tiền.
Còn doanh nghiệp kêu, có thể chúng ta mới chỉ nghe từ các ông đầu cơ, những ông không thể cơ cấu lại được, hay trước đây họ không gắn với sản xuất. Chúng tôi cũng muốn hỗ trợ, nhưng phải đặt an toàn lên hàng đầu, chứ không thể vì thừa vốn mà đẩy tín dụng ra ồ ạt, không kiểm soát được thì hậu quả phải trả giá là 6 tháng hay một năm nữa. Thậm chí khi lãi suất huy động 14%/năm, chúng tôi đã phải cho vay 12%/năm, vì thà rằng cho vay những khách hàng tốt đó còn hơn gửi liên ngân hàng chỉ 6% - 7%/năm”.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com