Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gỡ nút thắt cho bảo hiểm nông nghiệp

 Có được sự hỗ trợ của Nhà nước về phần phí bảo hiểm là một thuận lợi rất lớn đối với bà con nông dân nói riêng, với chương trình thí điểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn đang chờ đón phía trước.

Theo ông Phạm Xuân Phong, Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo Minh, khó khăn đầu tiên là ý thức về bảo hiểm của bà con nông dân. Các doanh nghiệp bảo hiểm cố gắng giải thích và tuyên truyền loại hình bảo hiểm này, nhưng cũng không thể biết được là bà con đã hiểu đúng quyền lợi của mình hay chưa. Bảo hiểm có những nguyên tắc rất cơ bản, nhưng không phải ai cũng hiểu một cách cặn kẽ, kể cả những người có chuyên môn muốn hiểu rõ cũng phải được học tập và nghiên cứu một thời gian nhất định. Khó khăn thứ hai xuất phát từ chính hiện trạng nông nghiệp Việt Nam, vì các vùng kinh tế nông thôn phát triển nông nghiệp không đồng bộ. Mỗi vùng có một tập quán sản xuất riêng và thường có quy mô nhỏ lẻ.

Đặc biệt, nhiệm vụ của chương trình là hỗ trợ cho nông dân nghèo, nông dân nghèo thì điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nông nghiệp, cũng như quy trình sản xuất rất khác nhau và nhìn chung là thiếu thốn. Sự thiếu đồng bộ trong quy trình sản xuất nông nghiệp sẽ làm cho công tác giám định thiệt hại, bồi thường gặp một số khó khăn nhất định. Ngoài ra, có những khó khăn về cơ chế tài chính, tái bảo hiểm, số liệu thống kê chưa đầy đủ..., mà các doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải trong quá trình triển khai bảo hiểm nông nghiệp.

Tại hội nghị triển khai Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 được tổ chức mới đây, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam băn khoăn, nguyên tắc bảo hiểm là số đông bù số ít, nhưng theo quy định thì mỗi tỉnh chỉ chọn 3 huyện, mỗi huyện chọn 3 xã. Việc hạn chế vùng như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc số đông bù ít của bảo hiểm.

Thực tế, bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam đã từng có một số doanh nghiệp triển khai và nhận thấy tổn thất của loại hình này rất lớn. Trong khi đó, Quyết định 315 chỉ quy định mức hỗ trợ của Nhà nước và đối tượng được hỗ trợ, mà không quy định bắt buộc hộ nông dân phải tham gia. Điều này có thể ảnh hưởng đến quy luật số lớn trong bảo hiểm, cũng như kế hoạch kinh doanh của các công ty bảo hiểm.

Về vấn đề này, ông Phong nhìn nhận, không thể bắt buộc bà con tham gia bảo hiểm nông nghiệp, vì đây không phải là một loại hình bảo hiểm bắt buộc. Họ có tham gia bảo hiểm hay không là do các doanh nghiệp bảo hiểm và sản phẩm của mình.

"Cần phải tuyên truyền để bà con nông dân thấy được quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia bảo hiểm thì họ mới tự nguyện tham gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải cân nhắc, vì nếu mở rộng phạm vi bảo hiểm có thể dẫn đến tổn thất lớn như các trường hợp trước đây", ông Phong nói.

Một vấn đề khác được cả Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và đại diện các tỉnh, thành quan tâm đó là về tiêu chí, tiêu chuẩn trồng lúa, chăn nuôi, thủy sản. Nếu tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư 47 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ sẽ khó thực hiện, người nông dân khó có khả năng đáp ứng.

Đại diện tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đối với những hộ nghèo, vật nuôi chủ yếu được thả rông và rủi ro gặp phải chủ yếu là chết rét, nếu quy định quy trình tiêu chuẩn như trong Thông tư 47 sẽ khó thực hiện đối với các hộ nghèo - đối tượng chính được Nhà nước hỗ trợ. Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau nhận xét, tiêu chuẩn, quy trình đối với nuôi tôm theo Thông tư 47 trên thực tế không thể thực hiện được.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, tuân thủ tiêu chuẩn, quy trình theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT mới được bảo hiểm là rất khó thực hiện, vì vậy nên có hướng mở theo quy trình của cơ quan chuyên môn, phù hợp với thực tế người tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, ông Hà cũng lưu ý, mức bồi thường bảo hiểm quy định tỷ lệ cụ thể trong Thông tư 47 có thể dẫn đến nhầm lẫn trong quá trình bồi thường bảo hiểm khi xảy ra thiệt hại. Vì vậy, đề nghị Bộ NN&PTNT có hướng dẫn rõ hơn.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!