Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất vay tiêu dùng đến 33%/năm

Người tiêu dùng mua hàng trả góp nhưng không biết là đang bị tính lãi suất cực cao. Ảnh minh họa: M. Thảo
Khi nhìn vào khoản lãi phải trả hằng tháng, người vay rất dễ choáng vì công ty tính lãi đến 2,4%/tháng. Với mức lãi này, nếu vay 100 triệu đồng thì một năm người vay phải trả lãi 28 triệu đồng.
 
Với thủ tục nhanh chóng, đơn giản, không cần tài sản thế chấp... hình thức vay tiêu dùng, vay mua hàng trả góp của nhiều công ty tài chính hiện đang được khá đông người dân chọn khi có nhu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tiện lợi thì người tiêu dùng phải gánh các mức lãi suất “siêu khủng”.

10 phút được vay ngay

Đó là khẳng định của một cửa hàng bán xe máy ở quốc lộ 50, Bình Hưng, Bình Chánh (TP.HCM) khi phóng viên hỏi muốn mua trả góp một chiếc xe máy LEAD hiệu Honda. Nhân viên cửa hàng này tư vấn chỉ cần bỏ ra 30% giá trị chiếc xe là khách hàng có thể mang xe về nhà ngay. Mua xe theo hình thức này thì góp hằng tháng và khách hàng chỉ cần phôtô chứng minh nhân dân không cần thị thực cũng được.

Nhân viên cửa hàng này còn trấn an: “Thủ tục xét trong vòng 10 phút và năm ngày sau xe mua đã có bảng số. Thậm chí thoáng đến mức cửa hàng không giữ lại giấy đăng ký xe mà cho người mua quản lý”. Cũng theo lời anh nhân viên này thì có đến 65% những người đến cửa hàng chọn hình thức mua xe trả góp thay cho việc trả tiền một lần.

Không chỉ mua xe máy, laptop, đồ điện tử... trả góp tính lãi mà hình thức cho vay tiêu dùng dưới dạng tín chấp cũng nở rộ. Hình thức vay này phát triển mạnh đến mức trong lúc người dân đến các ngân hàng vay tiền ngắn hạn rất khó khăn thì các công ty tài chính lại cho nhân viên đi “săn” khách để cho vay. Anh TM, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu ở quận 4, TP.HCM cho biết từ tết đến nay có một công ty tài chính suốt ngày gọi điện thoại cho anh để mời chào cho vay tiền tiêu dùng cá nhân. Anh đã hai lần từ chối không vay nhưng hết nhân viên này đến nhân viên khác của công ty tài chính trên gọi điện thoại, gửi email mời chào.

Choáng vì lãi suất

Do thủ tục đơn giản, hồ sơ vay xét duyệt nhanh nên hình thức vay tiêu dùng, mua hàng trả góp đang lên ngôi. Tuy nhiên, nếu cẩn thận chỉ cần nhẩm tính người tiêu dùng rất dễ choáng bởi khoản lãi vay phải đóng.

Như chiếc xe máy LEAD hiệu Honda (giá 36 triệu đồng) mà phóng viên hỏi mua trên, nếu chọn thời gian góp trong chín tháng thì lãi vay phải chịu gần 6 triệu đồng. Số tiền lãi cao vì công ty tài chính tính lãi suất vay đến 2,8%/tháng, mặc cho khách hàng đã bỏ ra trước 30% vốn, chỉ phải chịu lãi trên số tiền hơn 31 triệu đồng.

Không chỉ chịu mức lãi cao khi mua hàng hóa trả góp mà vay tín chấp tiêu dùng khách hàng cũng bị áp một mức lãi suất trên trời.

Trở lại trường hợp anh M., với thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng, công ty tài chính chấp nhận cho anh vay 50 triệu đồng. Tất cả các thủ tục đều đơn giản, không cần chứng thực và chỉ cần hóa đơn điện, nước kèm theo. Tuy nhiên, khi nhìn vào khoản lãi phải trả hằng tháng thì người vay rất dễ choáng vì công ty tính lãi đến 2,4%/tháng. Với mức lãi này vị chi nếu vay 100 triệu đồng thì một năm người vay phải trả lãi 28 triệu đồng (chưa tính trên dư nợ giảm dần).

Tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở ở TP.HCM phân tích vay dưới dạng tín chấp, trả góp... hút người vay vì nhiều người cho rằng số tiền vay quá nhỏ nên các khoản tiền phải trả kể cả lãi suất không đáng kể. Nhưng theo ông này, trong thực tế thì không phải vậy, bởi lẽ ngay khi có tiền, muốn chấm dứt hợp đồng vay trước hạn thì người vay còn phải chịu lãi phạt rất cao, có nơi tính đến 5%/tháng.

Tín dụng đen bùng phát

Hiện nay nạn tín dụng đen bên ngoài, nhất là ở các chợ đang nảy nở. Theo phản ánh của các tiểu thương ở chợ Tân Bình, An Đông (quận 5), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh),... hiện có nhiều người gạ cho vay tiền với mức lãi 7%-8%/tháng và cần vay bao nhiêu cũng có.

Nạn tín dụng đen hiện công khai chào vay trên mạng Internet. Chỉ cần vào các trang web chuyên về rao vặt, mua bán, người đọc thấy ngay các dòng thông tin có dòng tiền nóng cho vay không cần thế chấp, cho vay đáo hạn ngân hàng, cho vay nhận tiền ngay... Tuy nhiên, khi tiếp cận các nguồn tiền này thì hình thức tính lãi rất cao và khấu trừ ngay tiền lãi trên số tiền cho vay.

(Theo Bùi Nhơn - PL)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!