![]() |
Các đại biểu tại Lễ khai trương LienViet Bank An Giang |
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienViet Bank, không chỉ là địa bàn nông thôn quan trọng, là vựa lúa của cả nước, khu vực miền Tây còn là nơi sản xuất hàng hóa tiềm năng rất lớn, là thị trường tín dụng phong phú, hiệu quả đối với các ngân hàng.
Những lâu nay, vai trò trung chuyển vốn từ thành thị về nông thôn, góp phần thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam hầu như chỉ do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), một số ngân hàng thương mại Nhà nước và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đảm nhiệm.
Ước tính, hiện chỉ riêng Agribank chiếm khoảng 60% thị phần cho vay ở nông thôn; vai trò của các ngân hàng thương mại cổ phần tại các vùng nông thôn nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng còn rất hạn chế.
Tính đến ngày 31/12/2009, dư nợ cho vay thông thường phát triển nông nghiệp, nông thôn của vùng ĐBSCL chỉ đạt hơn 71.000 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 30% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn của cả nước. Dư nợ cho vay với lãi suất ưu đãi còn thấp hơn, chỉ đạt 1.534 tỷ đồng, bằng 12% so với dư nợ vay ưu đãi phát triển nông nghiệp nông thôn cả nước. Trong khi đó, sản lượng lúa gạo của vùng ĐBSCL hiện chiếm hơn 50% sản lượng cả nước và cung ứng tới hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Việc chọn tỉnh An Giang để thành lập Ngân hàng Liên Việt An Giang xuất phát từ lợi thế An Giang là cửa ngõ và là trung tâm giao thương với các nước ASEAN, đặc biệt là có điều kiện thuận lợi trong quan hệ giao thương cả đường thủy và đường bộ với nước bạn Campuchia.
Khi đi vào hoạt động, Ngân hàng Liên Việt An Giang sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Đề án phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn từ 2010 đến 2013 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong giai đoạn 2010 - 2013, Liên Việt Bank dự kiến dành khoảng 3.000 đến 5.000 tỷ đồng cho nông dân và các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản, thủy sản vùng ĐBSCL vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Riêng năm 2010, ngân hàng đã có đề án báo cáo Ngân hàng Nhà nước với tổng vốn cho vay khu vực này là 1.200 tỷ đồng.
Theo đề án, LienViet Bank sẽ tập trung vào các nhu cầu vốn tín dụng ngắn hạn từ dưới 12 tháng, cho vay đối với các giống cây trồng, vật nuôi ngắn ngày dưới 12 tháng. Riêng với tỉnh Hậu Giang, LienVietBank sẽ tiến hành thí điểm cho vay hỗ trợ lãi suất ở một số huyện có sản xuất hàng hóa mà nông dân vẫn phải vay nặng lãi với hình thức mua phân bón chịu bán lúa non...
Trước mắt, LienViet Bank đang cùng các doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản và một số nhà tư vấn có kinh nghiệm hoạt động tại vùng ĐB SCL xây dựng quy trình cho vay khép kín và thí điểm thực hiện chương trình Phú Tam Nông, tạo điều kiện cho nông dân làm giàu trên cơ sở tiếp cận với việc cải thiện giống cây trồng, kỹ thuật tiên tiến và dễ dàng tiêu thụ hàng hóa sản xuất ra.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu sao cho cả ba công đoạn “khoa học - sản xuất – tiêu thụ” đều có vốn của Ngân hàng Liên Việt tham gia. LienViet Bank sẽ nỗ lực làm tốt vai trò trung gian với “bốn nhà” để giúp người nông dân làm giàu” – ông Hưởng nhấn mạnh.
Là một ngân hàng mới thành lập, nhưng trong 2 năm vừa qua, LienViet Bank đã có những bước phát triển vững chắc. Năm 2009, lợi nhuận sau thuế của LienViet Bank đạt 540 tỷ đồng, vuợt 16% kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 31/12/2009, LienVietBank đạt tổng tài sản 17.400 tỷ đồng, 100% các Chi nhánh của Ngân hàng Liên Việt đã kinh doanh có lãi trong năm 2009.
Ban lãnh đạo Ngân hàng Liên Việt kỳ vọng sang năm 2010 tổng tài sản sẽ tăng gấp 3 lần, lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với năm 2009.
(Theo Huy Hào // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com