Ngân hàng Nhà nước đã gửi đi thông điệp kiên quyết kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20%. Trong điều kiện lợi nhuận của nhiều ngân hàng (nhất là các ngân hàng nhỏ) chủ yếu dựa vào hoạt động tín dụng, chính sách của NHNN có thể sẽ khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm so với năm trước, hoặc ít nhất là so với kế hoạch.
Chính sách thắt chặt tín dụng của NHNN đang được triển khai đồng thời với việc hạn chế giao dịch vàng miếng, ngoại tệ. Điều đó đồng nghĩa với việc các ngân hàng không chỉ chịu tác động giảm nguồn thu từ cho vay mà còn giảm nguồn thu từ một số hoạt động dịch vụ khác. Tuy nhiên, tác động đáng kể nhất vẫn là từ việc thu hẹp dư nợ tín dụng bởi hoạt động chính của hầu hết ngân hàng hiện nay vẫn là huy động và cho vay.
Hiệu quả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng còn chịu áp lực giảm nhiều hơn khi nhiều ngân hàng vừa tăng vốn trong năm qua, số khác, nhiều khả năng sẽ phải tăng trong năm nay để đáp ứng yêu cầu của Nghị định 141/2006/NĐ-CP. Đến nay, cả thị trường chỉ còn 2 đến 3 ngân hàng có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, phần còn lại đã hoàn tất lộ trình tăng vốn và trong đó không ít nhà băng đã có vốn điều lệ đạt trên 10.000 tỷ đồng. Vì thế, việc tạo ra lợi nhuận đáp ứng cổ tức ở mức hợp lý và đảm bảo được quyền lợi cho các cổ đông trước bối cảnh hiện nay đang là vấn đề đau đầu của không ít ngân hàng.
Chủ tịch HĐQT TrustBank, ông Hoàng Văn Toàn cho rằng, mục tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ để kiểm soát lạm phát là đúng đắn. Tuy nhiên, chủ trương hạn chế vốn vào lĩnh vực phi sản xuất trong thời gian từ nay đến tháng 6/2011, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay phi sản xuất cao phải giảm xuống 22% sẽ là khó khăn không nhỏ cho các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Bởi theo ông Toàn, tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực phi sản xuất ở các ngân hàng quy mô nhỏ là rất cao, do đó, nếu chỉ có 4 tháng để kéo giảm xuống tỷ lệ cho phép là không dễ.
Cũng theo ông Toàn, trong năm nay, TrustBank dự kiến tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng, tức từ 3.000 đồng hiện tại lên 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Ngân hàng phải cơ cấu lại tín dụng với 2.000 tỷ đồng vốn tăng thêm. TrustBank sẽ tập trung phát triển tín dụng nông thôn, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, đồng thời giảm tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm 2011 được TrustBank tính toán khá kỹ, dự kiến đạt 600 tỷ đồng, tăng 99% so với năm 2010.
Theo ông Nguyễn Phước Hòa, Tổng giám đốc MHB, hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của MHB chỉ có 8%, với chứng khoán là 1,9% và 60% dư nợ tập trung cho sản xuất công nghiệp. Thế nhưng, ông Hòa cho rằng, với mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao như hiện nay thì tập trung vốn cho sản xuất càng khó.
Mặt khác, nếu phải giảm tỷ lệ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất xuống 16% vào cuối năm 2011, áp lực về mặt tài chính đối với nhiều ngân hàng là không nhỏ. Một số ngân hàng đang có tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất chiếm tỷ lệ cao trong tổng dư nợ. Nếu phải giảm đột ngột tỷ lệ này, các ngân hàng này còn có thể thua lỗ.
Trước tình hình đó, khả năng nhiều ngân hàng sẽ phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận trong năm nay. OceanBank cho biết, Ngân hàng dự kiến đạt mức lợi nhuận trước thuế trong năm nay ở con số 1.000 tỷ đồng so với năm 2009 là xấp xỉ 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ dự kiến tăng từ 3.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2011, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank cho biết, Ngân hàng sẽ phải cơ cấu lại nguồn thu, đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ khi hoạt động tín dụng phải siết chặt hơn.
Tổng giám đốc Techcombank, ông Nguyễn Đức Vinh cũng đưa ra nhận định, lãi suất khó có thể duy trì ở mức cao, nhất là khi lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Thế nhưng, hoạt động của ngành ngân hàng năm 2011 vẫn còn nhiều thách thức. Techcombank sẽ phải cân nhắc kỹ khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com