Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng nhỏ khó mở nhiều chi nhánh

Theo dự thảo Thông tư quy định điều kiện, thủ tục thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, các NHTM quy mô nhỏ sẽ khó thành lập nhiều chi nhánh tại TP. HCM và Hà Nội.

NHNN vừa đưa ra dự thảo lần 2 lấy ý kiến về Thông tư quy định điều kiện, thủ tục thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của các NHTM. Điểm khác biệt quan trọng trong dự thảo lần này là các ngân hàng phải đảm bảo vốn điều lệ đạt mức trên 200 tỷ đồng/chi nhánh nếu chi nhánh được mở tại TP. HCM và Hà Nội, trên mức 50 tỷ đồng/chi nhánh nếu chi nhánh được mở tại các địa phương khác. Trước đó, dự thảo lần 1 bỏ các quy định phải đảm bảo vốn điều lệ khi mở chi nhánh và theo Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN đang được thi hành về mạng lưới hoạt động của NHTM, các ngân hàng phải đảm bảo vốn điều lệ đạt mức trên 100 tỷ đồng/chi nhánh nếu chi nhánh được mở tại TP. HCM và Hà Nội và trên mức 50 tỷ đồng/chi nhánh nếu chi nhánh được mở tại các địa phương khác.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ, nhiều quan điểm cho rằng, mạng lưới các ngân hàng ở hai thành phố lớn hiện nay được cho là nhiều hơn các cửa hàng phở, nên có thể mục tiêu của NHNN là giảm mức độ mở rộng chi nhánh tại hai thành phố này.

Dù nhất trí với mục đích của NHNN siết việc mở chi nhánh như trong Dự thảo, nhưng theo ông Tuấn, quy định đảm bảo vốn điều lệ đạt mức trên 200 tỷ đồng/chi nhánh là hơi cao. Bởi các NHTM có quy mô vốn điều lệ quanh mức 3.000 tỷ đồng chỉ có thể thành lập trên dưới 15 chi nhánh tại Hà Nội và TP. HCM, hoặc thấp hơn nếu mở rộng thêm tại các địa bàn khác. "Nếu bắt buộc phải có quy định đảm bảo vốn điều lệ thì mức độ như bây giờ khoảng 100 tỷ đồng hợp lý hơn", ông Tuấn nói.

Phó tổng giám đốc một NHTM phụ trách phát triển mạng lưới nêu quan điểm, các ngân hàng nhiều lúc cũng không muốn mở rộng mạng lưới ồ ạt, bởi kể cả chưa tính đến việc phải đảm bảo vốn điều lệ là bao nhiêu, mà ngay bản thân chi phí cho việc mở và duy trì một chi nhánh là rất lớn. Trong khi đó, nguyên nhân sâu xa của việc "thúc ép" mở rộng chi nhánh là do vốn điều lệ tăng nhanh, nên dẫn tới việc phải tăng nhanh nguồn huy động, tăng cho vay để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, thanh khoản của nhiều ngân hàng khá yếu, trong khi sự hỗ trợ của NHNN còn rất hạn chế, nên ngân hàng phải tăng tốc huy động nguồn vốn từ thị trường 1, mà muốn huy động được vốn thì phải mở chi nhánh.

"Do vậy, nếu NHNN đưa ra quy định về hạn mức vốn làm điều kiện mở chi nhánh cũng khó có thể ràng buộc được NHTM. NHNN nên để cho thị trường tự điều chỉnh và cuối cùng là để bản thân các NHTM tự tính bài toán hiệu quả khi mở rộng mạng lưới và hình thành những phân khúc rõ ràng giữa ngân hàng lớn, ngân hàng bé", vị phó tổng giám đốc trên nói.

Giám đốc phát triển mạng lưới một NHTM có nhiều năm làm việc cho ngân hàng nước ngoài cho biết, theo thông lệ quốc tế, việc mở rộng hay không mở rộng mạng lưới hoạt động của một ngân hàng nào phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng quản trị, Ban điều hành của ngân hàng đó. Mở rộng mạng lưới đòi hỏi năng lực về vốn, về quản trị con người của ngân hàng liệu có phù hợp, thích ứng, theo kịp cùng quá trình phát triển mạng lưới. Điều này cũng phản ánh năng lực quản trị của mỗi ngân hàng trong việc bành trướng về mạng lưới hay phát triển các loại hình dịch vụ. Do vậy, việc quy định vốn điều lệ phải là bao nhiêu mới được mở phòng giao dịch/chi nhánh là không cần thiết.

Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia ngân hàng có nhiều năm làm việc ở nước ngoài cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang hướng tới phát triển theo chuẩn mực quốc tế Basel 2, 3 nên việc tìm cách ngăn cản mở rộng chi nhánh là điều không bình thường. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, ở thực tế thị trường Việt Nam hiện nay cũng có thể có những giới hạn nhất định, nhưng cần phải dựa trên nghiên cứu khoa học và tiêu chí nào khi đưa ra mức quy định như vậy, bởi quy mô của từng chi nhánh ở hai thành phố này rất khác nhau. "Điều quan trọng hơn cả là việc hoàn thiện các tiêu chuẩn giám sát của NHTM đó nói riêng, của NHNN với hệ thống ngân hàng nói chung. Và chắc chắn quy định đảm bảo vốn như nêu ở trên cần bị loại bỏ tại một thời điểm nào đó", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Được biết, dự thảo lần 2 của Thông tư này không đăng trên website của NHNN, mà cơ quan này gửi trực tiếp tới các NHTM vào những ngày cuối tháng 6 để lấy ý kiến gấp, với hạn cuối cùng gửi về trước ngày 4/7 để NHNN chính thức ban hành quyết định mới áp dụng trong năm nay.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!