Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng nhỏ ngại công bố lợi nhuận

Trái với không khí công bố lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng trong hai quý hoạt động đầu năm có phần hào hứng của các nhà băng lớn, nhiều ngân hàng nhỏ vẫn im hơi lặng tiếng.

Bởi so với chỉ tiêu đưa ra, lợi nhuận đạt được của một số nhà băng chưa bằng phân nửa kế hoạch năm, trong khi thách thức trong tháng còn lại của năm còn lớn.

Các nhà băng quy mô vừa và nhỏ đã phải đối mặt với không ít khó khăn kể từ đầu năm 2011, vì phải thắt chặt tín dụng phi sản xuất để giảm tỷ trọng dư nợ lĩnh vực này xuống 22% vào cuối tháng 6. Trong khi đó, chi phí huy động vốn đầu vào tăng theo diễn biến của áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất trên thị trường liên tục tăng cao. Do đó, lợi nhuận thu về trong hoạt động của ngân hàng nhỏ bị thu hẹp dần, bởi nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận lâu nay của nhà băng nhỏ chủ yếu từ hoạt động cho vay, chiếm đến 80 - 90% nguồn thu.

Vì vậy, dù đã qua hơn nửa năm 2011, nhưng không ít nhà băng nhỏ vẫn chật vật trong việc thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận đã thông qua trong kỳ họp ĐHCĐ đầu năm nay. Trong đó, một số nhà băng đến thời điểm này chỉ mới hoàn thành được 30 - 40% kế hoạch năm, nên chưa muốn công bố lợi nhuận và kỳ vọng những tháng cuối năm sẽ tốt hơn.

Phó chủ tịch HĐQT của một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở quận 11 (TP. HCM) cho biết, diễn biến thị trường trong hai quý đầu năm không đem lại kết quả thuận lợi cho hoạt động tín dụng, trong khi hoạt động cho vay phi sản xuất phải dừng hẳn theo yêu cầu của NHNNH. Thế nên, mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm nay ở mức 600 tỷ đồng, nhưng tính đến cuối tháng 7/2011, ngân hàng ông mới thực hiện được khoảng 40%.

Tại một số ngân hàng vừa và nhỏ khác, lợi nhuận trước thuế đạt được trong 2 quý đầu năm nay cũng chưa hoàn thành được 50% kế hoạch năm. Tính đến cuối tháng 6/2011, tổng tài sản của DaiABank là 15.843 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch; vốn huy động 5.303 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch; dư nợ cho vay 6.882 tỷ đồng, đạt 98,31% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch. Tại ABBank, kết thúc quý II/2011, ngân hàng này cũng mới đạt 46,3% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, với 307,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của WesternBank sau hai quý hoạt động đầu năm nay đạt 168 tỷ đồng, hoàn thành được 48% kế hoạch năm. Tính đến cuối tháng 6/2011, tổng tài sản Western Bank là 18.175 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch. Với TiênPhong Bank, 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập dự phòng của Ngân hàng đạt trên 180 tỷ đồng, vượt 16 tỷ đồng so với kế hoạch.

Song, với một số nhà băng quy mô vừa và nhỏ khác như GiaDinh Bank, OCB, VietA Bank, TrustBank, KienLongBank… đến thời điểm này vẫn từ chối công bố con số lợi nhuận đạt được trong những tháng hoạt động đầu năm, với lý do chưa được như kỳ vọng. Theo lãnh đạo cấp cao của OCB, so với kế hoạch lợi nhuận xây dựng cho cả năm 2011 là 500 tỷ đồng, thì 6 tháng đầu năm nay vẫn chưa đạt được phân nửa. Do đó, Ngân hàng đang nỗ lực phấn đấu trong những tháng còn lại để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Nhưng một số nhà băng khác, trong đó có TrustBank, HDBank lại cho rằng, gần đến cuối năm 2011 đưa ra con số lợi nhuận sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, trước áp lực lạm phát chưa được kiểm soát xuống mức phù hợp và kỳ vọng lãi suất còn tăng, thì thách thức trong các tháng còn lại của năm còn rất lớn. Theo các nhà băng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng phải siết chặt dưới 20% đúng với quy định của NHNN và được cào bằng cho tất cả các ngân hàng, đồng thời buộc kéo giảm dần tỷ lệ dư nợ tín dụng lĩnh vực phi sản xuất xuống 16% vào cuối năm chính là khó khăn lớn nhất.

Tổng giám đốc WesternBank, ông Đặng Đức Toàn cho biết, với mặt bằng lãi suất đầu vào thực tế hiện nay, các nhà băng nhỏ phải trả cho người gửi tiền phổ biến trong khoảng 17 - 19%/năm, trong khi cho vay ra 22 - 23%/năm, thì mức lãi suất chênh lệch được hưởng xấp xỉ 4%/năm chỉ mới hòa vốn.

Chủ tịch HĐQT OCB, ông Hà Văn Thắm thừa nhận, đối với hoạt động của ngân hàng, năm 2011 quả thực không dễ, vì chi phí đầu vào tăng theo biến động của lãi suất tiền gửi, nhưng tín dụng phải thắt chặt dưới mục tiêu cho phép 20%. Đồng thời, các nhà băng thu hẹp dần tín dụng phi sản xuất về 16% vào cuối năm nay, thì để đạt được kết quả lợi nhuận cao là điều không dễ dàng; ngược lại, thách thức gia tăng.

Vì thực tế hiện nay, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của các nhà băng chỉ mới đóng góp được một tỷ lệ khiêm tốn vào tổng lợi nhuận đạt được, đặc biệt là các nhà băng quy mô nhỏ. Đơn cử, với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2011 là 500 tỷ đồng (cao hơn 100 tỷ đồng so với năm trước), OCB cho biết, nguồn thu từ hoạt động tín dụng vẫn đóng góp phần lớn vào lợi nhuận của Ngân hàng, chiếm khoảng 75%.

Thùy Vinh

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!