Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng vẫn 'đi đêm' với khách gửi tiền

Dù Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ mạnh tay với ngân hàng lách trần huy động 14%, nhưng việc nhà băng đi đêm với khách vẫn diễn ra, không chỉ với khách quen, mà còn cả những người lần đầu đến gửi tiền.

Hôm 20/6, chị Hương, ở quận 6 (TP HCM), đến hạn tất toán sổ tiết kiệm 500 triệu đồng tại một nhà băng lớn trên đường Tỉnh lộ 10, Bình Tân (lãi suất 14%). Chị muốn gửi tiếp với điều kiện nhà băng phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhân viên ở đây từ chối với lý do, chỉ thị cấp trên không cho phép.

Bởi theo lời cô nhân viên này, việc nâng lãi suất cao hơn mức trần 14% hiện nay là rất nguy hiểm, nhất là sau khi có sự nhắc nhở của thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc đi đêm lãi suất phải được áp dụng tùy khách hàng, tùy hoàn cảnh và điều kiện. "Thường chúng em chỉ chấp nhận lãi suất cao với khách rất thân thiết hoặc có mức tiền gửi lớn", cô nói.

Vì không được chấp nhận yêu cầu, khách hàng này quyết định rút tiền về và chạy vòng qua các nhà băng khác thám thính tình hình. Cuối cùng, tại hội sở chính của một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ trên đường Cống Quỳnh, quận 1, chị được chấp nhận gửi với lãi suất 17,5% một năm cho khoảng tiền 500 triệu đồng này.

"Ngoài các thủ tục gửi như thông thường với lãi suất ghi là 14% một năm, số tiền chênh lệch giữa lãi suất chính thức với lãi suất "đi đêm" sẽ được nhà băng chi trả bằng tiền mặt ngay tại thời điểm làm thủ tục gửi", chị nói.

Cũng theo chị Hương, nhân viên của nhà băng này còn cho biết, chỉ cần là người do khách quen giới thiệu thì với mức gửi tiền từ 100 triệu đồng trở lên là đã có thể nhận được lãi suất 17,5%.

Trong khi đó, chị Lan (Bình Tân, TP HCM) đến phòng giao dịch của một ngân hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 để gửi tiết kiệm. Chị cho biết, muốn gửi 300 triệu đồng trong 3 tháng nhưng nhân viên thông báo mức lãi suất tối đa chỉ là 14%. Chị kì cò mãi cũng không thể cao hơn. Tuy nhiên, cô nhân viên này lại gợi ý về hình thức phạt chậm trả đang được ngân hàng áp dụng để lách lãi suất.

Theo đó, khi khách hàng đến thời hạn rút tiền ghi trên sổ tiết kiệm, ngân hàng sẽ không thanh toán lãi và gốc, dẫn tới việc ngân hàng sẽ bị phạt chậm trả để sao cho số tiền phạt đúng bằng số chênh lệch giữa lãi suất 14% và lãi suất thực mà ngân hàng áp dụng cho khách hàng.

Không chỉ TP HCM, hiện nhiều ngân hàng tại Hà Nội cũng thường xuyên 'đi đêm' với khách hàng. Theo lời chị Hằng nhà ở Thanh Xuân (Hà Nội), thời điểm này, đến ngân hàng nào mà gửi số tiền từ 200 triệu trở lên, khách hàng đều dễ dàng thỏa thuận lãi suất cao hơn 14%.

Chiều 20/6, chị đến một ngân hàng trên phố Tây Sơn hỏi lãi suất để gửi hơn 600 triệu đồng thì được nhân viên rỉ tai, có thể được hưởng 17% cao nhất. "Nhân viên này còn tưởng tôi gửi mấy chục triệu, nên cứ quả quyết chỉ áp dụng tối đa 14% như quy định. Nhưng khi biết số tiền gửi lên tới hơn 500 triệu với kỳ hạn 1 tháng, thì lại thay đổi ngay phương án, cho tôi hưởng lãi 17% một năm", chị kể.

Một số khách hàng đến gửi tiết kiệm tại một ngân hàng quốc doanh trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) thì cho biết, nhân viên giao dịch ở đây còn sẵn sàng tư vấn cho khách mức lãi suất cao nhất nếu được... nhìn thấy tiền.

Chị Lan, khách hàng đến hỏi lãi suất tại nhà băng này chiều 20/6 kể, lúc đến nơi, vẫn có đông khách giao dịch, nên nhân viên cho hay chỉ áp dụng lãi tối đa là 14% như quy định. Tuy nhiên, sang quầy vắng khách hơn, chị được nhân viên hứa hẹn sẽ áp dụng lãi suất 18%, du di thêm 1% nếu chị mang tiền đến tận nơi cho nhân viên này nhìn thấy.

Trước thực trạng này, đại diện của một ngân hàng cổ phần giãi bày, hiện nay mức lãi cho vay của nhiều ngân hàng rất cao, quanh 22- 23% một năm, thậm chí lên 25% nhưng vẫn không đủ vốn. Do đó, lãi suất huy động phải cao thì mới giữ được chân khách.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, biểu hiện đầu tiên của việc các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao để rồi cho vay với lãi suất rất cao đó là nhu cầu về vốn rất lớn của nền kinh tế. Bình thường, ngân hàng chỉ muốn huy động với lãi suất thấp, nhưng khi họ đã huy động với lãi suất cao tức là chuyện thanh khoản đang có vấn đề.

Do đó, theo ông Sơn, dù Ngân hàng Nhà nước có can thiệp bằng việc quy định lãi suất trần và kiểm tra gắt gao thì muốn hay không, các ngân hàng vẫn phải tìm cách lách để tăng cường huy động để giữ khách, tránh rủi ro về thanh khoản, chấp nhận áp lực về quản lý cũng như việc hợp thức hoá các khoản chênh lệch lãi suất.

Ông Sơn ví von, chuyện huy động vốn hiện nay cũng giống như một người đang khát nước. Cho dù Ngân hàng Nhà nước cầm trên tay ly nước và cảnh báo nước bị nhiễm khuẩn không được uống. "Giữa tình huống nguy cấp nếu uống nước thì bị thổ tả, còn không uống sẽ chết khát, tất nhiên người ta sẽ liều mình uống nước và bất chấp có bị nhiễm tả hay không. Bởi việc chết khát nguy hiểm hơn nhiễm tả", ông Sơn nói.

Trao đổi với VnExpress.net, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội cho biết, đơn vị này đã và đang thực hiện chỉ thị của Thống đốc về việc giám sát tổ chức tín dụng áp dụng nghiêm lãi suất huy động trần VND cao nhất là 14%.

Bà Sương chia sẻ, cụ thể đơn vị nào huy động lãi suất cao thì chưa biết, tuy nhiên các cán bộ vẫn liên tục kiểm tra hoạt động vốn của các ngân hàng và sẽ có hướng xử lý nghiêm khắc với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trả lời báo chí trong cuộc gặp mặt gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay, trong những thời điểm lạm phát lên cao, việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương gần như đu trên dây.

Ông cũng cho biết sẽ không để chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài vì lãi suất cho vay cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh. "Khi lạm phát giảm nhiệt, cùng với các công cụ thị trường và hành chính khác, Ngân hàng Trung ương sẽ nỗ lực đưa lãi suất hạ xuống", Thống đốc chia sẻ.

(VnExpress)

  • NHNN siết chặt việc áp lãi suất huy động và cho vay VND
  • Ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất cho vay
  • Những câu hỏi lớn trước giờ G!
  • Tổng thư ký VNBA bác tin có văn bản kiến nghị ngăn giảm tỷ giá
  • JCB đánh giá cao thị trường thẻ tín dụng Việt Nam
  • Dư nợ tín dụng ngân hàng ngoại tăng kỷ lục
  • Không dời thời hạn siết tín dụng phi sản xuất
  • 16 ngân hàng mạnh nhất thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!