Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những “chấm nhỏ” lợi nhuận ngân hàng 2012

Những “chấm nhỏ” lợi nhuận ngân hàng 2012
Vẫn còn nhiều ngân hàng thương mại chưa có thông tin định hình về kết quả kinh doanh năm qua, nhất là ở các thành viên thuộc nhóm tái cơ cấu.

Vốn điều lệ và tổng tài sản lớn, song lợi nhuận năm vừa qua chỉ là “chấm nhỏ”. Không lỗ, kiềm chế được nợ xấu và giữ an toàn thanh khoản đã là thành công…

Đã có ba ngân hàng thương mại lớn công bố kết quả kinh doanh năm 2012 một cách chính thức. Một số khác cũng đã định hình tại hội nghị tổng kết lần lượt tổ chức trong tuần qua.

Kể từ khi cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) có thông lệ công bố kết quả kinh doanh định kỳ khá sớm. Năm 2012, dù phải điều chỉnh một số chỉ tiêu chính, song kết quả chung được lãnh đạo ngân hàng này đánh giá là vẫn khả quan.

Tính đến 31/12/2012, vốn điều lệ của VietinBank đạt 26.218 tỷ đồng; tổng tài sản (không bao gồm các công ty con, công ty liên doanh liên kết) đạt trên 505 ngàn tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm trước; dư nợ tín dụng tăng 13,3%; nguồn vốn tăng 9,4%; tỷ lệ nợ xấu 1,35%; lợi nhuận trước thuế đạt 8.213 tỷ đồng. Và tỷ lệ ROE đạt 19,8%, ROA đạt 1,6% được VietinBank nhấn mạnh là dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận của toàn ngành.

Một “ông lớn” quốc doanh khác là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã có kết quả cơ bản của năm 2012: tổng tài sản đạt 492.201 tỷ đồng, tăng 19,3%; tăng trưởng tín dụng đạt 16,5%; lợi nhuận trước thuế đạt 4.246 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu 2,7%; ROA đạt 0,7% và ROE đạt 12,44%.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2012 với tổng tài sản tăng 30% so với 2011, đạt giá trị 176.019 tỷ đồng; huy động vốn tăng 32%, đạt gần 118.000 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành với 25,6%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; vốn điều lệ cũng tăng lên 10.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế riêng hoạt động ngân hàng của MB đạt 3.024 tỷ đồng, được cho là đạt mức kỳ vọng của Hội đồng Quản trị…

Với ba thành viên trên, kết quả là khả quan trong một năm khó khăn chung của hệ thống và nền kinh tế. Một số ngân hàng khác chưa công bố chính thức, song thông tin lợi nhuận bước đầu đã có: Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đạt hơn 5.700 tỷ đồng; Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) khoảng 2.828 tỷ đồng; Ngân hàng Á Châu (ACB) khoảng 1.200 tỷ đồng; hay Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến cũng có thể có lãi, dù phải xử lý khoản lỗ nghìn tỷ khi nhận sáp nhập Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) trong năm qua…

Trong số những ngân hàng đã định hình lợi nhuận 2012 nói trên, ACB là trường hợp khá đặc biệt, khi lợi nhuận ở mức thấp so với nhiều năm gần đây, cũng như so với quy mô vốn hàng đầu trong khối cổ phần. Kết quả này phản ánh một năm có những biến cố gây ảnh hưởng lớn, cũng như khó khăn trong kinh doanh vàng…

Hay tại SHB, 2012 cũng là năm đặc biệt khi xét về con số lợi nhuận. Riêng việc cắt lỗ từ việc nhận sáp nhập Habubank cũng đã là một thành công.

Tại một số ngân hàng thương mại khác, dù chưa công bố rộng rãi, song thông tin từ hội nghị tổng kết tuần qua cho thấy những “chấm nhỏ” đáng chú ý.

Năm 2011, thị trường đã từng biết đến một số trường hợp có quy mô vốn điều lệ trên dưới 5.000 tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế chỉ có được 100 - 150 tỷ đồng. Tương quan vốn và lợi nhuận đó tiếp tục thể hiện trong năm 2012.

Tại một ngân hàng cổ phần có quy mô hơn 5.300 tỷ đồng, tổng tài sản trên 72 nghìn tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế năm rồi đạt chưa đầy 160 tỷ đồng. Năm 2011, ngân hàng này cũng chỉ đạt chưa đầy con số đó. Tỷ suất lợi nhuận ở mức rất thấp, ước chỉ trên dưới 3%. Năm 2013, dự kiến chỉ tiêu đặt cao hơn, song cũng chỉ khoảng hơn 280 tỷ đồng.

Đổi lại, thông tin tại hội nghị tổng kết cho hay, ngân hàng trên kiểm soát khá tốt tỷ lệ nợ xấu và thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ; khó khăn thanh khoản từng ám ảnh những năm trước đã được đẩy lùi… Bước vào năm 2013, một nhân viên cho hay, hệ thống giao dịch ngoài giờ trước đây đã buộc phải ngừng để tiết giảm chi phí; lương tháng 13 của năm 2012 hiện vẫn chưa rõ là có được hay không.

Vẫn còn nhiều ngân hàng thương mại chưa có thông tin định hình về kết quả kinh doanh năm qua, nhất là ở các thành viên thuộc nhóm tái cơ cấu. Điểm chung, đây là nhóm gặp nhiều khó khăn nhất trong năm, mà mục tiêu hàng đầu là củng cố lại an toàn hoạt động hơn là thúc đẩy lợi nhuận. Cho nên, nếu có nhiều “chấm nhỏ” cũng là bình thường, nếu không nói là vẫn có khả năng lỗ do xử lý những tồn tại từ những năm trước…

Song, xét về tổng thể, như quan điểm mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng nêu tại diễn đàn Quốc hội, khi có nhiều “chấm nhỏ” lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng thì cũng là một điều đáng ngại. Bởi họ cần có lợi nhuận ở mức nhất định để còn có sức chống đỡ, xử lý rủi ro, nhất là khi môi trường kinh doanh xấu đi những năm gần đây mà trước mắt cũng chưa có nhiều điểm sáng.

(Theo Vneconomy)

  • Thuế và ngân hàng: “Đối tác” và “đối tượng”
  • Năm khó khăn, ngân hàng nào lãi khủng?
  • Những vụ thâu tóm, hợp nhất ngân hàng mới
  • World Bank: Tái cấu trúc ngân hàng đòi hỏi nguồn lực lớn
  • Hệ lụy từ sở hữu chéo ngân hàng
  • Nhiều ngân hàng miễn phí giao dịch ATM
  • Rốt ráo lo tiền mặt cho Tết
  • Ngân hàng nào chạm đích kế hoạch 2012?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!