Máy móc, thiết bị, hàng hóa, bất động sản... đều được ngân hàng rao bán nhằm thu hồi nợ. Nhưng, thời buổi khó khăn, tài sản giảm giá trị, người mua ít, thủ tục phức tạp... nên việc thanh lý tài sản chẳng dễ dàng.
Cty TNHH Nhựa Ngọc Hải (Hải Phòng) đã bị ngân hàng SHB phong tỏa, rao bán tài sản để xử lý nợ xấu. |
Chấp nhận bán rẻ
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, đến hết quý 3-2012 số nợ xấu tăng đáng kể.
So với cuối năm 2011 nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của Vietcombank tăng thêm 934 tỷ đồng, Vietinbank tăng 1.666 tỷ đồng, Techcombank tăng 385 tỷ đồng… Do đó, bán tài sản thế chấp là việc cực chẳng đã.
Trong vai người cần bán nhà để trả nợ ngân hàng, PV đến một sàn giao dịch bất động sản lớn gần đường Lê Văn Lương (Hà Nội). Sàn mới mở thêm dịch vụ thanh lý tài sản thế chấp ngân hàng với mức phí chỉ vài phần trăm.
Sau khi cung cấp thông tin thủ tục nhờ môi giới bán nhà, nhân viên kinh doanh nói thẳng: “Nếu chị cần bán gấp tài sản trong vài ngày thì phải chấp nhận bán rẻ hơn giá thị trường. Chẳng hạn, căn nhà của chị có giá 3 tỷ đồng, thì chỉ bán 2,5 tỷ đồng thôi, rẻ hơn khoảng 17%, may ra bán được ngay”.
Theo nhân viên này, hiện có rất nhiều khách hàng, ngân hàng ký hợp đồng gửi bán nhà đất tại sàn. Nhưng số giao dịch thành công rất ít, chủ yếu là tài sản giá trị thấp từ vài trăm triệu đến 3-4 tỷ đồng và bán rẻ hơn giá thị trường 10-20%.
Sàn này đang rao bán một căn nhà mặt phố Lý Thường Kiệt (diện tích 180m2) trị giá vài chục tỷ đồng, đang thế chấp ngân hàng. Vì cần tiền gấp để trang trải nợ nần, chủ nhà chấp nhận bán rẻ hơn 3 tỷ đồng vẫn ế.
Nắm bắt nhu cầu phát mại tài sản thế chấp ngày càng tăng, nhiều công ty bất động sản đã mở dịch vụ bán cắt lỗ để phục vụ cả con nợ và chủ nợ.
Ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Thế kỷ, nói: “Rất nhiều khách hàng tìm đến chúng tôi để gửi bán nhà đất đang thế chấp tại ngân hàng. Mỗi tháng, có khoảng 100 tài sản được gửi bán qua sàn, nhưng số bán được chỉ đếm trên đầu ngón tay và giá rẻ hơn nhiều kỳ vọng của người bán”.
Theo ông Hưng, những tài sản này do người vay chủ động gửi bán, hoặc ngân hàng đang làm thủ tục phát mại. Tuy nhiên, năm 2012, giá bất động sản giảm mạnh, người mua ít nên việc bán tài sản không dễ.
Đặc biệt, giá bất động sản ở xa trung tâm thành phố (Ba Vì, Hà Tây, Hòa Bình, Long An, Củ Chi…), giảm mạnh nhất tới 50-60%. Nhà đất nằm ở các phố lớn dễ bán hơn, nhưng giá cũng phải giảm 10-15% so với giá chào.
Ông Hưng cho biết: “Việc bán các tài sản thế chấp ngân hàng rất phức tạp. Vì hai bên không thống nhất được giá bán, chủ nhà không muốn bán rẻ, còn ngân hàng chỉ cần bán trên giá trị khoản nợ là được. Hơn nữa, khi có người mua, chủ nhà phải xoay đủ tiền nộp vào ngân hàng mới lấy được tài sản ra”. Người mua lại có tâm lý sợ gặp rắc rối pháp lý với những sổ đỏ bị đóng chằng chịt dấu “tài sản thế chấp ngân hàng”.
Đấu giá 5 lần không ai mua
Dịch vụ phát mại tài sản thế chấp nở rộ ở các sàn giao dịch . |
Ông Ngô Hùng Minh, Giám đốc Trung tâm Bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết: “Năm 2012, nhiều ngân hàng đã ký hợp đồng với chúng tôi để bán đấu giá tài sản. Nhưng đến giờ, chúng tôi vẫn chưa bán được bất động sản nào, mà chỉ bán được một ít động sản như tàu biển, máy móc, thiết bị có giá trị nhỏ, dưới 1-2 tỷ đồng”.
Theo ông Minh, có nhiều bất động sản chỉ là đất thuê thời hạn 50 năm và ở vùng xa, không có thanh khoản nhưng ngân hàng định giá vài chục tỷ đồng nên người mua đều lắc đầu hoặc bỏ giá rất thấp.
“Có nhiều mảnh đất rộng 5.000-7.000m2 ở Hà Nội nhưng tận Lương Sơn (trước thuộc tỉnh Hòa Bình) nên đấu giá tới 4-5 lần vẫn không bán được. Vì ngân hàng chào giá quá cao, trong khi giá thị trường đã giảm sâu”, ông Minh nói.
Trung tâm đang hy vọng bán được một số tài sản của chi nhánh Agribank Thanh Oai trong tháng 12.
Vài tuần nay, một số chủ doanh nghiệp sản xuất nhựa tại Hải Phòng được chi nhánh Ngân hàng SHB chào mời mua toàn bộ tài sản (gồm nhà xưởng, quyền sử dụng đất, công trình kiến trúc, dây chuyền máy móc, khuôn đúc) của Cty TNHH Nhựa Ngọc Hải.
Chi nhánh này đang cần thu hồi khoản nợ xấu 28 tỷ đồng từ chi nhánh của ngân hàng Habubank chuyển sang sau sáp nhập. Giá bán được đưa ra khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa có người mua.
Cty Nhựa Ngọc Hải là một trong những công ty sản xuất đồ nhựa gia dụng và công nghiệp có tiếng ở đất Cảng. Nhưng giữa tháng 8, toàn bộ hàng hóa, thiết bị giá trị trong kho và trụ sở công ty bị các chủ nợ bên ngoài và dân giang hồ cướp sạch.
Ông Trần Hồng Nhật, Giám đốc Cty, biệt tăm. Ngay khi phát hiện vụ việc, ngân hàng tá hỏa, cử cán bộ xuống tiếp quản, niêm phong tài sản còn lại. Do Cty không còn khả năng trả nợ, nên SHB chỉ còn cách bán tài sản.
Thông tin phát mại tài sản thế chấp ngân hàng ngày càng nhiều, chủ yếu là tài sản của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tháng 7-2012, Cty Quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng Vietibank thông báo bán đấu giá toàn bộ nhà xưởng và đất, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu, xe ôtô của Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) với giá khởi điểm 20,5 tỷ đồng.
Do doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hòa (Tiền Giang) vỡ nợ, nên chi nhánh ngân hàng Vietcombank Tiền Giang phải bán toàn bộ tài sản thế chấp của Cty để thu hồi nợ.
Trong đó, có 1 tàu sông, 4 lô đất, nhà xưởng, thiết bị, dây chuyền sản xuất… với tổng giá trị chào bán là 31,7 tỷ đồng. Ngân hàng rao bán từ đầu tháng 7, nhưng đến nay vẫn chưa bán được.
Các dây chuyền sản xuất, thiết bị, máy móc, tàu biển, dự án dở dang… của doanh nghiệp hiện rất khó thanh lý vì giá trị tài sản lớn, ít người đủ khả năng mua.
Nhất là tài sản bị thổi giá, hay được thế chấp ở nhiều ngân hàng thì thủ tục rất phức tạp. Sau hai lần đấu giá, ngân hàng mới bán được tàu Đông Phong (tài sản thế chấp cho khoản nợ 25,7 tỷ đồng của Cty Đông Phong, trụ sở tại Hải Dương) với giá bán sắt vụn chỉ 6,3 tỷ đồng.
Hai chủ nợ là chi nhánh Navibank Hải Phòng và Vietinbank Hải Dương đành chấp nhận mất trắng gần 20 tỷ đồng.
Cán bộ tín dụng của chi nhánh một ngân hàng lớn tại TPHCM nói: “Rất khó bán được bất động sản thế chấp thời điểm này, vì không có người mua và giá thấp hơn định giá ban đầu.
Vì thủ tục phát mại tài sản rất phức tạp như khởi kiện ra tòa, tố tụng, xét xử… và tốn chi phí, thời gian. Và vì nhiều lý do khác nữa”.
Người vay chịu trách nhiệm khoản nợ đến cùng Theo một cán bộ ngân hàng, trong trường hợp bán tài sản thế chấp mà vẫn không đủ trả nợ, thì người vay phải ký hợp đồng nhận nợ phần còn lại và bổ sung tài sản thế chấp, nguồn tiền trả nợ khác. Người vay sẽ phải chịu trách nhiệm vô thời hạn cho đến khi trả hết nợ. Trừ trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Khi đó, việc thu hồi nợ của doanh nghiệp do một hội đồng xử lý tài sản thực hiện và theo thứ tự ưu tiên (giải quyết quyền lợi cho người lao động, nghĩa vụ thuế, sau đó mới đến các khoản nợ). |
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com