Ngân hàng Mắt được thành lập là tiền đề quan trọng để từng bước đáp ứng nhu cầu của hàng trăm nghìn bệnh nhân mù loà do bệnh lý giác mạc đang chờ được ghép tại Việt Nam, giúp họ tìm thấy ánh sáng.
![]() |
Nhiều người bị mù lòa đã nhìn thấy ánh sáng do được ghép giác mạc. Ảnh: Chinhphu.vn |
Sáng 30/3, Bệnh viện Mắt TW tổ chức công bố quyết định thành lập Ngân hàng Mắt trực thuộc Bệnh viện Mắt TW.
Đây là ngân hàng mắt đầu tiên và cũng là ngân hàng mô đầu tiên được thành lập, sau khi Luật Hiến ghép mô tạng có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2007.
Ngân hàng Mắt có chức năng tiếp nhận, đánh giá chất lượng, phân loại lưu giữ bảo quản và phân phối giác mạc và các mô của mắt đến tất cả các cơ sở có điều kiện và khả năng ghép giác mạc và các mô của mắt trong toàn quốc; đồng thời thực hiện đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên ngành theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngân hàng Mắt là tổ chức phi lợi nhuận, các hoạt động thực hiện trên phương châm vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia đóng góp, hỗ trợ để triển khai các hoạt động hiến, ghép giác mạc cho người mù với hình thức nhân đạo và từ thiện. Mọi hoạt động mua - bán bị nghiêm cấm tuyệt đối nên Ngân hàng sẽ không trả tiền cho người hiến tặng và gia đình. Các hoạt động tôn vinh người hiến tặng giác mạc chỉ có ý nghĩa tinh thần.
Hiện ở nước ta có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trung bình mỗi năm ước tăng thêm khoảng 15.000 người. Giám đốc Bệnh viện mắt TW, PGS.TS Đỗ Như Hơn cho biết, hiện nay đục thủy tinh thể và bệnh lý giác mạc là 2 nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tại Việt Nam.
Bệnh viện mắt TW hàng năm thực hiện khoảng trên 100 ca ghép giác mạc, cứu chữa và đem lại ánh sáng cho nhiều người. Tuy nhiên con số đó quá nhỏ bé so với nhu cầu của trên 300.000 bệnh nhân đang chờ nguồn giác mạc để ghép trong khi trên thế giới chưa có giác mạc nhân tạo.
Đến nay, Bệnh viện Mắt TW đã thu nhận được 136 giác mạc từ 69 người đã hiến tặng; 155 giác mạc từ những mắt bị chấn thương; 335 giác mạc từ tổ chức ORBIS và 84 giác mạc từ các tổ chức quốc tế khác.
Để có thể tiếp nhận được nhiều hơn số lượng giác mạc, Bệnh viện Mắt TW phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và tổ chức ORBIS thực hiện thêm dự án “Truyền thông vận động hiến tặng giác mạc”. Tính đến ngày 31/12/2009 đã có 10.437 người đăng ký hiến tặng giác mạc và 338.272 người được tuyên truyền, tiếp cận các thông tin về hiến tặng giác mạc...
Hiện nay, phẫu thuật ghép giác mạc là& phương pháp duy nhất có thể giúp người mù lòa nhìn thấy ánh sáng.
Giác mạc là màng mỏng trong suốt che chắn 1/5 trước nhãn cầu. Ghép giác mạc được chỉ định khi người bệnh bị đục giác mạc nhưng chức năng mắt còn tốt (nghĩa là người bệnh vẫn có thể nhận biết ánh sáng). Kết quả của ca phẫu thuật ghép giác mạc phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý của mắt được mổ, sự tương thích giữa người cho và người được ghép giác mạc, kỹ thuật của thầy thuốc và sự chăm sóc sau mổ. Giác mạc giữ được trạng thái tốt nhất chỉ sau khi người hiến tặng qua đời trong vòng 6 – 8 tiếng đồng hồ. Sau khi tiếp nhận, giác mạc được bảo quản trong dung dịch đặc biệt để có thể giữ nguyên chất lượng. Một lượng nhỏ máu của người hiến sẽ được lấy để làm các xét nghiệm cần thiết bảo đảm an toàn cho người nhận ghép. |
(Theo Nguyệt Hà // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com