Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thống đốc: Có ngân hàng vẫn báo lãi dù mất hết vốn

picture
Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.

Có những ngân hàng vẫn báo cáo kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, nhưng khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc thanh tra mới lộ rõ thực chất.

Thực tế trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra khi trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (21/8). Đây được xem là một trong những dẫn chứng cụ thể để giải thích vì sao nợ xấu ngân hàng hiện có những con số khác nhau.

Cụ thể, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng; trong khi theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.

Như giải thích của lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, cũng như trong báo cáo chuẩn bị cho phiên chất vấn của Thống đốc, có những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những con số khác nhau nói trên. Đặc biệt là có nguyên nhân từ sự chủ động của tổ chức tín dụng trong việc giấu nợ xấu để tránh trích lập dự phòng, để giảm bớt áp lực lợi nhuận…

Trong phần trả lời, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn ví dụ cụ thể từ các trường hợp thuộc diện phải tái cơ cấu.

Hiện có 9 tổ chức tín dụng phải thực hiện tái cơ cấu và Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra tổng thể. Đáng chú ý là theo báo cáo của các tổ chức tín dụng này thì không có trường hợp nào có nợ xấu vượt quá 2,5%; thậm chí cả 9 đều báo cáo có lãi. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra trực tiếp thì có tổ chức tín dụng có nợ xấu lên đến trên 30%, đặc biệt có tổ chức tín dụng lên tới 60%, thậm chí không phải là có lãi nữa mà mất hết cả vốn tự có lẫn vốn điều lệ.

Theo đó, Thống đốc Bình nói rằng Ngân hàng Nhà nước không thể chỉ căn cứ vào báo cáo của các tổ chức tín dụng để điều hành, mà phải trực tiếp thông qua giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ để đánh giá thực chất nợ xấu của hệ thống. Và con số 8,6% tỷ lệ nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là đáng tin cậy hơn.

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!