Chuyên gia Hồ Sỹ Thụy cho rằng, để kéo được lãi suất cho vay xuống thấp, hai biện pháp can thiệp của NHNN để tăng cung tín dụng là đúng hướng, song còn cần biện pháp lành mạnh kéo cầu tín dụng xuống.
![]() |
Để tránh phải cung ứng lượng lớn tiền, nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, NHNN cần phải thực hiện thêm biện pháp làm giảm lượng cầu tín dụng - Ảnh minh họa |
Việc hạ lãi suất cho vay của ngân hàng đang là một đòi hỏi bức xúc vì nó đã quá cao, nếu để lâu, tác hại của nó đối với nền kinh tế là khó lường. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phải hạ lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thấp xuống mức hợp lý. Để làm việc này, NHNN phải thực hiện đồng bộ các biện pháp thích hợp.
Nguyên nhân đẩy cao lãi suất cho vay?
Trước hết, phải nói rằng việc thực thi biện pháp trần đối với lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng (10,5%/năm) từ cuối năm 2009 đến nay, trên thực tế đã không thể hiện ra là có hiệu quả đối với việc giữ ổn định lãi suất cho vay của ngân hàng. Ở đây, tác giả không chỉ muốn nói đến hiệu quả của việc chống lách trần lãi suất tiền gửi, tức chống các hình thức thưởng lãi suất, tăng khuyến mại, … làm cho lãi suất tiền gửi trên thực tế vượt mức trần, mà trên cả góc độ lý luận, bản thân chế độ trần lãi suất tiền gửi không thể có vai trò là một biện pháp để ổn định lãi suất cho vay trong điều kiện lãi suất cho vay thực hiện theochế độ tự do thoả thuận.
Thật vậy, xét riêng một ngân hàng cụ thể, lãi suất cho vay của ngân hàng này không phụ thuộc vào lãi suất tiền gửi của nó cao hay thấp mà phải theo lãi suất cho vay trên thị trường, tức theo lãi suất cho vay của các ngân hàng khác.
Xét toàn bộ các ngân hàng với tư cách là một hệ thống (hoặc một số lượng nhất định các ngân hàng chiếm thị phần đủ sức chi phối thị trường tín dụng), sự thay đổi mặt bằng chung của lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng sẽ do sự biến động trong quan hệ cung cầu vốn tín dụng ngân hàng trên thị trường quyết định.
Cầu tín dụng mà vượt cung tín dụng cho phép hệ thống ngân hàng cho vay được với lãi suất cao và càng cao nếu cầu càng vượt cung. Điều này khiến các ngân hàng tăng cường huy động tiền gửi dẫn đến chạy đua tăng lãi suất tiền gửi, tăng khuyến mại.
Nếu lãi suất tiền gửi bị khống chế, như bằng chế độ trần lãi suất tiền gửi hay bằng sự thoả hiệp giữa các ngân hàng, thì tuy làm hệ thống ngân hàng đỡ tốn chi phí huy động tiền gửi hơn nên tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng nâng tiêu chuẩn cấp tín dụng để cho vay với lãi suất thấp hơn nhưng không có nghĩa là hệ thống ngân hàng sẽ nâng tiêu chuẩn cấp tín dụng để cho vay với lãi suất thấp hơn.
Các ngân hàng sẽ chẳng dại bỏ lỡ cơ hội để mà không cho vay với lãi suất cao hơn để thu về nhiều lợi nhuận hơn một khi tình hình mất cân đối cung cầu vốn tín dụng ngân hàng cho phép hệ thống ngân hàng làm như thế.
Còn tiêu chuẩn cấp tín dụng của các ngân hàng phụ thuộc vào việc lựa lựa chọn chiến lược (hay chính sách) quản trị rủi ro của họ trên một nền tảng pháp lý cụ thể. Chiến lược này lại thể hiện ra như là một cái đã được lựa chọn từ trước, như là tiền đề đã được giả định trước và nó có tính ổn định so với sự biến động thường xuyên, thậm chí biến động hàng ngày, hàng giờ của lãi suất.
Hơn nữa, thực tế đã chứng tỏ các ngân hàng dễ theo đuổi một chiến lược quản trị rủi ro liều lĩnh, mạo hiểm nhằm đạt tỷ suất lợi nhuận cao nếu như không có bàn tay quản lý có hiệu quả của nhà nước về quản trị rủi ro của các ngân hàng. (Về điểm này, xin đọc thêm bài “đề xuất hoàn thiện khung pháp lý quản trị rủi ro” trong cùng chuyên mục GÓP Ý-HIẾN KẾ).
Trong việc thực thi hoàn toàn chế độ trần lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi sẽ bị khống chế một cách gián tiếp bởi trần lãi suất cho vay. Nếu Nhà nước thi hành cả chế độ trần lãi suất tiền gửi bên cạnh chế độ trần lãi suất cho vay sẽ có tác dụng làm giảm sự đòi hỏi của các ngân hàng đối với NHNN về tăng trần lãi suất.
Tóm lại, việc cho phép các ngân hàng tự do ấn định lãi suất tiền gửi không phải là nguyên nhân của chạy đua lãi suất, của tình hình lãi suất quá cao như hiện nay. Và do đó, chế độ trần lãi suất tiền gửi không thể khắc phục được tình hình. Nhu cầu tín dụng tăng cao vượt khả năng đáp ứng của hệ thống ngân hàng là nguyên nhân tạo ra lực đẩy lãi suất cho vay tăng cao và khi được tự do ấn định, các ngân hàng sẽ ấn định lãi suất cho vay ở mức cao nhất có thể mà thị trường cho phép. Sự mất cân đối cung cầu này lại do nhiều nguyên nhân, trong đó, không thể không nghĩ tới một nguyên nhân có thể có là việc các ngân hàng cùng nhau thực thi chính sách tín dụng thông thoáng.
Hai giải pháp đúng hướng của NHNN
Để ổn định theo xu hướng hạ dần lãi suất cho vay, trả lời phỏng vấn báo chí vừa qua, Thống đốc NHNN đã đưa ra hai giải pháp quan trọng là NHNN tăng cấp tín dụng cho hệ thống ngân hàng và phát huy vai trò chủ đạo của các NHTM nhà nước (bao gồm cả NHTM có cổ phần chi phối tuyệt đối của Nhà nước).
Việc NHNN tăng cấp tín dụng cho hệ thống ngân hàng là cần thiết vì lượng tiền gửi VND (tiết kiệm, huy động trái phiếu, tiền thanh toán, …) mà hệ thống ngân hàng huy động được đã gần đến giới hạn tối đa của nó. Điều này dễ lý giải.
Nếu gọi MB là lượng tiền cơ bản (tức những đồng tiền bằng giấy, bằng pô-ly-me, bằng kim loại nhìn thấy được, cầm nắm, sờ mó được) mà Nhà nước đã phát hành vào lưu thông, gồm hai bộ phận là: bộ phận nằm trong dân (cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức) và bộ phận nằm trong hệ thống các TCTD (tiền mặt, tiền gửi tại NHNN). Nếu gọi lượng tiền mặt trong dân là C, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (tính trên lượng tiền gửi) đối với hệ thống ngân hàng là r, tỷ lệ dự trữ thực tế vượt tỷ lệ dự trữ bắt buộc là e, lượng tiền gửi là D thì sẽ có D = (MB – C)/(r + e). Với một đại lượng nhất định của MB và r, thì D → max khi C và e → min.
Với tình hình lãi suất và khuyến mại tiền gửi hiện nay, có thể nói rằng dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng lượng tiền nhiều nhất mà họ có thể gửi, đồng nghĩa là họ chỉ giữ lại lượng tiền mặt ở mức thấp nhất có thể, tức C → min. Lãi suất cho vay đang cao, hơn nữa, các ngân hàng lại đua nhau huy động tiền gửi với lãi suất cao, khuyến mại nhiều thì không thể nói rằng các ngân hàng còn giữ lại tiền gửi mà không đem cho vay, tức hệ thống ngân hàng đã làm cho e → min.
Khi C và e đã tiếp cận mức thấp nhất có thể thì muốn tăng lượng tiền gửi D phải tăng MB hoặc giảm r hoặc kết hợp cả hai. Và một trong các cách để tăng MB chính là tăng cường cấp tín dụng cho hệ thống ngân hàng. Vì việc tăng cường cấp tín dụng cho hệ thống ngân hàng là để tăng khả năng về nguồn vốn cho vay cho hệ thống ngân hàng, nên trước hết NHNN cần phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc r, thậm chí giảm xuống còn 0%.
Các NHTM Nhà nước (gồm cả NHTM có cổ phần chi phối tuyệt đối của Nhà nước) hiện nay nắm giữ khoảng 70% thị phần tín dụng thương mại. Nếu các NHTM này, với sự hỗ trợ kịp thời và đủ sức về thanh khoản của NHNN, mà thống nhất thực hiện một mức lãi suất cho vay tối đa nhất định thì lãi suất cho vay của các NHTM này sẽ chi phối được lãi suất cho vay của các TCTD khác, và sẽ không có chạy đua lãi suất tiền.
Việc làm này không vi phạm Luật các TCTD, vì Luật này qui định chính sách của Nhà nước là tạo điều kiện cho các TCTD nhà nước giữ vai trò chủ đạo và chủ lực trên thị trường tiền tệ (khoản 2 Điều 4 Luật các TCTD). Hơn nữa, những người giữ các vị trí quản trị, điều hành chủ chốt của các NHTM nhà nước hiện nay đều là những Đảng viên, công chức Nhà nước nên phải đi tiên phong trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.
Hai biện pháp trên đây là đúng hướng nhưng để thực hiện được lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng không vượt quá ngưỡng mong muốn của NHNN, chẳng hạn 12%/năm, NHNN có thể phải cung ứng một lượng tiền lớn vào lưu thông từ việc cấp tín dụng, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng làm tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh và do đó khó có thể kìm giữ được lạm phát trong năm 2010 ở mức một con số.
Cần giảm lượng cầu tín dụng
Bởi vậy, để tránh phải cung ứng lượng lớn tiền, nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, NHNN cần phải thực hiện thêm biện pháp làm giảm lượng cầu tín dụng.
Như ở trên đã đề cập, cung cầu tín dụng mất cân đối có thể còn do chính sách tín dụng thông thoáng của các ngân hàng, nên NHNN cần phải có biện pháp buộc các ngân hàng đảm bảo chất lượng các khoản tín dụng cấp ra bằng việc tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các qui định liên quan đến cấp tín dụng, đến phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng, cũng như việc hoàn thiện các qui định này.
NHNN mà làm tốt biện pháp này, chẳng những chắc chắn lượng cầu tín dụng sẽ giảm một cách trông thấy mà chất lượng tín dụng còn được nâng cao, vừa làm cho các ngân hàng an toàn hơn, vừa có tác dụng tốt hơn đối với tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm tác dụng phụ lạm phát.
Làm được cho cung cầu tín dụng cân bằng nhau, NHNN sẽ hạ được lãi suất cho vay của các ngân hàng xuống quanh mức mong muốn hợp lý của mình. Và, điều này phụ thuộc vào hiệu quả thực thi các biện pháp nêu trên đây.
Trong trường hợp thực hiện các biện pháp nêu trên đây mà vẫn chưa thiết lập được cân bằng cung cầu tín dụng thì để lãi suất cho vay không vượt quá ngưỡng mong muốn của mình ắt NHNN phải thiết lập chế độ trần lãi suất cho vay (có thể kết hợp thêm cả trần lãi suất tiền gửi nhưng không nhất thiết).
Bởi vậy, việc bỏ chế độ trần lãi suất cho vay là không cần thiết vì, hoặc chế độ này vẫn có vai trò ổn định lãi suất ngân hàng trong những điều kiện nhất định, hoặc nó chỉ là hình thức mà không ảnh hưởng đến sự tự do thoả thuận lãi suất ngân hàng, trong khi đó vẫn cần một cái mốc lãi suất để thực hiện chống cho vay nặng lãi theo tinh thần của Bộ luật dân sự.
(Theo Hồ Sỹ Thụy // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com