Chúng ta đang sử dụng ngoại tệ và vàng trong thanh toán ngang bằng với tiền Việt. Cần sớm quản lý để giảm tác động quá lớn của tỉ giá và đầu cơ ngoại tệ.
“Luật Ngân hàng và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã loại bỏ những cơ chế gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Vấn đề là phải giúp các doanh nghiệp và ngân hàng tìm ra một số giải pháp cụ thể để hiện thực hóa sự tác động của các chính sách này đối với doanh nghiệp”. Đây là khẳng định của Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành viên Hội đồng Tài chính tiền tệ quốc gia, tại hội thảo “Những tác động đối với doanh nghiệp sau kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa 12” tổ chức ngày 15-7.
Bốn tác động đối với doanh nghiệp
Theo ông Kiêm, có bốn tác động cụ thể đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng là vốn, lãi suất, tỉ giá, tiếp tục công khai minh bạch tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách mới. Do đó phải triển khai cụ thể trên cả bốn lĩnh vực.
Thứ nhất, về vốn, trong quý I vốn tín dụng mới tăng 3%, con số này quá ít so với con số mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%. Tăng trưởng tín dụng quá thấp nên doanh nghiệp sản xuất khó tiếp cận vốn. Do đó, ngay trong sáu tháng cuối năm phải khai thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp khai thác thời cơ tốt hơn.
Thứ hai, về lãi suất thì cần xác định rõ vì sao thời gian qua lãi suất rất cao, ngân hàng có tiền nhưng không thể cho vay được. Thực chất đó là lãi suất ảo, không phản ánh thực tiễn cung cầu. Mức lãi suất do các ngân hàng và doanh nghiệp tự đẩy lên. Do đó cần phải đưa về đúng nguyên tắc của thị trường: Lãi suất đảm bảo thực dương ở cả ba đối tượng: người gửi có lời, ngân hàng có lãi, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Thứ ba, tỉ giá phụ thuộc vào ba yếu tố là xuất khẩu, nhập khẩu và quyền lợi của doanh nghiệp. Trong đó, muốn khuyến khích xuất khẩu phải hạ tỉ giá VND. Ngoài ra, tổng nợ nước ngoài của doanh nghiệp khá lớn nên nếu điều chỉnh tỉ giá quá rộng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, để tránh đầu cơ ngoại tệ phải đổi mới điều hành trong việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào các ngân hàng thương mại. Đây chính là cách triển khai những tác động cụ thể của chính sách đối với các doanh nghiệp.
Thứ tư, cần công khai, minh bạch thông tin, tránh những vướng mắc cho doanh nghiệp do dự báo sai và thiếu thông tin gây ra. Các chính sách đối với doanh nghiệp phải cụ thể thông qua những hoạt động cụ thể như chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức thị trường trong nước, phiên chợ hàng Việt…
Theo ông Kiêm, những điểm mới của luật chỉ có thể tác động tốt nhất đến doanh nghiệp khi đổi mới công nghệ của ngân hàng, đặc biệt là công nghệ trong nghiệp vụ thanh toán vì đây là một trong ba hoạt động trung tâm nhất của ngân hàng. Ngoài ra phải quản lý ngoại hối theo hướng chỉ sử dụng tiền Việt trong thanh toán trong nước. Hiện nay, chúng ta đang sử dụng ngoại tệ và vàng như một phương tiện thanh toán ngang bằng với tiền Việt. Đây là điểm bất cập trong quản lý và cần sớm quản lý để thanh toán trong nước không chịu sự tác động quá lớn của tỉ giá và đầu cơ ngoại tệ như thời gian qua.
Doanh nghiệp củng cố niềm tin với ngân hàng
Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, để tránh việc doanh nghiệp và ngân hàng không thể kết nối được, trước hết phải sửa các lỗi của chính các doanh nghiệp
Cụ thể, theo ông Dương, phía doanh nghiệp phải sớm củng cố lòng tin với các ngân hàng về năng lực tạo ra tiền, về uy tín cụ thể của doanh nghiệp, tính minh bạch về các vấn đề pháp lý, tính khả thi của dự án. Ngoài ra phải củng cố năng lực quản lý của doanh nghiệp vì thiếu các năng lực quản lý thì khó thuyết phục ngân hàng rằng đồng vốn cho vay sẽ đảm bảo sinh lời và thanh toán nợ đúng hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp phải biết xây dựng giá trị thương hiệu lâu dài, bền vững vì không có giá trị này sẽ rất khó thuyết phục ngân hàng cho vay không cần thế chấp tài sản.
Do đó, doanh nghiệp muốn các chính sách của nhà nước đến với mình tốt nhất thì trước hết phải tự thay đổi từ chính mình.
Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, nguyên nhân ngân hàng không đưa vốn đến doanh nghiệp là do cầu về vốn quá lớn trong khi nguồn cung tín dụng của ngân hàng thì quá ít. Thực tế ngân hàng không chịu tìm kiếm khách hàng mà khách hàng vẫn phải tìm đến ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, điều này là do cầu vốn quá lớn so với cung mà ra. Do đó, chính sách “lãi suất thỏa thuận” vẫn chưa thể thực thi vì doanh nghiệp vẫn chưa được quyền thỏa thuận mà vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào sự “làm giá” của ngân hàng.
Cần tập trung vốn cho doanh nghiệp nhỏ
Cần xem xét lại việc tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vốn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì tập trung quá nhiều vào các tập đoàn kinh tế mà không mang lại hiệu quả. Điều này sẽ giải quyết triệt để các vấn đề của nền kinh tế như gia công, dựa vào nhân công giá rẻ, phụ thuộc vào vốn, tỉ lệ nội địa hóa thấp…
Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách vĩ mô: hướng doanh nghiệp chuyển nền kinh tế gia công sang nền kinh tế sản xuất, càng ít nhập nguyên phụ liệu càng tốt. Chuyển từ nền kinh tế dựa vào vốn sang nền kinh tế có năng suất chất lượng cao; chuyển từ tỉ lệ nội địa hóa thấp sang tỉ lệ nội địa hóa cao; nền kinh tế không dựa vào nhân công giá rẻ mà chuyển sang nền kinh tế tri thức, nhân lực chất lượng cao.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com