Theo đánh giá của nhóm sáu Ngân hàng, bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Ðức (KfW), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank), Việt Nam đang triển khai khá tốt các dự án sử dụng vốn ODA với số dự án hoàn thành cao. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng cho thấy, khả năng hấp thụ nguồn vốn ODA của Việt Nam trong năm 2009 có những cải thiện đáng kể. Tổng vốn ODA giải ngân trong năm 2009 đạt 4.105 triệu USD, gần gấp hai lần kế hoạch đề ra và tăng hơn 82% so với năm 2008. Trong sáu tháng đầu năm 2010, nhiều công trình phát triển hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ODA đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đang phát huy tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của cả nước nói chung và từng tỉnh, thành phố nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý đó là tiến độ thực hiện thường chậm hơn so với kế hoạch ban đầu đã thống nhất với các nhà tài trợ trong phần lớn các dự án ODA tại Việt Nam.
Ðánh giá của các nhà tài trợ, tiến độ chung của các dự án ODA thường chậm hơn ba năm so với kế hoạch đã thống nhất khi đàm phán. Cụ thể đối với các dự án của Việt Nam sử dụng vốn của WB, trong tháng 3-2010, việc giải ngân chỉ đạt 16% trong khi tỷ lệ giải ngân trung bình của khu vực là 23%. Lý giải vấn đề này, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng: "Nút chai của việc giải ngân chậm ở đây chính là đấu thầu. Có nhiều quy định đấu thầu của các nhà tài trợ khác với quy định của Việt Nam".
Ðây là thách thức lớn để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển theo đúng thời gian đã đặt ra. Trước hết, tiến độ thực hiện thường chậm do công tác đấu thầu vẫn còn là điểm gây ách tắc nhất trong quá trình thực hiện dự án. Bởi trong công tác đấu thầu, có nhiều khó khăn bắt nguồn từ sự khác biệt giữa các quy định đấu thầu khi sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước với nhà tài trợ trong các dự án ODA như giá dự toán gói thầu, cách thức đánh giá hồ sơ dự thầu; xuất hiện tình trạng nhà tài trợ "đồng ý" nhưng các cơ quan Nhà nước "không đồng ý" hoặc ngược lại. Hoặc thủ tục trình duyệt qua nhiều cấp dẫn đến quá trình tuyển chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tình trạng khi kết quả đấu thầu được phê duyệt, có khi giá dự thầu không còn phù hợp do trượt giá, đặc biệt với những gói thầu xây lắp... Tại khoản 3, Ðiều 3 của Luật Ðấu thầu Việt Nam quy định trong trường hợp đó, sẽ tuân thủ theo các hiệp định pháp lý với nhà tài trợ. Tuy nhiên, trên thực tế, khi thực hiện, nhiều chủ dự án dù có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các nhà tài trợ vẫn do dự khi tuân thủ các quy định trong hiệp định pháp lý với nhà tài trợ...
Ðể xử lý những vướng mắc trong đấu thầu, tháo gỡ điểm ách tắc nhất trong quá trình thực hiện các dự án ODA, trước hết, các chủ đầu tư ở Việt Nam cần phải hiểu những hướng dẫn đấu thầu của nhà tài trợ. Các nhà tài trợ có quy định hết sức ngặt nghèo liên quan đến vấn đề xung đột lợi ích. Cụ thể là các đơn vị do Bộ chủ quản, chủ đầu tư nắm giữ một phần vốn chỉ có thể tham gia đấu thầu nếu độc lập về mặt pháp lý, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nhà tài trợ sẽ quan tâm tìm hiểu kỹ về mối quan hệ giữa công ty với Bộ chủ quản chứ không chỉ căn cứ vào mức cổ phần dưới 50% như quy định của Việt Nam. Về thời hạn nộp Hồ sơ dự thầu, mở thầu, nhóm sáu Ngân hàng mở thầu tại thời gian, địa điểm đã thông báo mà không phụ thuộc số lượng hồ sơ, trong khi phía Việt Nam quy định tối thiểu phải có ba hồ sơ, nếu không đủ phải xin ý kiến người có thẩm quyền. Riêng việc đánh giá hồ sơ dự thầu, quy định của các nhà tài trợ là không tự động loại hồ sơ có giá dự thầu cao hơn giá gói thầu mà phải căn cứ vào mức độ hợp lý thực tế để lựa chọn.... Và hơn hết, các chủ đầu tư, BQL dự án cần phải chủ động tìm hiểu và ưu tiên áp dụng các thủ tục quốc tế trong các dự án ODA, tích cực đẩy nhanh tiến độ với hiệu quả cao nhất, phục vụ tốt hơn mục tiêu phát triển bền vững.