Các ngân hàng cho biết, hiện nhu cầu vốn vay bằng ngoại tệ của các DN vẫn chưa có dấu hiệu giảm, cho dù lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng tiếp tục điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng theo các đơn vị này, cầu về ngoại tệ khó có thể áp đảo cung, vì nguồn kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu khả quan. Đồng thời, các nhà băng cũng kiểm soát chặt tín dụng ngoại tệ.
Tín dụng ngoại tệ đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, với mức tăng 27%, trong khi cho vay bằng tiền đồng chỉ đạt ở mức 4,6%. Song do 6 tháng đầu năm các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay vốn bằng USD, nên hiện phải tăng lãi suất huy động ngoại tệ để cân đối lại nguồn, đồng thời kiểm soát chặt hơn tín dụng USD.
Có thể nói, với bảo đảm từ NHNN là tỷ giá USD/VND sẽ được duy trì ổn định từ nay đến cuối năm, thì việc DN xuất khẩu vay USD với lãi suất 5 - 5,5%/năm (thời hạn vay 3 - 6 tháng) và DN nhập khẩu vay USD ở mức 5,5 - 6,5%/năm là rất hấp dẫn nếu so với lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng phổ biến ở mức 13 - 14%/năm hiện nay. Vì vậy, theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó tổng giám đốc HDBank, nếu không có biến động gì lớn thì từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn vay USD của DN xuất, nhập khẩu vẫn cao hơn so với vốn vay bằng VND. Riêng tại HDBank, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ (quy đổi VND) đến cuối tháng 7/2010 đạt 747 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng huy động vốn bằng ngoại tệ (quy đổi VND) của Ngân hàng tới thời điểm 31/7 là 3.413 tỷ đồng.
ACB cho biết, Ngân hàng hiện cũng đang ưu tiên nguồn vốn ngoại tệ cho DN nhập khẩu mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, do đã mạnh tay đẩy vốn ngoại tệ cho vay trong 2 quý đầu năm nên hiện cung - cầu vốn ngoại tệ ở một số ngân hàng đang bị "lệch" pha. Do đó, các nhà băng đã kiểm soát chặt hơn đối với tín dụng bằng ngoại tệ. Đồng thời, lãi suất huy động USD được đẩy lên mức khá cao. Chẳng hạn, tại VietA Bank, lãi suất huy động ngoại tệ được áp dụng 5%/năm cho kỳ hạn 12 - 36 tháng. Ở một số ngân hàng quy mô như ACB, Eximbank, lãi suất ngoại tệ từ 4,2 - 4,45%/năm tùy từng kỳ hạn…
Vì thế, dư nợ tín dụng ngoại tệ trong 5 tháng còn lại của năm được nhận định khó có thể tăng cao như 2 quý đầu năm nay. Bởi các ngân hàng chỉ cho vay khi thu được nợ của khách hàng cũ. Ngoài ra, lãi suất cho vay đồng nội tệ đang từng bước giảm dần nên nhu cầu vốn VND sẽ được kích thích trở lại.
Mặt khác, theo đánh giá của bà Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam và khu vực Mê Kông, xu hướng tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ ổn định. Cán cân thanh toán được hỗ trợ bởi sự gia tăng đáng kể của nguồn vốn giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) và nguồn kiều hối về Việt Nam.
Thâm hụt thương mại được dự báo không có nhiều đột biến. Tuy nhiên, theo bà Thủy, tỷ giá đồng nhân dân tệ tăng có thể tạo tác động tiêu cực lên thâm hụt thương mại và lạm phát Việt Nam, vì trên 80% nhập siêu chủ yếu từ Trung Quốc.
Song thời gian qua, các khoản vốn cho vay bằng ngoại tệ chủ yếu được ngân hàng trao cho DN có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, nên áp lực về nguồn USD để trả nợ ngân hàng vào dịp cuối năm khi đáo hạn hợp đồng sẽ không quá lớn.
Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối tháng 7/2010, nhập siêu là 19,43% kim ngạch xuất khẩu, xấp xỉ kế hoạch ban đầu là dưới 20%; giải ngân vốn FDI là 6,4 tỷ USD, tăng hơn 1,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nguồn kiều hối về Việt Nam được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong 6 tháng đầu năm đạt 3,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn vốn FII đầu tư vào Việt Nam 6 tháng qua đạt 1.017 triệu USD, ra 755 triệu USD, vốn vào ròng là gần 300 triệu USD.
Nhưng để tỷ giá ổn định, điểm mấu chốt là cán cân tổng thể phải thặng dư, mà vấn đề quan trọng nhất là cán cân thương mại. Hiện các NHTM còn thâm hụt do tình hình nhập siêu, chỉ khi nhập siêu giảm dần thì mới có thể ổn định tỷ giá một cách bền vững. Các cân đối khác như vay mượn từ nước ngoài hay nguồn kiều hối, vốn FII, FDI chỉ có thể là những yếu tố hỗ trợ mang tính chất ngắn hạn.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com