Nhiều vấn đề được quan tâm trong điều hành chính sách tiền tệ như lãi suất, tín dụng, thanh khoản cho nền kinh tế… đã được Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu giải đáp trong cuộc trao đổi với phóng viên ĐTTC mới đây.
![]() |
Dòng tiền ra - vào NH được điều tiết hợp lý. Ảnh: CHÍ LÂM |
Cân đối mục tiêu kép
Năm 2010, nền kinh tế Việt Nam đề ra mục tiêu kép: kiểm soát lạm phát và đảm bảo tăng trưởng 6,5%. Nhiều ý kiến băn khoăn tại sao 2 mục tiêu này có thể song hành cùng một lúc, nhất là trong bối cảnh bị tác động bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu?
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: “Sự đánh giá này không phải không có lý, bởi từ tháng 12-2009 CPI tăng 1,38%, tới tháng 1-2010 tăng 1,36% và tháng 2-2010 tăng 1,96%. Nhìn vào các con số này ai cũng thấy cân đối vĩ mô có vấn đề”.
Năm ngoái, trong quá trình kiểm soát tín dụng, NHNN không quá lạm dụng các công cụ điều hành, tránh gây sự bất bình thường trên thị trường, như không tăng dự trữ bắt buộc, không tăng lãi suất và không rút mạnh tiền về.
Thực tế, NHNN chỉ dựa vào hệ thống NHTM nhà nước, yêu cầu họ giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng và cảnh báo mạnh mẽ đối với các nghiệp vụ trên thị trường 2. Nhưng từ đầu năm 2010 đến nay thị trường đã có nhiều biến động về lãi suất.
Lý giải điều này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu phân tích: “Thứ nhất, trong các tháng 12-2009, tháng 1 và tháng 2-2010, CPI có biểu hiện tăng, tâm lý thị trường sẽ tăng cao nên người gửi tiền phải tính toán và một số NHTM tăng lãi suất. Thứ hai, nhiều luồng thông tin xuất hiện nhưng phần lớn nghiêng về hoài nghi chính sách điều hành tiền tệ của NHNN nên gây biến động lãi suất”.
Trên thực tế, hoạt động điều hành của NHNN vẫn nhịp nhàng, điều tiết dòng tiền ra-vào hợp lý. Cuối tháng 1, đầu tháng 2-2010, cùng một lúc các tổ chức kinh tế rút ra khỏi hệ thống NH 70.000 tỷ đồng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Trong đó, các doanh nghiệp rút ra 40.000 tỷ đồng; kho bạc nhà nước 20.000 tỷ đồng; bảo hiểm xã hội 10.000 tỷ đồng.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết: “NHNN đã sử dụng tới 60% chỉ tiêu cung ứng tiền của cả năm chỉ trong 1 tháng rưỡi nhưng vẫn có ý kiến nói NHNN thắt chặt. Đây chính là giải quyết vấn đề thanh khoản cho nền kinh tế, chứ không chỉ tín dụng NH mới là thanh khoản. Tiền bơm ra cho nền kinh tế như thế, NHNN phải giữ lại và điều này lý giải vì sao tăng trưởng tín dụng phải thấp đi”.
Cho đến nay, tăng trưởng tín dụng đã lấy lại nhịp độ bình thường: tháng 1 tăng 0,26%; tháng 2 tăng 2,09%, tháng 3 tăng 2,26%, tháng 4 tăng 1,64%, tháng 5 tăng cao nhất 1,7%, cộng dồn lại mức tăng khoảng 8%.
Ngoài ra, cung tiền còn qua một số kênh khác như tạm ứng ngân sách 20.000 tỷ đồng, kho bạc nhà nước phát hành 27.000 tỷ đồng giấy tờ có giá từ đầu năm đến nay (năm 2009 chỉ có 3.000 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 24.000 tỷ đồng). Các kênh này tương đương với mức tăng tín dụng khoảng 2,3%, cùng với mức tăng 8% tổng số hơn 10%. So với chỉ tiêu tăng tín dụng 25% trong năm nay, đây là mức hoàn toàn hợp lý.
“Từ Tết đến nay, NHNN đã giải mã một cách thầm lặng. Thanh khoản nền kinh tế đang bị thiếu nhưng thực tế chúng tôi đã có những cách làm để giải quyết, đảm bảo mục tiêu vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa kiềm chế lạm phát” - ông Giàu nói.
Kiểm tra NH huy động lãi suất 12%/năm
- PV: Thưa Thống đốc, tại sao hiện nay tín dụng ngoại tệ tăng quá mạnh so với nội tệ?
Thống đốc NGUYỄN VĂN GIÀU: Cơ cấu tăng trưởng dư nợ hiện nay như sau: Tính đến 25-5-2010, dư nợ VNĐ tăng 2,45%, ngoại tệ tăng 25%. Có thời kỳ các NHTM gửi ngoại tệ ra nước ngoài nhưng nay cho vay trong nước có lợi hơn nên họ cho vay, chứ không có chuyện mất cân đối. Thực ra, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hiện nay là 25%, tương ứng 2 tỷ USD (khoảng 40.000 tỷ đồng), trong đó cho vay xuất khẩu khoảng 1,4 tỷ USD, còn 600 triệu USD cho doanh nghiệp khác vay. Những doanh nghiệp này đều cam kết có ngoại tệ trả nợ vay nên không đáng ngại. Cũng có yếu tố chênh lệch giữa 2 loại lãi suất dẫn đến hiện tượng “carry trade” nhưng chỉ là bề nổi, phản ánh một phần nào đó.
- Thủ tướng đã chỉ đạo tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống mức 12%/năm, huy động khoảng 10%/năm. Nhưng mới đây một số NH lại điều chỉnh tăng lãi suất?
Đến giữa tháng 5-2010, tổng hợp lãi suất bình quân của 12 NH lớn chỉ còn 13,3%/năm. Để thực hiện chỉ đạo định hướng lãi suất tiếp tục xuống đến mức “vào 10, ra 12”, chúng ta phải chấp nhận dần dần mới đạt được. Hiện tại đã có khá nhiều khách hàng vay được với mức lãi suất này, tương đương 1%/tháng, bằng năm 2007. Khi các NHTM lớn cho vay 12%/năm dần dần họ sẽ lấy lại được khách hàng tốt, còn NH nhỏ nếu có tăng một chút vì họ còn yếu, cần thời gian duy trì hoạt động. Vấn đề là làm sao kiềm chế chỉ số tăng giá tiêu dùng giảm xuống, lãi suất tiền gửi sẽ giảm theo và nhờ đó lãi suất cho vay sẽ giảm. Vĩ mô tốt lên người gửi sẽ yên tâm.
- NH lớn có tiềm lực dễ giảm lãi suất nhưng NH nhỏ thì rất khó?
Các NH nhỏ do yếu tiềm lực tài chính, dự trữ "lương khô” (giấy tờ có giá - PV) thấp nên chủ yếu dựa vào huy động - cho vay trên thị trường. Gặp khi thị trường khó khăn, họ phải đẩy lãi suất huy động lên, làm rối loạn thị trường. Hiệp hội NH đang tích cực vận động các NHTM giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Riêng tôi đã yêu cầu kiểm tra tất cả những NH nào huy động với lãi suất 12%/năm. Vì đó là chống lại chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi không chỉ kiểm tra lãi suất mà còn phải xem xét kỹ “họ làm cái gì trong đấy”, có phải do đã mất hết tiền nên mới làm vậy.
Hiện tại NHNN đang lấy ý kiến Hiệp hội NH xem NH có thực hiện đúng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng không. Có thể trên website của NHNN, chúng tôi sẽ công bố vốn điều lệ của từng NH bao nhiêu, nợ xấu bao nhiêu, NH có vi phạm, có lỗi gì.
- Xin cảm ơn Thống đốc.
(Theo Hàm Yên // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com