Đầu năm, chính sách tiền tệ đã “nóng” với việc tăng tỉ giá và lãi suất vay đã bị đẩy lên 20%/năm. Trao đổi với phóng viên ông Cao Sỹ Kiêm- nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa - phân tích:
- Điều chỉnh tỉ giá là việc phải làm vì cứ giữ sẽ rất bất lợi, nó kéo giãn nguyên tắc thị trường. Định hướng của chúng ta là chính sách tiền tệ phải linh hoạt. Bởi trong năm, biên độ giữa tỉ giá chính thức và thị trường tự do đã giãn quá cao, nên điều chỉnh đợt này buộc phải mạnh vì nếu làm nhỏ giọt sẽ mất lòng tin, không có nhiều ý nghĩa.
Tất nhiên, khi điều chỉnh tỉ giá có lợi và hại nhưng lợi nhiều hơn. Cụ thể sau điều chỉnh, tâm lý găm giữ, đầu cơ, đánh quả sẽ được hạn chế. Doanh nghiệp cũng chủ động hơn. Niềm tin, đặc biệt là của các định chế nước ngoài về chính sách điều hành minh bạch, linh động, bám sát yếu tố thị trường của VN cũng tăng. Tuy nhiên, cần lưu ý đặc biệt mặt trái của điều chỉnh tỉ giá lần này sẽ làm tăng giá nhập khẩu, có thể khiến tăng lạm phát. Mà lạm phát cao sẽ lại đẩy đồng tiền VN tiếp tục mất giá.
* Vậy theo ông, cần làm gì để giảm thiệt hại do điều chỉnh tỉ giá?
- Việc điều chỉnh tỉ giá nếu đứng riêng là một giải pháp tiền tệ thì rất đúng. Nhưng kinh nghiệm từ ngay năm 2010 cho thấy: khi điều chỉnh tỉ giá, ngân hàng làm trước, các bộ, ngành khác không có chính sách đi kèm, thống nhất đã tạo sự hỗn loạn về tỉ giá, giá vàng.
Nó quay trở lại kéo tâm lý tăng giá, lạm phát lên rất nhanh. Do vậy lần này từ Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương phải có chính sách đi kèm để khai thác mặt mạnh, giảm tác động tiêu cực từ tăng tỉ giá. Nói điều chỉnh tỉ giá lợi cho xuất khẩu nhưng nếu thực tế ta không phát triển được xuất khẩu bao nhiêu thì đâu có lợi.
Tỉ giá USD tăng mà Bộ Tài chính không có biện pháp gì trong các dự án lớn dùng USD thì cũng không ổn... Phải có chính sách khai thác việc điều chỉnh tỉ giá.
* Doanh nghiệp mong muốn tỉ giá ổn định, vậy cách nào để tỉ giá ổn định, thưa ông?
- Điều chỉnh lần này đúng thị trường nhưng về dài hạn phải bám sát chặt hai mục tiêu: kéo lạm phát xuống và tăng được năng lực sản xuất, giảm nhập siêu. Các chính sách tiền tệ như tỉ giá, lãi suất thật ra có liên hệ với nhau chặt chẽ. Phải tập trung chống lạm phát trước. Các chính sách khác như lãi suất phải rất linh hoạt theo mục tiêu đó. Nhà nước nói phải đi đôi với làm, nói giữ ổn định vĩ mô, chống lạm phát hàng đầu thì hành động phải cho người dân thấy rõ điều đó.
* Chống lạm phát là phải tăng lãi suất. Nhưng lãi suất hiện nay đang quá cao, vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp, chẳng lẽ lại tăng thêm lãi suất để chống lạm phát?
- Điều khiến các nhà đầu tư, các tổ chức nước ngoài quan ngại bậc nhất ở VN chính là lạm phát. Mà chống lạm phát, giải pháp hàng đầu là tăng lãi suất để thu tiền về. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó về vốn. Đó là mặt trái phải chấp nhận. Doanh nghiệp phải cơ cấu lại, tính toán kỹ khi đầu tư, giảm chi phí để tồn tại chờ đến khi nguồn vốn dồi dào, giá rẻ.
Chống lạm phát cao thì giải pháp không thể không “đau” tí nào được. Tuy nhiên, đúng là không thể để lãi suất cao mãi như hiện nay. Nếu lãi suất năm 2011 cứ ở mức 20%/năm, tôi e rằng sản xuất của VN sẽ co lại rất nhanh, kéo theo là giảm việc làm, giảm xuất khẩu, rất nguy hiểm. Phải giảm lãi suất. Kinh nghiệm điều hành của tôi cho rằng trước tiên phải kéo lạm phát xuống, sau đó mới giảm lãi suất tương ứng.
* Liệu có kéo lạm phát xuống được khi mà lạm phát thực tế luôn cao hơn chỉ tiêu?
- Chống lạm phát thì phải thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, nhưng chỉ thế thì không đủ. Theo tôi phải kéo được chi phí hành chính, bội chi ngân sách, nhập siêu xuống... Nói thật lòng, chi ngân sách lớn hơn thu của VN dù đã giảm nhưng vẫn ở mức 5-6% - gấp đôi mức chung người ta chấp nhận, nền kinh tế nhỏ bé này làm sao chịu được!
Lạm phát năm qua của VN đã cao gấp ba lần, lãi suất giờ thì cao gấp 3-4 lần mức đa số doanh nghiệp thế giới phải chịu. Cần lưu ý một điều không kém phần quan trọng là khi chống lạm phát thì bản thân chính sách thắt chặt tiền tệ cũng phải minh bạch và đặc biệt phải linh hoạt. Chỉ thắt ở chỗ có thể gây hậu họa, chứ thắt cả chỗ tạo ra hàng hóa, tạo việc làm, tạo sức mua thì không được.
* Một trong những nguyên nhân khiến lãi suất tăng là một số ngân hàng đã tạo ra các cuộc đua? Phải có giải pháp gì với các cuộc đua tốn kém, có phần tai hại này?
- Ngân hàng vốn ít, họ vay ngân hàng khác qua thị trường liên ngân hàng nhưng nay cũng bị khống chế nên phải tăng lãi suất để huy động. Các ngân hàng khác cũng phải tăng lãi suất theo, lãi suất cho vay tăng nhanh. Theo tôi, để giải quyết, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát sát, tốt hơn, ngay khi các ngân hàng cần vốn phải bơm ngay tiền cho họ, tránh việc họ phải tăng lãi suất huy động.
Sau đó với những ngân hàng này phải tính đến việc cơ cấu, sáp nhập. So với thế giới, so với nhu cầu nền kinh tế thì số lượng ngân hàng của VN chưa nhiều. Nhưng vấn đề là vốn của nó ít quá. Nên phải yêu cầu các ngân hàng tăng vốn hoặc sáp nhập để tăng năng lực. Các nước rất chú trọng vào chất lượng, khả năng quản trị của ngân hàng. Việc lập các ngân hàng ở VN cần phải siết chặt hơn, chứ như vừa rồi rất dễ tạo thêm nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
(Tuổi trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com