![]() |
Để nhanh chóng đảm nhận là trụ cột thứ ba của hệ thống tiền tệ thế giới, Trung Quốc cần mở thị trường trái phiếu cho các NHTƯ nước ngoài và các thể chế tài chính khác |
Khi đồng USD và EUR đang phải chịu nhiều sức ép nặng nề, Nhân dân tệ Trung Quốc đang được coi là có triển vọng để sớm trở thành một loại tiền dự trữ mới bên cạnh hai loại tiền quyền lực trên.
Theo giới phân tích, Nhân dân tệ có thể trở thành cột trụ thứ ba của hệ thống tiền tệ toàn cầu bên cạnh USD và eur. Sở dĩ có điều này vì sự suy giảm tài chính chung toàn cầu đang làm suy giảm lòng tin của mọi người vào USD và EUR. Cho đến nay, USD và EUR vẫn là những loại tiền thường xuyên được sử dụng nhất với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu, chúng chiếm tới 90% dự trữ ngoại tệ của thế giới. Tuy nhiên thâm hụt ngân sách khổng lồ, nợ công quá lớn của Mỹ và nhiều vấn đề mang tính cấu trúc trong hệ thống tài chính của Châu Âu cũng như thế giới phương Tây khiến cho hai cột trụ trong hệ thống tiền tệ thế giới là USD và EUR đã không đảm bảo được tính vững mạnh, chắc chắn của đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Ngày 16/6/2009, các quan chức Nga cho biết họ có thể đầu tư nhiều hơn dự trữ của mình vào các loại tiền của các quốc gia đối tác trong khối BRIC (Brazil, Russia, India, China). Ngày 7/9/2009, Hội nghị về thương mại và phát triển của Liên Hợp Quốc đã thông qua một báo cáo phê phán sự thống trị của đồng USD đối với việc đóng một vai trò lớn trong sự mất cân bằng toàn cầu vừa qua. Chính vì thế một số chuyên gia tài chính, tiền tệ cho rằng cần phải có một loại tiền thứ ba đảm nhận chức năng là một cột trụ trong hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm mang lại cơ hội cho hai cột trụ đang bị suy yếu kia hàn gắn khả năng của mình. Nếu theo thứ tự về tần số được dùng dự trữ nhiều nhất sau hai loại tiền trên thì Mác Đức, Bảng Anh, Yên Nhật, Franc của Pháp, Franc của Thụy Sĩ, kể cả Rub của Nga đều là các ứng cử viên nặng ký để thành cột trụ thứ ba trong hệ thống tiền thế giới.
Tuy nhiên Nhân dân tệ của Trung Quốc mới là đối thủ sáng giá nhất đối với vị trí này. Điều đó không chỉ đến từ mong muốn của Trung Quốc mà hầu hết các chuyên gia tiền tệ hàng đầu đều có nhận định như vậy, căn cứ vào tầm ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới. Hiện tại, Trung Quốc đang thúc đẩy, khuyến khích việc sử dụng Nhân dân tệ ở nước ngoài sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng 3/2009 bày tỏ mối quan ngại về USD yếu đang làm suy giảm giá trị của khối dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên đến 2.300 tỷ USD. Theo tiến trình làm cho Nhân dân tệ có vai trò rộng lớn trên thị trường tiền tệ quốc tế, Chính phủ Trung Quốc phải cân nhắc việc cho phép công ty tài chính nước ngoài và các nhà nhập khẩu mua Nhân dân tệ tự do hơn phục vụ mục đích đầu tư và thương mại.
Năm 2009, Trung Quốc đã cho phép 365 công ty tại Thượng Hải và phía Nam tỉnh Quảng Đông sử dụng Nhân dân tệ trong hoạt động thương mại qua biên giới với Hong Kong và các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á từ ngày 2/7/2009. Tháng 10/2009, Chính phủ Trung Quốc đã bán 6 tỷ Nhân dân tệ (trị giá 879 triệu USD) trái phiếu tại thị trường Hong Kong nhằm tăng cường vị thế quốc tế của Nhân dân tệ. Một số nhà phân tích cho rằng để nhanh chóng đảm nhận là trụ cột thứ ba của hệ thống tiền tệ thế giới, Trung Quốc cần mở thị trường trái phiếu cho các ngân hàng trung ương nước ngoài và các thể chế tài chính khác mua bán vì họ có thể muốn tích lũy Nhân dân tệ từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu và qua đó Trung Quốc chứng tỏ được khả năng hấp dẫn ngày càng tăng của Nhân dân tệ đối với việc thanh toán hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, cũng cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài dùng Nhân dân tệ ở nước ngoài để đầu tư vào thị trường tài chứng khoán Trung Quốc.
(Theo Hoa Chi // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com