Rõ ràng, ai cũng biết VN trong thời điểm tái cấu trúc đang rất cần vốn. Chỉ riêng những dự án đã và đang bàn thảo tại Quốc hội những ngày qua thôi, dự kiến cũng đã ngốn hàng chục tỉ USD/dự án. Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam 2010 do Học viện Cạnh tranh châu Á, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, cho rằng tăng trưởng GDP vừa qua của VN chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố vốn. Vốn hiện chiếm tỉ trọng gấp đôi so với các yếu tố như con người và chỉ tiêu năng suất giữa đầu vào, đầu ra trong tăng trưởng. Điều này cho thấy việc sử dụng đồng vốn có hiệu quả đang là vấn đề thời sự đặt ra cho VN.
Nguy cơ bong bóng nguồn vốn, bong bóng tăng trưởng cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ trong thảo luận về điều chỉnh kinh tế và tái cân bằng bắt buộc, diễn ra ở khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á. Ông Naoyuki Shinohara, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỏ ra lo ngại châu Á “vẫn còn đó những bất ổn”. Đó là tăng trưởng nóng, thu hút vốn đầu tư quá nhiều. “Thế giới sẽ chứng kiến một dòng vốn lớn kinh khủng chảy vào, chảy ra châu Á” - ông nói.
Trong một báo cáo công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo dòng vốn ròng tư nhân chảy vào các nền kinh tế châu Á vào khoảng 272,4 tỉ USD trong năm nay. Dòng tiền này có thể còn nhiều hơn bởi nhiều nước khác đang dùng nhiều biện pháp chống lạm phát như nâng lãi suất lên; trong khi các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật có lãi suất thấp, tạo cơ hội cho giới đầu tư tài chính kiếm lời nhờ chênh lệch lãi suất ở các vùng.
Điều mà các nhà quan sát lo ngại là khi dòng vốn ào ạt chảy vào châu Á cùng lúc, bong bóng bất động sản sẽ xảy ra. Do vậy, kiểm soát dòng vốn phải là “một lựa chọn nằm sẵn trên bàn” của các nhà hoạch định chính sách. Và Chính phủ cũng như các nhà đầu tư phải quay lại những giá trị căn bản của đầu tư.
Mặt khác, nếu để dòng vốn tự do chảy ào ạt vào châu Á, tỉ giá sẽ tăng theo. “Các nước châu Á thiên về xuất khẩu cần cân bằng tỉ giá để bảo đảm xuất khẩu. Nếu tỉ giá tăng, Chính phủ phải đối mặt với áp lực đẩy tỉ lệ tăng trưởng cao hơn vừa phải giữ vững sự ổn định bền vững. Vấn đề cuối cùng trở lại vẫn là kiểm soát dòng vốn” - ông Shinohara nói. Đây có lẽ cũng là bài học cho VN hiện nay.