Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ giảm, vì sao?

Kết quả vừa được các nhà băng công bố cho thấy, nguồn thu từ mảng hoạt động dịch vụ 2 quý đầu năm nay, nhất là trong quý II/2010 giảm so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận mang lại chủ yếu từ tín dụng, cho dù tăng trưởng dư nợ trong nửa đầu năm 2010 của toàn ngành chỉ đạt mức khiêm tốn (10,52%).

Sacombank vừa công bố kết quả 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế 1.313 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2009; lợi nhuận sau thuế đạt 1.029 tỷ đồng. Trong đó, riêng trong quý II/2010, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng mẹ đạt 624 tỷ đồng, tăng 54,2% so với quý trước đó. Tuy nhiên, so với quý I, lãi từ hoạt động dịch vụ của Sacombank giảm tới 43%; kinh doanh chứng khoán bị lỗ (do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán). Còn thu nhập lãi thuần tăng 48,3%, đạt mức 767 tỷ đồng; hoạt động ngoại hối tăng 55,4%, đạt mức 108 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đạt 385 tỷ đồng, tăng gấp 3,37 lần so với quý I. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2010, thu nhập từ góp vốn đạt 473 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế chưa hợp nhất nửa đầu năm 2010 của ACB đạt gần 1.580 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Riêng quý II/2010, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động của ngân hàng mẹ đạt 1.034 tỷ đồng, tăng 32,22% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, báo cáo tài chính quý II/2010 của ACB cũng cho thấy, có 3 hoạt động của Ngân hàng giảm mạnh so với cùng kỳ là hoạt động dịch vụ giảm 56%; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 99,62% và hoạt động khác giảm 95%. Còn thu nhập lãi thuần trong quý II của ngân hàng mẹ đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 43,36% so với cùng kỳ năm 2009; thu nhập góp vốn và mua cổ phần lên tới 296,35 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ; hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng gần 22%.

Còn Eximbank 6 tháng đầu năm đạt 918 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và đạt 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Ngân hàng này đạt được kết quả lợi nhuận ở mức trên là nhờ mức cho vay 42.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng 11% so với cuối năm 2009.

Thu nhập lãi thuần của Eximbank 2 quý đầu năm tăng khoảng 23% so với cùng kỳ và chiếm 85% tổng thu nhập hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2010.

Trong khi đó, các nguồn thu nhập dịch vụ liên quan đến kinh doanh vàng, ngoại hối, đầu tư cổ phiếu lại có xu hướng giảm. Quý I/2010, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của Eximbank giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ, chỉ đạt trên 21,6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lãi thuần từ hoạt động ngoại hối của Eximbank cũng chỉ xấp xỉ năm trước, đạt gần 60 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ bất thường vừa diễn ra, Eximbank cho biết, ước lợi nhuận trước thuế 7 tháng đầu năm 2010 của Ngân hàng đạt 1.100 tỷ đồng, hoàn thành 50% chỉ tiêu.

Trái với năm 2009, khi nguồn thu từ mảng dịch vụ được các nhà băng báo cáo tăng, thì 6 tháng đầu năm nay, không ít ngân hàng đã báo cáo lỗ từ mảng này. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối không còn thuận lợi. Các sàn giao dịch vàng trực thuộc ngân hàng phải đóng cửa kể từ ngày 30/3 vừa qua, cùng với quy định ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài phải tất toán và đóng tài khoản kể từ quý II.

Đây được xem là điều không thuận lợi đối với các ngân hàng trong việc đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động dịch vụ. Bởi thực tế, kể từ khi hoạt động của các sàn giao dịch vàng chấm dứt và ngân hàng phải tất toán tài khoản kinh doanh vàng nước ngoài, đầu ra của nguồn vốn huy động bằng vàng thu hẹp dần. Ngân hàng không thể huy động vàng với giá rẻ hơn tiền đồng để bán ra lấy VND cho khách hàng vay với lãi suất cao, vì nhà băng không còn cơ hội được mua đối ứng trên tài khoản nước ngoài như trước.

Còn với kinh doanh ngoại hối, không chỉ trong 6 tháng đầu năm nay mà cả 1 năm trước đó, nguồn thu từ mảng này cũng giảm dần. Nguyên nhân do tỷ giá trên thị trường tự do luôn có chênh lệch cao hơn giá niêm yết trên ngân hàng, nên nhà băng khó thu hút được ngoại tệ để bán lại cho DN. Gần đây, khi tỷ giá trên thị trường tự do được kéo sát với giá niêm yết chính thức trong các NHTM thì nhu cầu vay ngoại tệ của DN lại cao hơn nhu cầu mua ngoại tệ, vì thị trường ngoại hối ổn định. Rủi ro biến động tỷ giá không còn là nỗi lo quá lớn, nên DN đã mạnh dạn vay vốn bằng ngoại tệ để được hưởng lãi suất thấp hơn so với tiền đồng. Do đó, lãi thuần từ hoạt động ngoại hối của các ngân hàng trong 2 quý đầu năm khó có thể tăng.

Ngay cả Vietcombank (VCB), là ngân hàng có thế mạnh ở mảng kinh doanh trên, nhưng hoạt động ngoại hối quý II cũng không có lãi; lũy kế 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 192 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2009. Từ đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VCB trong quý II chiếm tỷ trọng không cao trong tổng lợi nhuận, giảm 8% so với quý I. Lũy kế 6 tháng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VCB đạt 475 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý II của VCB chỉ đạt 1.353 tỷ đồng, giảm 24,76% so với quý I. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần đạt 3.150 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế chưa hợp nhất 2 quý đầu năm nay của VCB đạt 2.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.146 tỷ đồng tăng 8,7% so với cùng 2009.

Nhìn chung, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2010 chủ yếu từ hoạt động cho vay. Vì thế, các nhà băng kỳ vọng, dư nợ tín dụng sẽ sớm được cải thiện trong 5 tháng còn lại của năm, khi nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là với khối DN tăng trưởng trở lại. Có như vậy, các ngân hàng mới có điều kiện để hoàn tất được chỉ tiêu lợi nhuận năm 2010.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Xử phạt bảo hiểm: Lý, tình và sự cẩn trọng
  • 'Sẽ tích cực bơm vốn cho nền kinh tế'
  • Công khai thông tin tự doanh, tại sao không?
  • Ngân hàng 'giấu' lãi
  • Thị trường liên ngân hàng: Nên tháo rào cản?
  • Có dấu hiệu căng thẳng ngoại tệ?
  • Hạ lãi suất kinh doanh: Trông nhiều ở Ngân hàng Nhà nước
  • Trái phiếu doanh nghiệp: Hấp dẫn nhờ lãi suất cao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!