Cách nào giảm lãi suất ?
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)
Tại Diến đàn Áp lực lạm phát và Chính sách tiền tệ do DĐDN tổ chức, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng: Trong hoàn cảnh tín dụng tăng, đòi hỏi tháo gỡ khó khăn về giá vốn cho DN trong khi mặt bằng lãi suất đang cao là điều hết sức khó khăn nếu các thông tin, chính sách không rõ ràng.
Toàn cảnh Diễn đàn Áp lực lạm phát và Chính sách tiền tệ ngày 16/4/2010
Nhiều chuyên gia lo ngại, kênh lãi suất của chúng ta hiện đang gặp các vấn đề với việc lưỡng lự giữa cơ chế lãi suất thỏa thuận hay lãi suất cơ bản. Việc cân nhắc của ngân hàng trong sử dụng thống nhất các công cụ lãi suất có thể khiến cho thị trường mất định hướng và làm suy yếu chính kênh này. Sự suy yếu của kênh lãi suất có thể làm giảm ảnh hưởng của thay đổi lãi suất bao gồm cơ bản hoặc lãi suất định hướng khác đối với nền kinh tế và giá cả.
TS Võ Trí Thành cho rằng cần phải kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu NHNN linh hoạt điều hành mà không cẩn thận thì tín dụng có thể lại tăng 30 – 40% và để thay đổi con số này là cả một bài toán khó khăn hơn rất nhiều.
Theo các chuyên gia, dường như DN chỉ mải mê chạy theo lợi nhuận của các khoản vay ngoại tệ mà chưa chú ý đến công cụ phòng ngừa rủi ro. Bởi thanh khoản trên thị trường ngoại hối cũng có những hạn chế nhất định, đặc biệt hạn chế trong việc chuyển đổi ngoại tệ, kiểm soát chênh lệch kỳ hạn.
Ông Thành lưu ý, nền kinh tế cần thận trọng trong sai lệch cơ cấu đồng tiền từ nay đến cuối năm, bởi thâm hụt tài khoản vãng lai và cán cân thanh toán có vấn đề. Nếu không thay đổi dịch chuyển từ USD đến VND thì ngoại hối có khả năng rất căng thẳng.
TS Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng thì chia sẻ: theo nguyên lý, cứ lạm phát cao thì lãi suất phải cao, chính sách tiền tệ phải thắt chặt, nhưng lạm phát cao mà phải lãi suất thấp, giảm lãi suất, đó là mâu thuẫn.
Bà Hương chia sẻ: Cái khó là NHNN ở trong cái thế cùng một lúc phải “hài hoà” các mục tiêu, thứ nhất là tập trung kiểm soát lạm phát, thứ hai là góp phần tăng trưởng kinh tế, thứ ba là giữ ổn định thị trường. Vì vậy, điều hành chính sách tiền tệ vô cùng khó.
Bà Hương nhận định, lạm phát năm nay sẽ cao nhưng sẽ dưới 10%. “Tôi cho rằng, người gửi tiền, người vay tiền, và ngân hàng phải tìm ra một điểm để hài hòa lợi ích của các bên. Có như vậy mới giảm áp lực tâm lý các bên tham gia. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Cả hệ thống ngân hàng cũng đang quyết tâm kéo lãi suất cho vay giảm để tạo điều kiện cho các DN”. Bà Hương cũng bày tỏ mong muốn: Các ngân hàng và DN nên thông cảm cho nhau, tìm ra được những điểm hài hòa để tạo điều kiện cho nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn và cùng phát triển. “Chúng ta cũng nên nhìn vấn đề ở hai mặt để có thể tìm ra được hướng đi tốt nhất giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Tôi cũng mong muốn rằng DN chia sẻ những khó khăn với hệ thống ngân hàng. Lộ trình lãi suất trong thời gian tới sẽ giảm, tất nhiên còn phụ thuộc vào tình trang lạm phát, nhưng theo tôi lạm phát sẽ chỉ dừng lại ở mức 7%" - Bà Hương nhấn mạnh.
Khuyến nghị từ doanh nghiệp Ông Bùi Hồng Minh - Tổng Giám đốc Công ty Tài chính cổ phần xi măng (CFC) : Kinh nghiệm cho thấy, giai đoạn đầu năm do tác động của vấn đề thanh khoản nên lãi suất huy động từ khối ngân hàng thường ở mức cao. Nhưng năm 2010, lãi suất cho vay bị khống chế ở mức 12% nên các tổ chức tín dụng cũng hạn chế cho vay, khiến DN khó tiếp cận nguốn vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh... Năm nay, Quốc hội vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 25% nên NHNN cần có chính sách tiền tệ để điều chỉnh thị trường tài chính hoạt động ổn định và an toàn. Trong giai đoạn hiện nay, CFC nhận thấy cần phải lưu ý vấn đề kiểm soát hoạt động tín dụng, NHNN cần điều hành hệ thống ngân hàng để các DN có kết quả kinh doanh tốt có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, tránh tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như năm 2008 và đi kèm với đó là hậu quả về chất lượng tín dụng và lạm phát tăng cao, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Ông Đặng Minh Hải - PGĐ NHTMCP An Bình, Chi nhánh Hà Nội : Hiện nay, cả nước có hơn 335 nghìn DN, đóng góp 80% GDP và tạo trên 50 triệu việc làm cho xã hội. Mặc dù, các ngân hàng đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay, nhưng với mặt bằng lãi suất cao gần 20%/năm như những tháng đầu năm vừa qua, khoảng 70% các DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay cho sản xuất kinh doanh. Nhưng thực tế, cần phải nhìn hai mặt của vấn đề, rằng việc DN gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng có nguyên nhân từ chính phía DN, đặc biệt là các DNNVV. Sự hạn chế về nhân lực và quản lý, kỹ thuật và công nghệ lạc hậu, chưa minh bạch về tài chính, thiếu tài sản bảo đảm. Ngoài ra, khả năng tiếp cận thông tin và thị trường hạn chế, trong khi vốn tự có thấp. Một số DN xuất phát điểm từ kinh nghiệm kinh doanh thực tế của chủ DN nên có phần hạn chế, không định lượng được rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, việc DN không tiếp cận được với nguồn vốn không những chỉ khó cho DN mà còn khó cho cả ngân hàng. Vì vậy, để DN và ngân hàng “gặp” được nhau, tự thân mỗi DN phải nỗ lực để nâng cao năng lực, đặc biệt DN phải minh bạch về tài chính, không có nợ xấu, nợ quá hạn, thuyết phục ngân hàng về hiệu quả kinh doanh một cách rõ ràng của dự án đầu tư. Ông Võ Văn Minh - Trưởng phòng Phân tích SHS : Quan điểm của chúng tôi, để chính sách tiền tệ ngày càng hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, cần tăng cường sự hiệu quả của cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ thông qua các biện pháp làm tăng sự tiếp cận của DN và người dân vào tín dụng ngân hàng, giảm ảnh hưởng của các kênh tín dụng phi chính thức. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp để có thể nhất thể hóa lãi suất trên thị trường, tránh xu hướng đa lãi suất như hiện nay. Đồng thời, sử dụng các công cụ tiền tệ nhằm kết hối dòng ngoại tệ và vàng hiện đang nằm trong dân quay trở lại hệ thống ngân hàng. Sự kết hối này sẽ làm cho công việc đánh giá cán cân thanh toán ngày càng chuẩn xác và thực tế hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sử dụng các biện pháp hành chính, phi tiền tệ để kiềm chế các yếu tố gây kích thích lạm phát tâm lý. Việc tăng cường kiểm soát, xử phạt hành chính đối với các hành vi tăng giá kiểu “tát nước theo mưa” sau khi có sự điều chỉnh giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu ... Mặt khác, phải xác định rõ ràng, nhất quán các mục tiêu tiền tệ trong từng thời kỳ. Việc đưa ra các mục tiêu có những điểm còn mâu thuẫn hoặc gây nhầm lẫn sẽ phát đi sự hiểu nhầm trên thị trường và gây nên sự suy yếu chính sách khi NHNN ban hành công cụ điều tiết kinh tế của mình. Ngoài ra, cần thiết lập một kênh thông tin chính thống và cập nhật giữa NHNN với thị trường. Đối với mục tiêu độc lập của NHNN theo mục tiêu cơ bản, chúng tôi cho rằng đây là vấn đề dài hơi. Trước mắt cần phải dần cho phép NHNN độc lập hơn trong việc sử dụng các công cụ tiền tệ của mình. Mục tiêu tiền tệ trong từng thời kỳ vẫn cần có sự giám sát theo các chỉ tiêu của Quốc hội. Trong việc điều tiết lạm phát, ngoài các công cụ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, còn có cả các công cụ hành chính như kiểm soát giá để kiềm chế lạm phát. Chúng tôi cho rằng vai trò của chính sách tiền tệ trong việc kiềm chế lạm phát không mạnh vì những nguyên nhân nội tại của chính sách cũng như yếu tố đặc thù của lạm phát ở VN. |
Điều hành lãi suất: Những khuyến nghị trái chiều
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Đối lập
Giữa tháng 3, khi lãi suất vay vốn trên thị trường bứt xa mốc trần 12%/năm, ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia trả lời báo chí cho rằng, nếu thắt chặt tiền tệ sẽ khiến lãi suất tăng cao, thậm chí gây thêm sức ép lạm phát.
Lập luận của ông Thuý là lãi suất cao sẽ khiến nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, qua đó làm giảm nguồn cung hàng hoá. Trong khi đó, lãi suất vay vốn tăng cao làm tăng mạnh chi phí đầu vào của DN và DN sẽ tìm cách tăng giá bán sản phẩm. Hai yếu tố này sẽ đẩy giá hàng hoá lên mức cao hơn, đẩy lạm phát cao thêm.
Tuy nhiên, một phương án xưa nay được coi là truyền thống để chống lạm phát, đó là tăng lãi suất. Bởi lẽ, theo lý thuyết, khi lãi suất thị trường tăng, ngoài việc tác động làm giảm nguồn cung hàng hoá, thì đồng thời làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, thậm chí với một tốc độ nhanh hơn.
Trả lời câu hỏi của ĐTCK, liệu giảm lãi suất thị trường sẽ ảnh hưởng thế nào tới lạm phát, ông Martin Rama, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã phản bác ý kiến cho rằng, giảm lãi suất sẽ góp phần kiềm chế lạm phát. Ở chiều ngược lại, ông Rama, đại diện cho WB tiếp tục khuyến nghị Việt Nam thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, hướng tới tăng trưởng kinh tế một cách bền vững hơn.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục đưa ra khuyến nghị, thắt chặt tiền tệ là cần thiết để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
...và “linh hoạt”
Vậy là đã có những luồng ý kiến trái chiều về vấn đề tác động của việc làm giảm lãi suất vay vốn trên thị trường. Ý kiến nào đúng?
Thực tế hiện nay, thị trường ngân hàng đang dần đi vào ổn định và có lẽ cơ quan quản lý không có lý do để thay đổi chính sách tiền tệ. Như ĐTCK đã từng đề cập, số tiền khoảng 60.000 tỷ đồng mà NHNN cho các ngân hàng thương mại vay trong thời điểm đầu tháng 2/2010, đang giúp cho hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định.
Đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) thành công trong tuần trước là một dấu hiệu chứng tỏ điều này. Tổng số 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2, 3 và 5 năm đã được bán hết với mức lợi suất tương ứng là 11,3%, 11,4% và 11,5%, khi mà lượng bỏ thầu đạt tới trên 8.000 tỷ đồng.
Đây là đợt bán TPCP thành công nhất từ đầu năm tới nay. Đương nhiên, TPCP là công cụ tốt nhất để các ngân hàng vay vốn từ NHNN qua thị trường mở trong trường hợp cần vốn, nhưng lượng đặt mua rất cao chứng tỏ rằng, hệ thống ngân hàng không thiếu vốn.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, trước thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi mà số tiền vay khoảng 60.000 tỷ đồng tới hạn trả lại cho NHNN, cơ quan này đang nghiên cứu phương án gia hạn vay vốn cho các ngân hàng thương mại.
Hết quý I/2010, các chỉ tiêu về lạm phát và tăng trưởng kinh tế GDP đều ở mức chấp nhận được. Những khuyến nghị điều chỉnh chính sách tiền tệ từ các chuyên gia có lẽ vẫn chỉ là để tham khảo.
Vấn đề là ở chỗ, khuyến nghị của các chuyên gia nêu trên đều được đưa ra dựa trên lý thuyết về tiền tệ và không ai đưa ra được một kịch bản rõ ràng cho lập luận của mình. Trong cuộc trao đổi, ông Rama ủng hộ phương án tăng lãi suất thị trường và khi đó thị trường sẽ tìm được một điểm cân bằng mới. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể hơn rằng, tại điểm cân bằng mới, lãi suất huy động/cho vay sẽ là bao nhiêu thì ông Rama chưa có câu trả lời.
Từ nhiều năm qua, NHNN luôn sử dụng từ “linh hoạt” trong điều hành chính sách tiền tệ. Linh hoạt có thể hiểu là “tuỳ cơ ứng biến”. Hiện tại, thị trường ngân hàng đang ổn định, trong khi mục tiêu tăng trưởng, lạm phát vẫn đang được kiểm soát. Có lý do để tin rằng, chính sách tiền tệ sẽ không có nhiều thay đổi cho tới khi một trong hai mục tiêu “có vấn đề”. Khi đó, lại cần “linh hoạt”.
(Tinkinhte.com tổng hợp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com