Trong thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có động thái yêu cầu các ngân hàng phải giảm tiếp lãi suất, nhằm kích thích sự hấp thụ vốn của nền kinh tế. Trong khi đó, với diễn biến thực tế hiện nay, việc giảm mạnh lãi suất huy động và cho vay là rất khó khăn với các ngân hàng, cho dù với các biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, lãi suất huy động vốn trên thị trường những ngày qua đã có phần giảm nhiệt.
Buộc giảm…
Trước chỉ đạo của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, các ngân hàng có động thái đẩy lãi suất tiền gửi tăng nhẹ trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2010 đã phải nhanh chóng cắt giảm chi phí đầu vào. Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được đưa về ngưỡng cao nhất xoay quanh 11,5%/năm, thay vì lên 12%/năm như trước đó. Cụ thể, VietA Bank buộc giảm trở lại lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND nhiều kỳ hạn, thay vì tăng mạnh trong 2 tuần trước đó. Với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất huy động vốn VND của VietA Bank giảm trung bình từ 0,1% đến 0,3%/năm. Các kỳ hạn có lãi suất cao nhất 3 - 36 tháng xoay quanh mức 11,5%/năm.
Mới đây, ACB cũng cắt giảm nhẹ chi phí huy động vốn, với mức lãi suất áp dụng cao nhất chỉ xoay quanh 11,5%/năm cho kỳ hạn dưới 12 tháng, thay vì áp dụng trên 11,5%/năm như trước đó. Đây được xem là một trong những động thái nhằm tuân thủ theo chủ trương NHNN về việc kêu gọi các NHTM giảm lãi suất huy động ở mức 11,5%/năm để góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.
Một số ngân hàng khác như HDBank, SCB, DaiA Bank… từng bước cắt giảm dần chi phí đầu vào và không gia tăng mạnh khuyến mãi lãi suất huy động vốn. Lãi suất huy động vốn của các ngân hàng nhỏ cũng không thể vượt xa mức 11,5%/năm.
Còn lãi suất cho vay thỏa thuận của các ngân hàng chỉ giảm nhẹ, với mức bình quân đối với khoản vốn vay ngắn hạn dành cho xuất khẩu hiện là 12,5 - 13,5%/năm và 13 - 16%/năm với cho vay trung, dài hạn… cho từng đối tượng khách hàng khác nhau.
Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, ông Hồ Hữu Hạnh cho biết, tổ công tác của NHNN Chi nhánh TP. HCM đang và sẽ tiếp tục kiểm tra tại các ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động vốn sát mức 12%/năm. Vì thế, trong những ngày qua nhiều ngân hàng đã từng bước giảm dần lãi suất huy động vốn.
Thế nhưng, so với chủ trương của Chính phủ yêu cầu NHNN phải có giải pháp đưa lãi suất huy động về 10% và cho vay còn 12%/năm mới hợp lý thì mặt bằng lãi suất hiện khó đạt được mức trên. Các ngân hàng cho biết, họ chưa thể giảm tiếp lãi suất cho vay thỏa thuận khi nguồn vốn huy động ngày càng trở nên khó khăn hơn trước.
Sở dĩ lãi suất huy động vốn tăng nhẹ trong thời gian qua và hiện chưa thể giảm sâu, theo lý giải của một cán bộ trong ngành ngân hàng, là do NHNN vừa ban hành Thông tư 13/2010/TT - NHNN về việc nâng tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng từ 8% lên 9% và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10 tới.
Theo đó, nếu không tăng vốn chủ sở hữu thì tỷ lệ sử dụng vốn của ngân hàng sẽ phải giảm. Ngược lại, nếu muốn sử dụng vốn lớn hơn buộc phải tăng tổng tài sản… Điều này có nghĩa, với các ngân hàng không thể tăng tổng tài sản thì hiệu quả trong hoạt động cho vay sẽ giảm, bởi khả năng cung ứng vốn cho khách hàng sẽ được điều chỉnh. Mặt khác, với các ngân hàng đã mạnh tay cho vay trong
4 tháng qua khi Thông tư 13 chưa được ban hành, thì buộc phải huy động thêm vốn mới có thể cân đối được.
… nhưng vẫn khó cho vay
Vì thế, dù muốn dù không, các ngân hàng cũng phải từng bước cơ cấu lại khoản vay cũng như tính toán lại quy mô, tỷ lệ sử dụng vốn… Thêm vào đó, với quy định hiện hành, các ngân hàng không được sử dụng vốn liên ngân hàng để cho vay ra nền kinh tế. “Điều này dẫn đến khả năng, vốn của các ngân hàng quy mô lớn, vốn dư sẽ vẫn là dư, nhưng ở các ngân hàng khó huy động vốn thì thiếu vẫn là thiếu”, đại diện một ngân hàng quy mô lớn nói và cho biết, nguyên nhân là do các ngân hàng lớn có dư vốn khả dụng không thể cho vay vốn qua thị trường liên ngân hàng, vì theo quy định, các ngân hàng không được vay vốn liên ngân hàng để đầu tư tín dụng mà chỉ được sử dụng bù đắp thanh khoản tạm thời. Do đó, các ngân hàng quy mô lớn có dư vốn khả dụng, nhưng cũng khó kinh doanh hiệu quả qua liên ngân hàng. Trong khi đó, với các nhà băng nhỏ vốn dĩ đã thiếu vốn sẽ vẫn thiếu, vì nguồn vốn để phát triển tín dụng chủ yếu được huy động từ thị trường một (tức nguồn tiền nhàn rỗi từ trong dân cư và tổ chức kinh tế).
Chính vì vậy, lãi suất (cả huy động và cho vay thỏa thuận) khó có thể giảm mạnh. Đồng thời, trong 3 tháng vừa qua, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chưa được cải thiện và tăng chậm được vị đại diện ngân hàng trên cho rằng, có nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, nền kinh tế chưa hấp thụ được vốn. Doanh nghiệp chưa có nhu cầu vốn nhiều và nếu vay họ cũng chưa biết sử dụng vào mục đích gì. Đáng chú ý là doanh nghiệp xuất khẩu khi thị trường châu Âu đang bị tác động bởi khủng hoảng nợ của khu vực này. Vì thế, lãi suất cho vay thỏa thuận dù đã được điều chỉnh giảm, nhưng vẫn khó giải ngân vốn.
Còn với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong nước, nhu cầu vốn cũng chưa tăng cao, bởi chi phí vốn hiện nay cũng không thể nói là thấp. Mặt khác, các ngân hàng phải giữ thanh khoản để cân đối được bài toán vốn, khi tỷ lệ an toàn vốn tăng lên 9% kể từ ngày 1/10/2010. Từ đó, buộc các nhà băng phải tăng mạnh lãi suất huy động vốn trong thời gian qua để có thể kỳ vọng hút thêm nguồn vốn nhàn rỗi từ trong dân cư, bù đắp thanh khoản, đặc biệt là ở những ngân hàng quy mô nhỏ.
Hiện lãi suất huy động của các ngân hàng dù đã được điều chỉnh giảm về ngưỡng cao nhất còn 11,5%/năm và đăng tải trên website, nhưng thực tế ở một vài đơn vị vẫn áp dụng mức xấp xỉ mức 12%/năm. “Các chi nhánh của chúng tôi đang yêu cầu có sự cạnh tranh hơn về lãi suất để tránh tình trạng tiền tiết kiệm dịch chuyển sang ngân hàng nhỏ có lãi huy động cao”, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết. Theo ông Thanh, Vietcombank đã cố gắng đưa lãi suất huy động về mức tối đa còn 11,5%/năm, nhưng với tình hình hiện nay, việc huy động vốn sẽ khó hơn.
Trong 5 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng huy động vốn của Vietcombank chỉ đạt khoảng 3% trong tổng kế hoạch xây dựng cho năm 2010 là 20%. Còn đối với tăng trưởng dư nợ, trong năm nay Vietcombank cũng chỉ đưa ra mục tiêu ở mức thấp, khoảng 18 - 20% so với mức thực hiện của năm trước là 26 - 27%. Thế nhưng, sau 5 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng này chỉ đạt 7%.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com