Tình trạng đô-la hóa tại Việt Nam, theo một cuốn sách vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vào cuối tuần qua, đang ở mức khoảng 20%. Báo cáo này nêu rõ, mặc dù tình trạng đô-la hóa có thể có những lợi ích nhất định, song hệ lụy của nó đến nền kinh tế là rất lớn. Đô-la hóa làm giảm hiệu quả của các công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ và tỷ giá mà các nước như Việt Nam cần có để giải quyết các thách thức kinh tế và phát triển, như tỷ lệ lạm phát gia tăng. Việc điều chỉnh trước các cú sốc bên ngoài cũng có thể kéo dài hơn và khó khăn hơn khi xuất hiện hiện tượng đô-la hóa, thậm chí chỉ một phần hiện tượng này…
Trên thực tế, đây là điều đã được cảnh báo từ lâu, đặc biệt là sau tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, những bất ổn vĩ mô càng lộ diện rõ hơn. Sự căng thẳng trên thị trường ngoại tệ thời gian gần đây là một ví dụ. Bất chấp giá USD trên thị trường thế giới đang giảm, tại thị trường Việt Nam, giá USD vẫn tăng. Người dân, doanh nghiệp, có những thời điểm đổ xô đi mua USD, khiến thị trường ngoại tệ tiếp tục chịu áp lực. Xu hướng gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tăng cao. Doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp nhà nước vẫn "ôm" một lượng lớn ngoại tệ…
Trong khi đó, VND dường như trở nên lép vế hơn, nhất là khi cùng với sự tăng đột biến của giá vàng, người dân cũng lại đổ xô đầu cơ, tích trữ. Có thể, xu hướng này trên thực tế làm giảm phần nào tỷ lệ đô-la hóa, nhưng đó là việc phi đô-la hóa một cách thiếu vững chắc. Trong khi, điều mà nền kinh tế Việt Nam cần là một quá trình phi đô-la hóa một cách ổn định, vững chắc, hiệu quả, với những bước đi phù hợp.
Thực tế đã chỉ ra rằng, tình trạng đô-la hóa có căn nguyên xuất phát từ sự thiếu niềm tin vào đồng nội tệ và cả vào các chính sách điều hành tiền tệ, tỷ giá… Thiếu niềm tin, thay vì dùng VND, người dân thiên hơn về vàng và USD. Và vì thế, tình trạng đô-la hóa vẫn tiếp diễn.
Trị bệnh thì phải trị tận gốc. Điều quan trọng là, phải tạo dựng được lòng tin của người dân đối với VND. Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á, khi nói về hiện tượng đô-la hóa ở Việt Nam, cũng đã nhắc đi nhắc lại điều này. Rằng, các giải pháp hành chính không thôi sẽ không thể đạt hiệu quả để giảm tình trạng đô-la hóa nền kinh tế Việt Nam. Điều quan trọng là tăng cường niềm tin của nhân dân đối với đồng tiền Việt Nam thông qua tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, ổn định tỷ giá, cải cách chính sách tiền tệ và tăng cường năng lực của các thể chế tài chính.
(Theo Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com