Cũng giống như cuối năm 2009, nhu cầu tín dụng những tháng cuối năm này đang tăng cao đang khiến các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn.
Câu chuyện vĩ mô cuối năm 2009 dường như đang lặp lại rõ ràng nhất trong nửa đầu tháng 11 năm 2010 và hành động tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước từ 8%-9% từ ngày 5.11.2010 đang được đánh giá là liều thuốc cần thiết để giải quyết các căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam: Lạm phát, VND mất giá…
Liều thuốc đắng
Cũng giống như cuối năm 2009, nhu cầu tín dụng những tháng cuối năm này đang tăng cao đang khiến các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Mặc dù Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thành viên đã đồng thuận mức lãi suất huy động không quá 12%/năm, nhưng các ngân hàng thi nhau vượt rào với mức lãi suất huy động lên tới 14-15%/năm cùng với nhiều chương trình khuyến mãi đặc biệt. Điều này đã phản ánh sự thiếu hụt nguồn vốn trầm trọng của các ngân hàng thương mại. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tâm sự, đây cũng chỉ là cách làm “đặng chẳng đừng” nhằm hút các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân.
Trên thị trường tự do, USD và vàng liên tục tăng giá từ đầu tháng 11.2010, kéo theo sự giảm giá của VND. Theo nhận định chung của các chuyên gia, việc USD tăng giá sẽ gây nên những ảnh hưởng xấu như: Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nhập hàng hoá với giá đắt sẽ làm cho lạm phát tăng cao; VND mất giá sẽ khiến Việt Nam kém hấp dẫn hơn đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI... Việc Ngân hàng Nhà nước chủ trường tăng lãi suất cơ bản nhằm hạn chế nguồn cung VND có ý nghĩa cải thiện giá trị VND, hạn chế áp lực tỉ giá gây biến động xấu cho nền kinh tế vĩ mô.
Ở góc độ vĩ mô, cùng với sự thiệt hại do thiên tai lũ lụt mang lại, cũng như sự tăng mạnh của giá vàng và mất giá của VND đã làm cho tình hình lạm phát những tháng cuối năm 2010 đang trở nên khó kiểm soát. CPI cả nước tháng 10.2010 đã tăng 7,58% so tháng 12.2009. Như vậy mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 8% là gần như không thể đạt được. Việc tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là nhằm thắt chặt tiền tệ và hạn chế rủi ro vĩ mô.
Như vậy, việc tăng lãi suất cơ bản thêm 1% lên mức 9%/năm được đánh giá là một chính sách tích cực nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn. Quan tâm của dư luận là tác động của chính sách này như thế nào lên thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán – cơ hội cho đầu tư dài hạn?
Trong lần tăng lãi suất cơ bản cách đây gần 1 năm của Ngân hàng Nhà nước (1.12.2009) đã khiến cho VN - Index có một sự sụt giảm mạnh trong vòng nửa tháng từ 513 điểm xuống 434 điểm (-15,4%), nhưng ngay sau đó VNIndex đã có một đợt sóng tăng mạnh từ 434 điểm lên 540 điểm (+24,4%) . Như vậy, có thể thấy rằng việc tăng lãi suất cơ bản về ngắn hạn thì nó có thể sẽ có những tác động xấu đến thị trường chứng khoán vì khi có chính sách tăng lãi suất cơ bản thì thường nền kinh tế đang phải trải qua giai đoạn xấu với các vấn đề về tín dụng, lạm phát..., nhưng về trung và dài hạn thì việc tăng lãi suất cơ bản là một chính sách vĩ mô tốt giúp giải quyết các vấn đề vĩ mô, và thị trường chứng khoán sẽ có những diễn biến tích cực hơn trong trung và dài hạn.
Và quá khứ đang lặp lại phần đầu tiên của nó. Với những vấn đề vĩ mô tương tự như những tháng cuối năm 2009, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất cơ bản lên 9%/năm và VN - Index đã phản ứng ngay khi có một đợt giảm bắt đầu từ ngày 5.11.2010 từ 452 điểm xuống 426 điểm (-5,8%) cũng trong vòng nửa tháng.
Nhìn về trung và dài hạn thì VN- Index sẽ có những diễn biến tốt hơn khi các vấn đề vĩ mô dần ổn định trở lại, và đây đang là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư dài hạn cũng như những nhà đầu tư giá trị.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com