![]() |
Do nhu cầu chi trả tiền mặt lên cao vào thời điểm cuối năm Âm lịch, hiện các ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản |
Gần đây một tờ báo có trích dẫn lời một chuyên gia ngân hàng rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới. Chẳng những doanh nghiệp – người chịu tác động trực tiếp từ việc tăng lãi suất cơ bản – như “ngồi trên đống lửa”, mà ngay cả giới ngân hàng cũng “đứng ngồi không yên”.
Ngân hàng lo
Liên quan đến câu chuyện lãi suất cơ bản, mối lo lớn nhất của các ngân hàng chính là việc làm sao khơi thông được nguồn vốn. Ngân hàng hiện vẫn khó huy động vốn, cho dù đầu tháng 12/2009 lãi suất cơ bản đã được điều chỉnh lên mức 8%/năm. Tuy vậy, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng lại cho rằng, việc ngân hàng khó huy động vốn không phải chuyện năm nay mới xảy ra mà có tính chất chu kỳ vào cuối các năm, do nhu cầu rút tiền từ nền kinh tế tăng đột biến…
Nhận định về những đồn đoán tăng lãi suất cơ bản, bà Hương cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh lãi suất cơ bản theo hướng nào cũng sẽ phải tính tới nhiều yếu tố, trong đó CPI là một yếu tố quan trọng. Sau thời gian dài được hỗ trợ lãi suất với chi phí vốn vay chỉ 6%/năm, nay gói hỗ trợ lãi suất chấm dứt, lãi suất cơ bản ở mức 8%/năm, doanh nghiệp phải chịu lãi vay 12%/năm, tiếp tục tăng lãi suất cơ bản nữa (lên 10%/năm - PV) , đồng nghĩa với việc lãi vay của doanh nghiệp tới 15%/năm. Bà Hương cho rằng, với mức lãi suất cao như thế, doanh nghiệp không thể kinh doanh hiệu quả, và do đó mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ khó mà thực hiện được.
Về lý thuyết, nếu so với mức lạm phát 6,8%, lãi suất tiết kiệm hiện đã thực dương ở tỷ lệ khá lớn. Nếu tăng lãi suất cơ bản sẽ kéo theo lãi suất huy động tăng. Thế nhưng, bà Hương tin rằng điều này không đồng nghĩa với việc tiền sẽ chảy mạnh hơn vào hệ thống ngân hàng. Vì những lo ngại này mà khi được hỏi, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng đồng tình với quan điểm của bà Hương. Không ít vị đại diện ngân hàng còn nêu lên quan điểm, không nên điều chỉnh lãi suất cơ bản, thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước nên bỏ hẳn cơ chế điều hành bằng lãi suất cơ bản.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Vietbank chia sẻ, lãi suất cần được điều tiết bằng quan hệ cung - cầu và cơ chế thị trường. Ông Hưng nói: “Ở đâu đó người ta sợ rằng nếu bỏ trần lãi suất sẽ xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi. Nhưng chúng ta hãy nhìn thị trường điện thoại di động. Khi có sự tự do cạnh tranh thì giá cước càng ngày càng giảm”. Theo ông Hưng, do ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên họ phải tính đến hiệu quả kinh doanh, vì vậy họ huy động bao nhiêu thì phải cho vay bấy nhiêu chứ không thể huy động vốn bằng mọi giá để rồi “chôn” vốn ở ngân hàng mà không cho vay được.
Để giảm căng thẳng trên thị trường tiền tệ, giải pháp tự do hóa lãi suất được các chuyên gia khuyến nghị là thích hợp nhất. |
Việc tự do hóa lãi suất sẽ góp phần tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng. Như vậy, theo quy luật, cạnh tranh càng mạnh thì người tiêu dùng và nền kinh tế chung càng có lợi. Doanh nghiệp nào không thể cạnh tranh được sẽ không thể tồn tại, và đó là bình thường, ông Hưng bình luận.
Doanh nghiệp còn lo hơn
Doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ lại càng lo hơn trước các thông tin về điều chỉnh lãi suất cơ bản. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cho rằng, tỷ lệ lạm phát trong năm 2010 khó có thể ở mức 7%. Do chính sách kích thích kinh tế, dòng tiền ở các quốc gia đều đổ ra nhiều, lạm phát tăng cao hơn, và nếu Việt Nam kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 10% là tốt. Vì vậy ông Tâm cho rằng, trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn cũng là điều bình thường. Trường hợp lãi suất cơ bản tăng, chi phí vốn tăng cao và khó tiếp cận hơn chắc chắn ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, vì hiện tại vốn vay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn đầu tư của các doanh nghiệp.
Lo ngại trước bối cảnh khó vay vốn từ ngân hàng, một số doanh nghiệp đã tính đến chuyện tìm nguồn vốn từ những kênh khác ngay từ đầu năm. Ông Đặng Hoàng Huy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Bê tông Xuân Mai cho biết công ty ông cũng đã tính đến phương án tăng vốn điều lệ và hiện đang chờ thông qua trong Đại hội cổ đông năm 2010 này. Lý giải về điều này, ông Huy cho biết, trên thực tế nguồn vốn cung cấp cho sản xuất kinh doanh của Công ty chủ yếu là từ các hợp đồng tín dụng vốn lưu động. Với chủ đầu tư các dự án bất động sản thì có thể huy động vốn từ người mua nhà khi dự án hoàn thành phần móng. Áp lực tài chính chủ yếu là trong giai đoạn đầu triển khai dự án. Với quy mô hiện tại thì công ty ông có thể hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu về vốn cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của mình. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, bài toán vốn vẫn được Công ty đặt ra.
Trước những diễn biến kể trên của thị trường, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhận xét: “Hiện cả ngân hàng và doanh nghiệp đều không trông chờ vào khả năng tăng lãi suất cơ bản. Bởi việc điều chỉnh này mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề”. Theo vị chuyên gia này, để giảm căng thẳng trên thị trường tiền tệ hiện nay, giải pháp tự do hóa lãi suất vào thời điểm này là thích hợp nhất. Bởi theo ông, mặc dù khi đó mặt bằng lãi suất sẽ cao, lãi suất huy động sẽ phụ thuộc vào mức độ lạm phát của nền kinh tế, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng cao, nhưng sẽ phù hợp với mức độ rủi ro của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Như vậy, những doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao sẽ phải vay với mức lãi suất cao hơn so với những doanh nghiệp ít rủi ro. Điều này là bình thường và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
(Theo Hải Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com