Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao giá vàng trong nước chậm nhịp thế giới?

Quan sát diễn biến giá vàng gần đây (biểu đồ bên dưới) dễ dàng nhận thấy giá trong nước thường thấp hơn, và biến động chậm hơn giá thế giới. Dòng chảy thị trường vàng đang nghẽn, khiến cho mối lợi rơi lọt vào túi những người biết cửa đưa vàng ra thế giới.


Chế tác vàng trong một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật

Các chức năng công cụ đầu tư, thanh toán của vàng đang giảm dần trong đời sống thị trường.

Ở công cụ thanh toán, các hoạt động mua bán nhà, bất động sản hiện nay hầu hết đều thanh toán bằng tiền đồng. Ba năm trở lại đây hiếm thấy doanh nghiệp bất động sản nào rao bán căn hộ tính theo giá vàng.

Còn trong lĩnh vực trang sức, vai trò của vàng cũng đã giảm khi các nhà sản xuất nữ trang liên tục tung ra các dòng sản phẩm làm từ vàng 10 – 12K, áp dụng kỹ thuật chế tác mới. Bên cạnh đó, việc định giá trang sức theo món, theo thương hiệu khiến cho người mua khi cần bán phải chịu lỗ từ 30 – 40%.

Ở công cụ đầu tư, sàn vàng đã đóng cửa. Các ngân hàng cũng không còn mặn huy động vàng do không có đầu ra nên lãi suất huy động vàng vào ngân hàng từ mức 4,5 – 5%/năm xuống còn 0,05%/năm. Trước đây, thời kỳ lãi suất cao (năm 2008) và khó vay, doanh nghiệp còn vay vàng đổi lấy tiền đồng. Nay doanh nghiệp không vay vàng vì ngại rủi ro giá vàng biến động.

Qua thời lướt sóng

Tuy giá vàng trong nước vẫn theo nhịp lên xuống của thị trường vàng thế giới, song có độ trễ và xuất hiện chênh lệch giá khá bất thường. Có lúc, vàng trong nước cao hoặc thấp hơn thế giới, với chênh lệch giá từ 200.000 tới 300.000 đồng mỗi lượng. Có khi mức chênh lệch lên tới trên 500.000 đồng mỗi lượng. Giới kinh doanh giải thích rằng sự chênh lệch này chủ yếu do không còn sự liên thông. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có tính toán, khi giá vàng thay đổi bất thường, thì khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra thường được bên mua nới ra. Điều này khiến cho người muốn lướt sóng vàng khó có cơ hội thu lời lớn. Những người từng lướt sóng vàng cũng có trải nghiệm không mấy tốt đẹp qua các đợt sóng vàng, giờ cũng ít tham gia. Từ tháng 3 đến nay, hầu hết các tiệm vàng chúng tôi tiếp xúc đều cho biết lượng giao dịch giảm. Số lượng thống kê ở hai doanh nghiệp lớn là PNJ và SJC cũng thể hiện điều này. Trước tết năm ngoái, lúc sôi động giao dịch của SJC và PNJ cộng lại lên tới 40.000 – 50.000 lượng mỗi ngày. Còn trong hai ngày 8 và 9.6 vừa qua – những ngày được xem là giao dịch sôi động, cũng chỉ 4.000 – 6.000 lượng mỗi ngày.

Hoạt động sôi nổi, từng mang lại lợi nhuận cao cho giới kinh doanh vàng là chốt giá mua bán với nhau, nay cũng đã giảm hẳn. Bà chủ tiệm vàng Kim Hoàn ở chợ Bàn Cờ kể: “Giá bây giờ biến động quá bất thường, gần như không chủ tiệm nào dám ôm vàng để qua đêm. Lúc nào cũng hai tay hai máy điện thoại, đầu này vừa mua vô thì đầu kia phải kiếm chỗ bán ngay lập tức”.

Sau vụ bể nợ ở một vài doanh nghiệp có tiếng trong giới kinh doanh vàng, hoạt động hùn vốn của nhiều tiệm vàng nhỏ cùng lướt sóng vàng vật chất theo các đầu mối lớn gần như không còn. Các kiểu kinh doanh như gửi vàng của tiệm này cho tiệm kia xoay vòng lấy lãi mỗi lượng kiếm thêm từ 30.000 – 40.000 đồng mỗi ngày ít xảy ra hơn. Ngay ở doanh nghiệp lớn như PNJ, thì trạng thái cân bằng giữa mua và bán hiện nay không tính theo ngày, mà chỉ còn chừng ba giờ đồng hồ cho mỗi vòng xoay vốn.

Cửa ra xuất khẩu

Bà Nguyễn Phạm, một trong những mối mua bán vàng sỉ ở Việt Nam hiện nay nhận xét: “Giá lên hay xuống trong nước thời gian gần đây phụ thuộc vào lực mua bán của những đơn vị nắm giữ nguồn vốn lớn cả ngàn tỉ đồng trở lên”. Chẳng hạn hôm 8 và 9.6 vừa qua, lúc giá vàng thế giới tăng vọt thì các đơn vị này không vội mua, nên giá trong nước chỉ nhích lên chầm chậm. Đến lúc khoảng cách chênh lệch đạt đến trên 400.000 đồng/lượng thì trong khoảnh khắc họ áp dụng hai tay hai máy điện thoại, tay này bung lệnh mua, tay kia họ chốt giá bán liền cho nước ngoài, hàng sẽ giao sau khi chế tác thành “nữ trang”. Nhưng khi giá trong nước đã tăng lên, thì họ giảm mua ngay. Ngoài ra, thời gian giao hàng phụ thuộc vào thời gian chế tác. Cách mua bán như vậy khiến cho giá vàng trong nước lệch nhịp với bên ngoài về thời gian cũng như mức giá.

Giới kinh doanh vàng cho biết, một cửa khác là xuất lậu. Tuy nhiên, phải sau 72 giờ mới có thể giao hàng đến nơi, nên cửa này khá hẹp. Phải có đầu mối ở nước ngoài chốt giá mua, mới làm được. Còn nếu cứ mua khi thấy giá trong nước thấp để xuất đi, thì có khi không kịp, vì giá thế giới đang trồi sụt rất nhanh.

Tổng giao dịch vàng cá nhân trong quý 1 hơn 620 triệu USD

Tiêu thụ vàng cá nhân trong quý 1/2010 của Việt Nam, theo báo cáo ra ngày 26.5.2010 của hội đồng Vàng thế giới, là 628 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vàng nữ trang chỉ chiếm 26,7%, còn lại là mua bán để đầu tư. Trong khi tăng trưởng tiêu thụ vàng nữ trang chỉ tăng 46% thì tăng trưởng tiêu thụ đầu tư tăng 66%. Tính ra, quý 1 vừa qua, có 19,1 tấn vàng giao dịch trên thị trường, trong đó nhu cầu đầu tư là 14,1 tấn.

Tiêu thụ vàng cá nhân, theo quan điểm trong báo cáo của hội đồng Vàng, tổng lượng giao dịch vàng nữ trang và đầu tư trong một nước do các cá nhân thực hiện giao dịch. Đầu tư được hiểu là giao dịch mua vàng miếng, thỏi, tiền vàng. T.L

 

( Theo Bích Thuỷ // SGTT Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Đẩy mạnh huy động vốn tư nhân
  • Gian nan tăng vốn ngân hàng
  • Nhà chung cư: chuyện dài nhiều tập!
  • Cách gì gỡ rối thị trường lãi suất?
  • Nợ công - đừng để cháy nhà mới lo dập lửa
  • IMF: Việt Nam cần một chính sách tiền tệ ổn định
  • Giới đầu tư phấp phỏng chờ quy hoạch Thủ đô
  • “Căng thẳng thị trường sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!