Các chuyên gia vẫn đặt cược vào khả năng tăng giá của vàng trong dài hạn. Ngay trong tuần này, sau những đợt giảm giá mạnh, quý kim này có khả năng sẽ phục hồi nhẹ vào ngày cuối tuần.
THÔNG TIN TƯ VẤN TRONG NGÀY
• “Án binh bất động” – thị trường chờ tin doanh số bán lẻ Mỹ.
• Vàng giảm giá trước những tin tức liên quan đến Trung Quốc.
• Báo cáo hàng tháng của NHTW Châu Âu tiếp tục thể hiện sự thận trọng.
• USD/JPY nhiều khả năng giảm điểm khi thị trường tất toán trạng thái.
1. “Án binh bất động” – thị trường chờ tin doanh số bán lẻ Mỹ.
Trước thời điểm một số liệu kinh tế quan trọng và cũng trong điều kiện không có nhiều thông tin quan trọng chi phối, thị trường ngoại hối hôm qua tiếp tục bước vào ngày giao dịch trầm lắng với sự chuyển dịch trong biên độ tương đối hẹp của các cặp tiền tệ chính như EUR/USD, USD/JPY…
Diễn biến thị trường được dự báo sẽ được khuấy động trong ngày hôm nay với chất xúc tác là kết quả doanh số bán lẻ Mỹ tháng 2. Và những gì thị trường kỳ vọng là một con số đẹp trong doanh số đạt được của các doanh nghiệp Mỹ để tự tin mua vào đồng USD khi bức tranh kinh tế Mỹ đã và đang được phác thảo qua các chỉ số kinh tế ngày càng sáng sủa. Các ngành sản xuất, chế tạo đang trong thời kỳ hồi phục, thị trường lao động được cải thiện (chứng minh qua bảng lương và tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 giữ nguyên ở mức 9.7%), mấu chốt quan trọng hiện nay để khẳng định kinh tế Mỹ đã hồi phục tốt chính là doanh số bán lẻ này. Theo như các nhà bán lẻ cá nhân, chi tiêu tiêu dùng thời gian qua không quá thất vọng với mức tăng doanh số đáng khích lệ. Cũng theo Ủy ban Quốc tế của Trung tâm thương mại (ICSC) và kết quả khảo sát của Johson Redbook, doanh số bán lẻ tháng 2 vừa qua tiến triển tốt. Ngoại trừ cơn bão xảy ra tại vùng Đông Bắc nước Mỹ khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa và việc giá gas tăng cao trong tháng 2 làm giảm niềm tin của các nhà phân tích về một kết quả ấn tượng của doanh số bán lẻ, sự gia tăng mạnh mẽ trong mức chi tiêu tiêu dùng chính là cơ sở để các nhà phân tích thuộc ICSC tự tin báo cáo mức tăng doanh số bán lẻ tháng 2 là mức cao nhất kể từ cuối năm 2007. Đồng USD được dự báo sẽ lấy sức bật tốt trên thị trường nếu quả thực doanh số bán lẻ công bố khả quan.
2. Vàng giảm giá trước những tin tức liên quan đến Trung Quốc.
Sau những biến động mạnh trong ngày, giá vàng lại tiếp tục dậm chân tại vạch xuất phát ở mức 1108USD/Oz. Tác động tiêu cực đối với giá vàng đến từ tin tức về tình hình lạm phát ở Trung Quốc và khả năng chính phủ nước này sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu Trung Quốc có thể kiềm chế tốt lạm phát bằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ, khả năng lạm phát trên toàn thế giới sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định việc thị trường chứng khoán rung lắc mạnh trong những ngày qua cũng khiến tâm lý các nhà đầu tư bất ổn và trong bối cảnh này, họ không hướng sự chú ý vào vàng khi đồng USD đang mạnh lên trong thời gian gần đây. Dòng tiền đầu tư đang có xu hướng chảy vào các quỹ kinh doanh ngoại hối. Dữ liệu hôm qua cũng cho thấy quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust đã giảm lượng vàng nắm giữ của tổ chức này xuống 0.609 tấn.
Cũng trong ngày hôm qua, giá dầu tăng lên mức 82USD/thùng nhờ vào kỳ vọng nhu cầu năng lượng trên thế giới sẽ tăng lên khi kinh tế thế giới phục hồi mà dẫn đầu là nền kinh tế Mỹ. Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu OPEC cũng xác nhận sự tăng lên của số đơn đặt hàng vào cuối tháng nhờ vào nhu cầu tiêu thụ mạnh của Trung Quốc.
Các chuyên gia vẫn đặt cược vào khả năng tăng giá của vàng trong dài hạn. Ngay trong tuần này, sau những đợt giảm giá mạnh, quý kim này có khả năng sẽ phục hồi nhẹ vào ngày cuối tuần.
3. Báo cáo hàng tháng của NHTW Châu Âu tiếp tục thể hiện sự thận trọng.
Đồng EUR tiếp tục lên giá ngày thứ hai liên tiếp so với đồng USD mặc dù báo cáo hàng tháng của NHTW Châu Âu (ECB) hôm qua khá ôn hòa. Theo đó, ECB cho biết lãi suất hiện vẫn khá phù hợp và áp lực lạm phát không lớn. Mặc dù NHTW đang kì vọng sẽ rút dần khoản tiền kích cầu, nhưng sự phục hồi kinh tế chậm và thất thường đang cho thấy viễn cảnh nền kinh tế vẫn không có gì chắc chắn. So với các quốc gia còn lại, Eurozone đang đối mặt với những rủi ro rất đặc trưng và cụ thể là câu chuyện thâm hụt ngân sách lớn tại liên minh này đang "tạo thêm gánh nặng lên chính sách tiền tệ". Những quan điểm này hoàn toàn giống với những gì chủ tịch ECB - ông Trichet đã phát biểu vào đầu tháng này và nó xác nhận lại rằng ECB sẽ không vội vàng thực hiện bất cứ sự thắt chặt nào trước khi các rủi ro về vỡ nợ quốc gia dịu xuống. Hôm nay, sản lượng công nghiệp tháng 1 của Eurozone sẽ được công bố, trong đó kì vọng hoạt động sản xuất của Đức và Pháp sẽ được cải thiện và cũng như toàn bộ khu vực. Trong lúc đó, NHTW Thụy Sỹ (SNB) tiếp tục giữ nguyên lãi suất không đổi ở mức 0.25%, những bình luận từ chủ tịch SNB - ông Hildebrand giúp tỉ giá EUR/CHF tăng nhẹ sau khi ông cảnh báo rằng chính phủ sẽ hành động quyết liệt để ngăn ngừa việc lên giá của đồng CHF. SNB vừa nâng dự báo tăng trưởng và lạm phát nhưng những tin tức tốt này dường như bị lu mờ trước các bình luận rằng giảm phát vẫn đang ở ngưỡng nguy hiểm và sự hồi phục kinh tế tiếp tục mong manh. Hôm nay, khu vực Eurozone không có báo cáo kinh tế nào đáng chú ý, tuy nhiên khả năng tỉ giá EUR/USD sẽ tiếp tục tăng bởi báo cáo doanh số bán lẻ tháng 2 phát đi từ nền kinh tế Mỹ dự báo sẽ không mấy khả quan.
4. USD/JPY nhiều khả năng giảm điểm khi thị trường tất toán trạng thái.
Hôm qua, mặc dầu giảm điểm so với EUR, GBP và CHF nhưng JPY cũng có một ngày giao dịch khá thành công khi tăng điểm mạnh so với NZD và tăng điểm nhẹ so với USD, CAD và AUD. Tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ giao dịch của cặp tỷ giá USD/JPY cho thấy làn sóng đầu tư rủi ro khá vắng bong trên thị trường bất chấp sự khởi sắc của TTCK Mỹ mà nhất là sự lên giá của cố phiếu khối tài chính ngân hàng. Cuối giờ chiều hôm qua Nhật cũng đã công bố kết quả GDP quý 4. Theo báo cáo này, kinh tế Nhật vẫn tăng trưởng khá ì ạch và thấp hơn nhiều so với mong đợi. Chỉ số này chỉ tăng 0.9% thấp hơn 0.2% so với dự báo. Nguyên nhân chính được lý giải chính là sự suy thoái trong kinh doanh của khối tư nhân cùng với sự giảm mạnh của tiêu dùng. Thể hiện sự nuối tiếc, Bộ trưởng Bộ tài chính Nhật Naoto Kan phát biểu, “bằng những nỗ lực và phối hợp với BOJ, với sự tăng giá trong thời gian gần đây, tôi hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện trong năm tới”. Phát biểu này của ngài Naoto được căn cứ từ kết quả của chỉ số giảm phát PCE gần đây. Được biết, chỉ số này đã giảm 2.8% trong quý 4 cho thấy sự giảm phát của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã bớt đi phần nào. BOJ sẽ họp bàn về lãi suất tuần sau và nhiều khả năng sẽ “mở rộng” bảng cân đối khi cung cấp them một khoản tín dụng lên đến 110 triệu USD cho các NHTM. Tuy vậy, các quan chức chính phủ khác của quốc gia này vẫn tỏ ra khá bi quan về viễn cảnh của Nhật. Theo ngài Hirano, một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật, nền kinh tế sẽ vẫn ở trong tình trạng ảm đạm bất chấp sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Hôm nay, những báo cáo về sản xuất công nghiệp tại Nhật sẽ được công bố. Trong khi đó, tại Mỹ, doanh số bán lẻ trả trước cũng được báo cáo. Nhiều khả năng doanh số bán lẻ sẽ không làm hài lòng thị trường. Do vậy, rất có thể thị trường mua vào JPY để bảo toàn vốn
(giavang)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com