Không hẹn mà gặp, trả lời phỏng vấn ngay sau khi Chính phủ mới ra mắt, cả tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đều sử dụng cụm từ "Chính sách tiền tệ chặt chẽ".
Từ trước tới nay, chúng ta chỉ quen nghe "chính sách tiền tệ thắt chặt". Cái gì nghe lâu cũng thành quen và chấp nhận nó như là một chân lý, dù lắm khi cái "lý" đó chưa chắc đã là "chân".
Trong tiếng Anh, cụm từ tương ứng với "chính sách tiền tệ thắt chặt" là "tighten monetary policy". Về mặt ngôn ngữ đơn thuần, cách chuyển ngữ như thế là chính xác và không có gì đáng phải bàn cãi. Nhưng, điều đáng nói ở đây là vấn đề tư duy. Tiếng Việt của chúng ta vốn rất phong phú về mặt ngữ nghĩa, nên có những cụm từ mà nếu chỉ thoáng nghe qua thì tưởng chừng như không có gì khác biệt nhưng nếu ngẫm kỹ thì lại không hẳn như vậy.
Trong tiếng Việt, khi nói đến "thắt chặt", theo nghĩa đen, người ta nghĩ ngay đến hành động siết (thít) một vật gì đó cho thật chặt. Còn "chặt chẽ" lại bao hàm một ý nghĩa rất khác biệt, là "gắn kết, khăng khít" (ví dụ: quan hệ chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ,..) hoặc là "sát sao, nghiêm ngặt" (ví dụ: chỉ đạo chặt chẽ, giám sát chặt chẽ,...).
Trên thực tế, mỗi khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện "chính sách tiền tệ thắt chặt" thì các doanh nghiệp đều "nghẹt thở", thậm chí có không ít doanh nghiệp bị "tắc thở"! Điều này cũng dễ hiểu vì mục tiêu của "chính sách tiền tệ thắt chặt" là nhằm giảm mức lạm phát thông qua việc giảm lượng cung tiền trong lưu thông. Hệ quả là các doanh nghiệp phải chấp nhận đi vay với mức lãi suất cao ngất ngưởng hoặc thậm chí không thể tiếp cận được với nguồn tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, việc thực thi "chính sách tiền tệ thắt chặt" đòi hỏi phải hết sức khéo léo, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả ngoài mong muốn như: đẩy các tổ chức tín dụng vào cuộc đua tăng lãi suất; tạo áp lực lên tăng trưởng và việc làm; gây trở ngại đối với việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp; sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản;... Vì vậy, thực thi "chính sách tiền tệ thắt chặt" không đơn thuần chỉ là việc "siết cho cho thật chặt" lượng cung tiền, mà là phải điều tiết nó như thế nào cho hợp lý. Có như vậy thì mới giảm thiểu được những mặt trái của "chính sách tiền tệ thắt chặt".
Người viết hoàn toàn tán thành với quan điểm của ông Vũ Viết Ngoạn- Tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, rằng "chính sách tiền tệ thắt chặt chỉ có hiệu quả một khi có sự phối hợp đồng bộ của chính sách tài khóa".
Thực tế trong thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến "chính sách tiền tệ thắt chặt" không đạt được mục đích như mong muốn là do tình trạng "đồng sàng dị mộng", thậm chí là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ, trong khi thực thi chính sách tài khóa là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Như vậy, để đạt được mục tiêu chung là ổn định và phát triển kinh tế, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Khi trả lời phỏng vấn, ông Vương Đình Huệ cũng đã đề cập đến sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Về phần mình, dù không nói rõ vấn đề này, nhưng qua cách thể hiện cũng có thể thấy ông Nguyễn Văn Bình rất tán đồng quan điểm của ông Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, để có thể biến quan điểm đó thành hiện thực, thiết nghĩ hai vị "Tư lệnh" của ngành Tài chính và Ngân hàng cần xây dựng được một cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Người viết tin rằng, là những người được đào tạo bài bản (cả hai ông đều là Tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài) và bước đầu thể hiện "tư tưởng lớn gặp nhau", hai vị tân "Tư lệnh" của hai ngành trọng yếu của nền kinh tế sẽ tìm được tiếng nói chung trong điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.
Còn quá sớm để có thể đánh giá về những đổi mới tích cực trong điều hành chính sách của hai vị tân "Tư lệnh". Nhưng có một điều chắc chắn, đó là khi "bản hợp xướng" của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được tấu lên một cách bài bản, nhịp nhàng thì triển vọng của một nền kinh tế ổn định và phát triển bền vững sẽ trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.
Vâng, chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất và chúng ta hãy cùng chờ xem.
-----------------------------------
Tác giả: Doãn Hữu Tuệ // Tuần Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com