Bên cạnh lãi suất huy động, lãi suất giao dịch VND trên thị trường liên ngân hàng từ tháng 11 đến nay luôn có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn. Mức lãi suất cho vay trên thị trường này hiện đã đến 12%/năm.
Thị trường tài chính đang tỏ ra lo ngại về hiện tượng lãi suất (LS) ngân hàng đang có dấu hiệu bất thường. Cần ổn định LS để ổn định thị trường tài chính và nền kinh tế.
Có 3 loại LS liên quan mật thiết với nhau và liên quan đến chính sách tiền tệ (CSTT) chống lạm phát: LS tiền gửi của NH thương mại (NHTM), LS cho vay của NHTM và LS trên thị trường liên NH. Mức độ nóng của 3 loại LS này hiện đang khác nhau.
Về LS cho vay bị khống chế bởi lãi suất cơ bản (LSCB), LS cho vay thỏa thuận bị nhiều ràng buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên không thể tăng quá mức, trong khi cầu về vốn tín dụng trong nền kinh tế vẫn cao nhất là giai đoạn cuối năm khi các DN đang vội vã hoàn thành kế hoạch kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng, nên nếu LS cho vay lúc này không nóng, không phản ánh được thực trạng của giá cả tín dụng vì bị ảnh hưởng bởi các rào cản kỹ thuật từ cơ quan quản lý là NHNN.
Với LS huy động: Hiện ở mức cao kể cả VND và ngoại tệ. LS huy động dù có sự đồng thuận của Hiệp hội NH nhằm khống chế ở một mức nào đó, nhưng vẫn có xu hướng vượt trần, chỉ chực chờ bung ra mà thôi, khoảng chênh lệch mức LS huy động giữa các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng... 12 tháng là không đáng kể, xấp xỉ mức kịch trần 10,5% chỉ chứng tỏ sự “khát vốn” của các NHTM trong bối cảnh hiện tại.
Có một điều dễ nhận thấy là cứ trần LS mở đến đâu là LS huy động tăng đến đó. LS trên thị trường liên NH: Về bản chất thị trường liên NH chỉ là nơi cung cấp vốn cho NHTM bù đắp việc thiếu hụt thanh khoản tạm thời trong một thời gian rất ngắn. Đây không phải là một thị trường để NHTM chú trọng đầu tư nên cũng không phải là thị trường huy động vốn cho hoạt động kinh doanh của NHTM.
Trong bối cảnh bình thường: Các NHTM thỉnh thoảng thiếu hụt thanh khoản thì mới đi vay mượn, do bên vay là NHTM nên uy tín nhiều hơn so với các DN nói chung, Người cho vay và đi vay đa số là các NH thừa và đủ thanh khoản, vì thế mà LS trên thị trường này thường là thấp hơn LS huy động vốn trên thị trường dân cư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mức LS trên thị trường này đã lên đến trên 12%/năm, cao hơn cả trần LS huy động trong dân cư của các NHTM.
Bất bình thường trong giai đoạn kinh tế bình thường
Vấn đề đặt ra hiện nay là thị trường liên NH lại đang có dấu hiệu bất bình thường vào lúc mà nền kinh tế đã thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm nhất? Từ tháng 11.2009 đã có NH rút dư nợ cho vay nền kinh tế về để vừa đảm bảo thanh khoản, vừa có nguồn tiền cho vay trên thị trường liên NH với mức LS cao nhất cho 12%/năm, quá cao so với LS huy động dân cư với mức tối đa 10,5%.
Nếu so sánh thì thấy nguồn vốn vay trên thị trường liên NH là nguồn vốn ngắn hạn, không bền vững trong khi đó huy động vốn trong nền kinh tế với mức trên 10% thường có tính dài hạn, ổn định hơn. LS vay trên thị trường liên NH 12% là đắt hơn rất nhiều so với LS huy động vốn hiện tại. Vì thế mà các NHTM hiện đang có khuynh hướng bung LS huy động từ dân cư và các tổ chức khác để có nguồn vốn bù đắp cho nguồn thiếu hụt đang phải vay trên thị trường liên NH.
Một số nguyên nhân được đưa ra như sau: Một số NHTM quá chú trọng kinh doanh mà không để ý nhiều và đúng mức đến quản trị thanh khoản, điều này dẫn đến rủi ro lâu dài cho hệ thống và cho cả nền kinh tế; Một số NH sử dụng vốn kinh doanh quá lệch về đầu tư trung dài hạn trong khi nguồn vốn huy động được phần nhiều là ngắn hạn, nên dễ có nguy cơ bị lâm vào tình trạng mất thanh khoản.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng chưa chú ý đến mối quan hệ giữa thị trường liên NH với TTCK và thị trường vàng mà có cách ứng xử thích hợp. Phải thấy rằng mỗi khi TTCK bùng nổ thì thanh khoản của nhiều NHTM lại bị thiếu hụt, đó là do sự luân chuyển vốn tiền gửi giữa các NHTM với nhau.
Giải pháp hạ nhiệt lãi suất
Nhiều người, trong đó có các NH, đang lo lắng rằng LS năm 2010 có khả năng tái diễn đà tăng như năm 2008 vì Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo lạm phát của VN có thể tăng từ 7% năm 2009 lên mức hai con số vào năm 2010.
Về vấn đề này, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia - cho rằng, không có khả năng đó vì lạm phát của VN năm 2009 chỉ khoảng 6%. Năm tới có thể cao nhất chỉ 8%.
Theo ông Nghĩa, mặc dù tín dụng tăng khá cao (11 tháng là 36% so cuối năm 2008) nhưng đây không phải là yếu tố trực tiếp tạo ra lạm phát, mà yếu tố trực tiếp là cung ứng tiền tệ. Tỉ lệ này năm 2009 được NHNN duy trì ở mức 25%, là mức khá hợp lý, thấp hơn nhiều so với 2007 là 36%, chỉ cao hơn chút ít so với năm 2008 là năm thắt chặt tiền tệ.
Hơn nữa, WB cũng dự báo mặt bằng giá thế giới năm 2010 chỉ tăng 1,5% so với năm 2009. Nhóm hàng dự báo có tăng giá chút ít là lương thực thực phẩm. Nhìn từ hai phía, lạm phát cầu kéo do cung tiền hoặc lạm phát chi phí đẩy do giá thế giới đều thấp, đó là sự khác biệt so với năm 2008.
Như vậy, theo ông Nghĩa, mặc dù nhiều chuyên gia cảnh báo mạnh về nguy cơ lạm phát, nhưng để phục hồi hoàn toàn nền kinh tế thì thế giới phải mất ít nhất 3 - 4 năm. Trong khoảng thời gian đó, giá cả thế giới nói chung và VN nói riêng khó có thể có đột biến.
Nếu đúng như vậy thì phải có sự nhìn nhận nguyên nhân tại sao LS huy động VND từ thị trường dân cư, tổ chức và thị trường liên NH hiện nay lại luôn trong tình trạng khá căng thẳng?
Theo một số chuyên gia tài chính thì một số giải pháp gợi ý là: Buộc hạ LS trên thị trường liên NH xuống ngang bằng/ hoặc thấp hơn một ít so với LS tiền gửi tiết kiệm 12 tháng trả sau bình quân trên thị trường. NHNN hỗ trợ cho các NHTM thiếu thanh khoản vay thông qua nghiệp vụ thị trường mở với LS bậc thang theo hình thức phạt (vay càng dài, LS càng cao); những NHTM thường xuyên thiếu thanh khoản với số dư bình quân ở một mức nào đó thì sẽ bị hạ bậc tín nhiệm trên thị trường liên NH và phải chịu LS vay cao hơn so với các thành viên khác...
Đâu là những dấu hiệu bất thường của thị trường?
Trong một bối cảnh bất thường thì thị trường có những dấu hiệu sau:
(i) Đa số các NHTM thiếu hụt thanh khoản, và việc thiếu hụt thanh khoản này lại xảy ra thường xuyên với khá nhiều NHTM, còn việc dư thừa thanh khoản chỉ là tạm thời của một số ít NHTM.
(ii) Có những NHTM thiếu hụt thanh khoản trầm trọng nhưng không được các NHTM thừa thanh khoản cho vay nếu không có sự đảm bảo từ NHNN.
(iii) Nhiều NHTM đã lạm dụng thị trường liên NH để “ứng trước nguồn vốn” cho hoạt động kinh doanh nhất là đầu tư tín dụng, sau đó huy động vốn để trả sau. Có những thời điểm lãi suất cho vay rất cao, vượt rất nhiều so với lãi suất cho vay tín dụng thương mại cao nhất trong nền kinh tế, thời hạn cho vay khá dài. Vì vậy, một số NHTM lớn (kể NHTM Nhà nước) đã xem thị trường liên NH là thị trường để đầu tư sinh lãi, sinh lãi cao lại an toàn hơn đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế.
( Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com