Ngày 9/8, sau ba tuần giám sát biến động của 25 đồng tiền của các nền kinh tế thị trường mới nổi, hãng tin tài chính Mỹ Bloomberg cảnh báo tất cả các đồng tiền này, trừ đồng nhân dân tệ Trung Quốc, đều đang giảm giá mạnh sau khi khủng hoảng nợ ở châu Âu và Mỹ cũng như giá hàng hóa giảm làm u ám triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
Theo Ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase, biến động của các đồng tiền của các nền kinh tế thị trường mới nổi đã tăng từ 8,9% ngày 20/7 lên 13,3% ngày 9/8, mặc dù trước đó các đồng tiền này hầu như không có biến động nào đáng kể trong vòng 10 năm qua.
Các nhà buôn bán ngoại tệ lo ngại nền kinh tế toàn cầu lại rơi vào trì trệ và việc các nền kinh tế chấm dứt tăng lãi suất có thể đã làm suy yếu tỷ giá hối đoái các đồng tiền.
Mike Moran, chiến lược gia tiền tệ của Ngân hàng Standard Chartered ở New York, Mỹ nhấn mạnh thị trường tiền tệ hiện đang được đánh giá về tăng trưởng rất khác nhau so với ba tháng trước đây. Quá trình đánh giá lại các giả thiết toàn cầu về nền kinh tế thế giới sẽ gây sức ép rất lớn đến ngoại hối của các thị trường mới nổi, đặc biệt trong ngắn hạn.
Các nhà buôn ngoại tệ lạnh nhạt nhất đối với đồng real của Brazil, sau đó là đồng rúp của Nga, zloty của Ba Lan, rand của Nam Phi, lira của Thổ Nhĩ Kỳ... So với đồng USD, đồng rand Nam Phi sẽ giảm 8,6% trong tháng 8/2011 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011, đồng rúp Nga giảm 7,3% xuống mức thấp nhất trong sáu tháng qua, đồng peso của Mexico giảm xuống mức thấp nhất kể tháng 12/2010, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm tới 19,5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2010.
Theo dự báo của Ngân hàng JPMorgan về các chỉ số biến động trong thị trường mới nổi, biên độ biến động của các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi sẽ lên tới 13,3% trong năm 2011 so với mức 8,5% ngày 8/8, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Các đồng tiền trong chỉ số này bao gồm đồng won Hàn Quốc, peso Mexico, real Brazil, zloty Ba Lan, rand Nam Phi, đôla Singapore...
Tuy nhiên, các nhà phân tích tiền tệ quốc tế nhấn mạnh cần phân biệt sự khác nhau giữa xu thế mất giá ngắn hạn của các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi với xu thế trung hạn đa dạng hóa hơn nữa các tài sản của các nền kinh tế này.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng ít nhất 6,5% hàng năm trong sáu năm tới trong khi các nền kinh tế phát triển G7 chỉ tăng hơn 2,5%.
Phần của các nước đang phát triển trong tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu sẽ vượt quá phần của các nền kinh tế phát triển vào năm 2013 tính theo sức mua. Tổng nợ của bốn nền kinh tế mới nổi lớn nhất là Nga, Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc chỉ chiếm 40% GDP trong khi tỷ lệ này của các nền kinh tế phát triển là 102%.
Cơ hội đang mở ra cho các nền kinh tế mới nổi và đồng tiền của họ sẽ tăng giá. Kịch bản xấu nhất là nền kinh tế Mỹ lại rơi vào suy thoái và nếu hiểm họa lớn nhất này xảy ra, các nền kinh tế thị trường mới nổi toàn cầu sẽ bị áp lực lớn để duy trì tăng trưởng./.
(TTXVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com