1. Sự hoài nghi về khả năng phục hồi kinh tế khiến thị trường đổ xô về với bạc xanh.
Bên cạnh những thông tin kém khả quan về triển vọng kinh doanh của các tập đoàn lớn thì đầu tàu kinh tế cũng phải hứng chịu nỗi thất vọng từ việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody, Fitch Ratings đều hạ mức xếp hạng trái phiếu của cả Mỹ lẫn Eurozone. Những yếu tố trên, cùng với những diễn biến xấu trên thị trường tín dụng mà cụ thể và vấn đề nợ tại Dubai chưa được giải quyết càng khiến cho giới đầu tư thêm lo ngại về sự phục hồi của kinh tế Mỹ và chuyển sang tài sản đầu tư an toàn. “Chúng ta đang thấy những dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu không hồi phục nhanh như chúng ta mong đợi, và vào những lúc bất ổn mọi người lại chạy sang USD – đồng tiền có tính an toàn.” Keith Springer – chủ tịch của Capital Financial Advisory Services tại Sacramento, California nhận xét.
Bởi vậy, mặc dầu phát biểu của ngài chủ tịch Fed B.Bernanke có thể hiện rằng Fed sẽ còn giữ lãi suất đồng bạc xanh ở mức thấp như hiện nay một thời gian nữa thì cũng không ngăn cản được sự tăng điểm mạnh mẽ của đồng tiền này trong ngày hôm qua.
Cùng với khả năng giữ lãi suất đồng USD ở mức thấp như hiện nay của Fed, chính phủ Mỹ hôm qua cũng chính thức công bố kế hoạch kích thích kinh tế và tạo việc làm, thong qua nguồn quỹ từ chương trình giải trừ nợ xấu (TARP), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, ba lĩnh vực chính được hỗ trợ đó là việc cắt giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch. Nguồn quỹ 200 tỷ USD từ TARP sẽ được chuyển sang sử dụng cho kế hoạch mới này của Chính quyền Tổng thống Obama. Tuy nhiên, để có hiệu lực, kế hoạch này cần phải được sự chấp thuận của Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chính quyền tổng thống Obama thì các nhà đầu tư vẫn rất lo ngại và hoài nghi về triển vọng của nền kinh tế đang được xem là lớn nhất thế giới này. Tiêu biểu là nhận định của Meredith Whitney cho rằng Chính phủ Mỹ đang “chệch hướng trong việc hỗ trợ nền kinh tế”. Điều bà quan ngại chính là tín dụng cho lĩnh vực tiêu dùng - vốn chiếm 70% GDP của Mỹ - đang ngày một giảm đi và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2010. Số liệu được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố cho thấy, tín dụng tiêu dùng trong tháng 10 đã giảm 1,7% so với cùng kỳ, đánh dấu tháng suy giảm thứ 9 liên tiếp.
Hôm nay, không có nhiều thông tin quan trọng của đầu tàu được công bố nên mọi sự chờ đợi của thị trường được dồn vào ngày mai – khi những thông tin thị trường lao động được báo cáo. Trong khi đó, ảnh hưởng từ những báo cáo trong ngày hôm trước hẳn sẽ làm thị trường tạm thời yên ắng trong ngày.
2. Đồng USD mạnh, “hung thần” của giá vàng.
Vai trò tài – sản – thế - đồng – Đôla Mỹ của vàng hôm qua đã bị “tổn thương” sâu sắc khi đồng USD có 1 ngày “oai phong” trên trường ngoại hối, tăng giá 0.9% so với “đối thủ nặng ký” – EUR. Giá vàng, trong 1 ngày đã giảm 2%, tương đương giảm $23.60, trên sàn London so với mức mở cửa đầu ngày. “Đồng USD thoát khỏi xu xướng giảm và xu hướng của giá vàng phụ thuộc khá nhiều vào sự điều chỉnh của đồng USD”, ông Frank Lesh, nhà kinh doanh của FuturePath Trading LLC tại Chicago phát biểu.
Có thể nói trong năm nay vàng đã có “màn trình diễn” vượt trội với việc chinh phục đỉnh cao kỷ lục 1,226.56 USD/Oz vào hôm 3/12 và đánh dấu mức tăng 32% trong năm 2009 này. Và ông Lesh cũng giải thích thêm rằng một số nhà đầu tư đã bán ra để chốt lời tại những mức cao này.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, quốc gia xếp thứ 56 về lượng vàng tích trữ trong dự trữ ngoại hối với 14,4 ngàn tấn vàng, công bố sẽ không mua thêm vàng, vì rằng loại kim loại quý này không đem lại tiền mặt vì vậy không phải là lựa chọn “khôn ngoan” để mua thêm vàng. Và theo tin từ Ngân hàng Hàn Quốc, nhiều ngân hàng trung ương cũng trong xu hướng không tích trữ thêm vàng, hơn nữa, giá vàng lúc này cũng nhiều biến động.
Trong ngắn hạn, theo 1 vài phân tích thì xu hướng tăng của vàng vẫn được dự báo lạc quan như ông Lesh tại FuturePath Trading LLC phát biểu “không dự đoán được liệu trong năm nay vàng có quay lại mốc $1,200 hay không”, “chúng ta đã có những “màn chơi” thú vị với giá vàng, và không ít người đang “hốt bạc” với chiến lược của mình. Và điều đó không phá vỡ xu hướng tăng của vàng”.
Ngoài ra, một “hung thần” của vàng cũng cần thận trọng đó là “nếu có dấu hiệu nào về việc tăng lãi suất của Fed thì vàng sẽ có thể giảm giá mạnh hơn nữa”, ông Miguel Perez-Santalla, phó giám đốc bộ phận bán hàng tại công ty quản lý Heraeus nói.
Tuy nhiên, trong dài hạn, giá vàng có thể sẽ điều chỉnh ổn định hơn với khu vực giá duy trì quanh mức $1,150 trong năm 2010 và sẽ giảm xuống mức $975 trong năm 2011, theo như dự báo của ông James Steel, nhà phân tích chứng khoán của HSBC tại New York.
3. EUR tiếp tục sụt giảm cùng với nỗi lo kinh tế toàn cầu
EUR/USD sụt giảm mạnh cùng với sự đi xuống của chứng khoản bởi nỗi lo kinh tế toàn cầu đã làm mất đi sự hấp dẫn của các tài sản có suất sinh lời cao. Hơn nữa tác động của Dubai World và việc Fitch Rating lần đầu tiên trong vòng 10 năm hạ mức xếp hạng của các ngân hàng Hy Lạp với triển vọng không khả quan. “ Các nhà đầu tư đã được lưu ý rằng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề- việc tụt hạng của Duibai World và Hy Lạp- điều đó gợi ý rằng vẫn còn nhiều rắc rồi tiềm ẩn. lời cảnh báo quen thuộc rằng người mua phải thận trọng là điều đầu tiên trong suy nghĩ của chúng tôi lúc này” (trích nhận định của nhà kinh tế Peter Dixon tại Commerzbank.
Ngoài ra, sự gia tăng các khoản rắc rối về nợ chính phủ của khu vực này đã khiến các nhà đầu tư “cắt” trạng thái trường đồng EUR (mua đồng EUR trước chờ giá lên) trong thời điểm gần cuối năm này, điều này đã đẩy EUR rớt xuống mức thấp nhất 1 tháng so với USD. Thêm vào đó, thông tin không mấy sáng sủa gì về sản lượng công nghiệp không được cải thiện kể nào trong tháng 10 vẫn -12.4% trong đó sản xuất công nghiệp Đức đã giảm 1.8% so với tháng trước đó chung tay đẩy đồng tiền khu vực chung rớt xuống dưới 1.4700 so với USD. Mặt khác, những bình luận của ông Bernanke cũng ảnh hưởng đến kỳ vọng kinh tế của nhà đầu tư khi nói rằng “nền kinh tế phải đối mặt với một số chướng ngại vật mà dường như có kiềm hãm tốc độ tăng trưởng” lại tạo lực hỗ trợ cho các đồng tiền an toàn như đồng USD, JPY. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, tỷ giá EUR/USD mất 145 điểm đóng cửa ở mức 1.4692.
Với thông tin về cán cân thương mại của Đức trong tháng 10, cộng thêm chỉ số giá người tiêu dùng Đức và nhiều thông tin quan trọng khác đang được dự đoán có “sự cải thiện” sau nhiều nỗ lực của chính phủ. Hơn nữa, sau phiên giảm điểm mạnh khả năng hồi phục từ sự điều chỉnh kỹ thuật sẽ được nhiều người nghĩ đến. Dự đoán EUR tăng giá trong ngày.
4. Tin xấu từ nước Mỹ hỗ trợ đồng JPY tăng giá bất chấp thông tin bất lợi từ Nhật Bản
Gói kích thích kinh tế vừa được chính phủ Mỹ thong qua ngay lập tức làm xuất hiện những quan ngại về định hướng hỗ trợ kinh tế của Chính phủ từ giới phân tích và đây chính là đòn tâm lý mạnh mẽ giáng xuống những nhà đầu tư đang hào hứng trên thị trường. Cùng với thong tin trên, những số liệu kinh doanh không khả quan của các tập đoàn của Mỹ khiến phố Wall giảm sâu, 29/30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones ngập trong sắc đỏ, trong khi chỉ duy nhất cổ phiếu Verizon lên điểm với biên độ 0,39%. Sự an toàn trong kinh doanh được đề cập đến và ngay lập tức những đồng tiền an toàn như đồng JPY, USD được “để mắt” đến. Chốt phiên giao dịch ở mức 88.39, tỷ giá USD/JPY giảm gần 100 điểm so với mức mở cửa đầu ngày.
Nhận hỗ trợ từ những tin tức trên thị trường Mỹ, giới đầu tư lờ đi ảnh hưởng từ sức khỏe nền kinh tế Nhật Bản đến giá trị đồng tiền của họ. Theo tin mới công bố hôm qua, GDP quý 3 của Nhật bản tăng 0.3%, thấp hơn nhiều so với mức 0.7% ước tính trước đó của giới phân tích. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm của đất nước mặt trời mọc đã rớt xuống còn 1.3% từ mức 4.8% so với 3 tháng trước. Đáng chú ý là giá trị đầu tư vốn tư nhân đã rớt xuống 2.8% so với mức 1.6% của kỳ trước, cho thấy tình hình khu vực kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình thất nghiệp hiện tại. Cũng trong ngày hôm qua, Chính phủ Nhật đã công bố gói kích thích kinh tế thứ tư với tổng giá trị ước tính là 7.2 ngàn tỉ JPY nhằm mục đích chính là tập trung hỗ trợ nhu cầu nội địa, nâng tổng giá trị hỗ trợ của chính phủ lên con số 29 ngàn tỉ JPY. Các quan chức Nhật Bản đang nỗ lực hết sức để cùng với NHTW các nước vực dậy nền kinh tế nội địa lẫn đẩy mạnh tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu, tuy nhiên cũng như những nước khác, các hành động của họ không đảm bảo sẽ chặn đứng được nguy cơ giảm phát và sự mất ổn định trong tăng trưởng kinh tế dài hạn.
“Những con số vừa được công bố không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Những gói kích thích đã được thẩm thấu vào nền kinh tế, tuy nhiên hiệu quả có phần hạn chế và không đủ bù đắp những sự sụt giảm trong giá trị GDP.” (trích nhận định của Masamichi Adachi – kinh tế gia trưởng của JPMorgan Chase & Co. ở Tokyo)
Hôm nay Nhật Bản tiếp tục công bố một số thong tin về cán cân thương mại và tài khoản vãng lai, tuy nhiên giá trị đồng JPY vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ những thong tin trên thị trường Mỹ. Sớm muộn tình hình kinh tế không khả quan của Nhật Bản cũng sẽ tác động bất lợi đến sức khỏe của đồng JPY. Dự báo tỷ giá USD/JPY tăng trong ngày.
(scb)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com