Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải mã cơn biến động lãi suất

Lãi suất ngân hàng đang trở thành "con ngựa bất kham" thách thức các nhà hoạch định chính sách. Đây là hệ quả tất yếu xảy ra dưới tác động của nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Hơn một tháng qua, lãi suất đồng Việt Nam liên tục biến động theo chiều hướng tăng. Lãi suất huy động VND đã tăng vọt từ 11-11,5% lên đến trên 17% một năm ở một số ngân hàng thương mại với những kỳ hạn ngắn. Đồng thời lãi suất cho vay VND cũng leo thang từ 13-14% lên 19-21% một năm tùy từng loại khoản vay.

Đà tăng lãi suất này gây không ít thắc mắc khi không ít ngân hàng thương mại đua nhau áp dụng các hình thức hấp dẫn để thu hút tiền gửi tiết kiệm, mặt khác, một số không nhỏ ngân hàng lại dừng cho vay ra. Hơn nữa, hạn mức tín dụng của nhiều ngân hàng đã hết khi tổng tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế có thể đã tăng vượt mục tiêu 25% cho cả năm ngay từ tháng 11.

Có nhiều lý giải khác nhau về tình trạng này đến từ các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế trong cũng như ngoài nước. Lãi suất tăng do CPI đến tháng 11 đã tăng tới 9,58% so với cuối năm trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2009. Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9% sau khi đã cố định nó suốt từ tháng 12/2009 với kỳ vọng thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ phát ra dường như chưa đủ mạnh và rõ ràng. Mặt khác tín hiệu đó lại phát ra đúng vào thời điểm cầu tín dụng tăng mạnh theo tính “mùa vụ” của sản xuất kinh doanh và “room” tăng tín dụng ngân hàng cả năm cơ bản đã hết.

Bên cạnh đó, tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại VN không tương đồng, thậm chí rất khác nhau nên các ngân hàng thương mại có thanh khoản không tốt (có quy mô nhỏ và trung bình) buộc phải đẩy lãi suất huy động lên khi giảm sự trông cậy vào thị trường liên ngân hàng, do đó kéo theo các ngân hàng thương mại có thanh khoản tốt hơn vào cuộc đua lãi suất.

Ngoài ra, biến động liên tục của thị trường nguyên nhiên vật liệu cơ bản, của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế càng làm cho việc kiểm soát lạm phát nói chung và ổn định lãi suất nói riêng của chúng ta thêm khó khăn. Tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền chủ chốt trên thế giới như USD, EURO, JPY, RMB,… liên tục chao đảo dưới tác động của các yếu tố bất định như sự phục hồi của kinh tế toàn cầu hay khả năng “khủng hoảng kép”. Đó là khủng hoảng nợ của khu vực EURO có thể giải quyết hay sẽ lan rộng từ Hy Lạp, Ireland sang Bồ Đào Nha và cả Tây Ban Nha,… Thậm chí đặt ra cả vấn đề EURO tồn tại hay không tồn tại, nâng giá đồng tiền hay phá giá mạnh để duy trì tính cạnh tranh. Và có người đã nói đến “cuộc chiến tranh tiền tệ” đang và sẽ diễn ra, nhiều Ngân hàng Trung ương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất rất thấp hòng phục hồi kinh tế đi đôi với những gói hỗ trợ kinh tế và “cứu trợ” trị giá cả ngàn tỷ USD khiến cho nguy cơ lạm phát toàn cầu treo lơ lửng như “thanh gươm Democles”.

Hệ quả tất yếu là niềm tin vào các đồng tiền trên toàn thế giới bị lung lay, tạo cơ hội cho vàng quay trở lại thống trị. Chỉ trong vòng một tháng qua, giá vàng 2 lần phá kỷ lục mọi thời đại lên đến trên 1.420 USD mỗi ounce và trở thành kênh hấp dẫn không chỉ đối với các nhà đầu tư, đầu cơ mà còn đối với cả nhiều Ngân hàng Trung ương và người dân trên thế giới.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều đề xuất đã đưa ra để ổn định lãi suất VND như phải kiểm soát lạm phát thông qua kiểm soát giá cả, phải phối hợp thắt chặt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, phải “đồng thuận” đưa lãi suất huy động xuống 12% mỗi năm, phải giảm lãi suất cho vay để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, phải ổn định tỷ giá hối đoái VND/USD, phải đảm bảo đủ ngoại tệ thông qua sử dụng dự trữ ngoại hối, phải ổn định giá vàng thông qua cấp quota nhập khẩu và tăng thuế xuất khẩu vàng, phải cân đối cung cầu, phải hạn chế nhập siêu, phải chuẩn bị thu hút nguồn vốn “nóng” sẽ đổ vào Việt Nam...

Tôi cho rằng “nước xa không cứu được lửa gần” và “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Biến động lãi suất VND như hiện nay là hệ quả tất yếu của nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan, cả quá khứ trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn, cả bên trong cũng như từ bên ngoài. Tuy nhiên, rõ nhất hiện nay là nguyên nhân sâu xa trong lựa chọn chế độ tiền tệ. Các nhà kinh tế đã quá quen thuộc với khái niệm “tam giác bất khả thi”.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách luôn cố gắng theo đuổi 3 mục tiêu, gồm duy trì chính sách tiền tệ độc lập mà bản chất là duy trì khả năng giảm lãi suất để đối phó với kinh tế trì trệ, tốc độ tăng trưởng giảm và chống khủng hoảng hay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát; Duy trì tỷ giá hối đoái tương đối ổn định để ổn định môi trường kinh doanh và đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính ngân hàng, đồng thời hạn chế tăng gánh nặng nợ nước ngoài và duy trì khả năng chuyển đổi hoàn toàn, đảm bảo vốn có thể tự do luân chuyển nhằm tăng hiệu quả đầu tư, thực hiện tự do hóa các luồng vốn.

Tiếc rằng cả lý thuyết và thực tế đều cho thấy chỉ có thể đồng thời đạt được 2 trong 3 mục tiêu nêu trên. Không có quốc gia nào có thể vừa tăng tự do hóa các luồng vốn vừa ổn định tỷ giá hối đoái vừa giữ được chính sách tiền tệ độc lập. Chính vì vậy, mỗi nước buộc phải đứng trước sự lựa chọn một trong 3 chế độ tiền tệ cơ bản là:

- Thả nổi tỷ giá hối đoái, tự do hóa các giao dịch tài chính và áp dụng chính sách tiền tệ độc lập để chống khủng hoảng hay/và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nước công nghiệp phát triển thường áp dụng chế độ tiền tệ này. Ngược lại, Việt Nam và đa số các nước đang phát triển sẽ vô cùng bất lợi nếu áp dụng chế độ tiền tệ này do vị thế yếu kém của nội tệ trong khi thị trường tài chính kém phát triển, sức cạnh tranh của các định chế tài chính trong nước thấp, mức độ rủi ro cao đồng thời lại thiếu cơ chế giám sát tài chính đầy đủ và hiệu quả;

- Cố định tỷ giá hối đoái và tự do hóa các luồng vốn trong khi phải hy sinh tính độc lập của chính sách tiền tệ - một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô rất quan trọng của mỗi quốc gia. Chế độ tiền tệ này hầu như không được quốc gia nào áp dụng do độ rủi ro quá cao và cái giá phải trả quá lớn. Nước nào theo đuổi chế độ tiền tệ này rất dễ rơi vào khủng hoảng cán cân thương mại và tài khoản vốn song lại thiếu công cụ để can thiệp hiệu quả khi khủng hoảng xảy ra.

- Cơ chế kiểm soát vốn có thể đi đôi với một tỷ giá tương đối ổn định và chính sách tiền tệ độc lập. Chế độ tiền tệ này thích hợp đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay với điều kiện chúng ta lựa chọn được các biện pháp quản lý vốn phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam và trình độ phát triển của thị trường tài chính tiền tệ trong nước để không chỉ “khơi thông các dòng sông:” mà còn biết “đắp đập” đúng chỗ, đúng lúc trong quá trình “bơi ra biển cả” tài chính tiền tệ toàn cầu.

Tuy nhiên, trong thực tế gần đây chúng ta dường như đã lựa chọn một chế độ tiền tệ “thứ 3 rưỡi” là tự do hóa luồng vốn do thiếu cơ chế kiểm soát vốn có hiệu quả, hơn nữa, mong muốn lấy thặng dư tài khoản vốn để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại và mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư. Đồng thời lại muốn cố định tỷ giá hối đoái giống như chế độ tiền tệ thứ hai nêu trên trong khi lại mong muốn không phải hy sinh tính độc lập và hiệu quả can thiệp của chính sách tiền tệ như chế độ tiền tệ thứ hai nêu trên yêu cầu. Kết quả tất yếu là lãi suất đang và sẽ trở thành “con ngựa bất kham” đối với riêng chính sách tiền tệ cho đến khi chúng ta dứt khoát lựa chọn lại đúng chế độ tiền tệ cơ bản của mình.

(VnExpress)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!