Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải pháp 'thời chiến' cho thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ nhiều ngày qua được người trong nghề đánh giá là cực kỳ căng thẳng, thậm chí có người còn liên tưởng tới dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tiền tệ, đòi hỏi có giải pháp cấp bách, mạnh tay.

Hơn hai tháng qua, tỷ giá chính thức trong ngân hàng cũng như ngoài thị trường tự do tăng như không thể có điểm dừng. Doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ quyết găm giữ trên tài khoản, không chịu bán lại cho ngân hàng vì kỳ vọng giá còn lên cao nữa. Doanh nghiệp có nhu cầu mua đôla thanh toán phải chấp nhận mua giá cao hơn mức niêm yết, nếu không muốn ra ngoài chợ đen thu gom. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi tỷ giá chợ đen vênh hơn 10% so với mức niêm yết trong ngân hàng.

Cuối cùng thì Ngân hàng Nhà nước cũng ra tay can thiệp. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng được đẩy từ 17.034 đồng ăn một đôla trong ngày 25/11 lên 17.961 đồng vào ngày 26/11, tương đương tăng 5,44%. Đồng thời biên độ tỷ giá sẽ thu hẹp còn 3% thay vì 5%. Tính chung cả hai biện pháp, tỷ giá chính thức sẽ tăng khoảng 3,44%, cho phép ngân hàng mua bán với mức trần 18.500 đồng, thay vì 17.885 đồng. Để giảm bớt sức ép tỷ giá, lãi suất cơ bản bằng VND cũng được điều chỉnh tăng từ 7% lên 8% một năm.

Thống đốc Nguyên Văn Giàu coi đây là giải pháp điều chỉnh nhanh để can thiệp thị trường. Động thái thu hẹp biên độ cho thấy thái độ kiên quyết bảo vệ và ổn định giá trị của đồng Việt Nam. Trong khi việc điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng để tỷ giá chính thức phản ánh gần hơn cung cầu thị trường, tạo điều kiện để ngân hàng đi đường thẳng mà tiếp cận với nguồn ngoại tệ đang bị găm giữ trong doanh nghiệp và dân chúng, thay vì phải đi đường vòng và lách luật như trước. Tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu, đồng thời làm tăng nghĩa vụ đóng thuế đối với các nhà nhập khẩu, qua đó tạo sức ép giảm nhập siêu, tiết chế cầu với ngoại tệ. Để bổ sung nguồn cung cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Thủ tướng có lời với các tập đoàn kinh tế nhà nước tập trung ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng.

Cùng với việc tăng lãi suất cơ bản bằng tiền đồng để giảm bớt sức ép với tỷ giá, rà soát thuế nhập khẩu và hạn chế nhập các mặt hàng xa xỉ, Thống đốc Giàu kỳ vọng thị trường ngoại tệ sẽ sớm bình ổn trở lại.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM, Ngân hàng Nhà nước ban hành "chính sách kép" (vừa điều chỉnh tỷ giá USD/VND vừa điều chỉnh lãi suất cơ bản) được xem là cách làm hợp lý, góp phần giải quyết tình trạng căng thẳng ngoại tệ hiện nay.

"Hiệu quả dễ nhận thấy nhất đó là tỷ giá đôla trên thị trường tự do trong ngày hôm qua đã ngay lập tức hạ nhiệt", ông Ngân nói.

Một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường ngoại tệ là đúng hướng, dù liều lượng như thế nào còn cần được xem xét. "Với tình hình thị trường hiện nay, việc nới tỷ giá liên ngân hàng là cần thiết, nhằm làm giảm tình trạng đầu cơ. Mặt khác, việc nới tỷ giá cũng góp phần hỗ trợ xuất khẩu", vị chuyên gia này nhận định.

Cán bộ quản lý mảng kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn, thậm chí kết hối đối với mọi doanh nghiệp thay vì chỉ yêu cầu một số tập đoàn nhà nước thực hiện trách nhiệm bình ổn thị trường. Nhằm hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ, tích trữ, cần siết trần lãi suất đôla Mỹ áp dụng cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần nghiêm khắc trừng trị chuyện ngân hàng thương mại lách luật bán với tỷ giá cao, cấm doanh nghiệp tự mua bán ngoại tệ với nhau.

"Xét về vĩ mô, cung cầu không đến mức căng thẳng, song có một điểm gì đó khiến cho thị trường ngưng đọng, thậm chí có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Các giải pháp với thị trường ngoại tệ lúc này có thể nói là giải pháp của thời chiến", vị cán bộ này bình luận. Theo ông, thị trường sẽ theo dõi việc thực thi các cam kết của Ngân hàng Nhà nước cũng như động thái tiếp theo của cơ quan quản lý. Và nếu các giải pháp không được thực hiện triệt để, căng thẳng ngoại tệ sẽ lại diễn ra và mọi việc chẳng khác gì "bắt cóc bỏ đĩa".

Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, để chính sách tỷ giá thực sự hữu dụng và phát huy kết quả trong thời gian dài thì Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng nhiều chính sách đồng bộ khác. Một giải pháp có thể nghĩ tới là phát hành trái phiếu bằng vàng bán cho doanh nghiệp có quota nhập khẩu vàng.

Ngoài ra, Nhà nước cần ráo riết giải quyết tình trạng nhập siêu, phấn đấu trong vòng 5 đến 10 năm nữa sẽ cân bằng được cán cân thương mại. Để làm được việc này, Việt Nam nên đầu tư vào công nghệ, phát triển năng suất lao động, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh về sản phẩm.

(VnExpress)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Từ 1/12 tăng lãi suất cơ bản
  • Đồng USD ở sát mức thấp nhất trong 14 năm so với đồng yên
  • Doanh nghiệp cầm cự với tỉ giá tăng
  • Tỉ giá: Câu chuyện ngày càng căng thẳng!
  • “Kéo thẳng”… đường cong lãi suất
  • Đô la Mỹ tăng giá trở lại
  • Thị trường ngoại hối: Không thể sớm hết căng thẳng
  • Bản tin Thị trường Ngoại hối ngày 24/11/09
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!