Để kỳ vọng của Thống đốc NHNN có trở thành hiện thực hay không thì lại phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác mà ít nhất là hành vi kinh doanh |
Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá khứ thời trước năm 2009, cho thấy đã khá nhiều lần, khi NHNN có công bố giảm trần lãi suất huy động (đầu vào) nhưng lãi suất cho vay (đầu ra) tại các NHTM không giảm (có khi lại tăng). Như vậy rõ ràng để kỳ vọng của Thống đốc NHNN có trở thành hiện thực hay không thì lại phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác mà ít nhất là hành vi kinh doanh (cách ứng xử với giá vốn đầu vào) của các NHTM - điều này tương tự như việc giá xăng giảm thì vé taxi có giảm hay không lại phụ thuộc vào ứng xử của các hãng taxi.
Dễ nhận thấy, bài hạ trần lãi suất tuy là bài thuốc cũ của năm xưa, nhưng phần triển khai đã quyết liệt, không khoan nhượng và đặc biệt là được công khai hơn trước. Nhìn lại các giải pháp trước đó như giới hạn tăng trưởng tín dụng chung ở mức thấp chỉ bằng một nửa so với các năm từ 2010 trở về trước NHNN; Hạn chế hết mức tín dụng vào khu vực không khuyến khích, khu vực có tính đầu cơ cao như bất động sản, chứng khoán; Lần đầu tiên ở VN, NHNN đã mạnh dạn đưa ra việc xếp loại NHTM và công bố cho xã hội biết; Việc xếp loại này sẽ tạo ra một kỷ luật, kỷ cương tốt trong hoạt động ngân hàng và cũng trên cơ sở đó giới hạn những ngân hàng nào tốt, quản lý tốt, có tình trạng tài chính tốt thì mới được tăng trưởng tín dụng với mức cao nhất là 17% so với năm 2011. Tổng hợp các giải pháp này cho thấy mục tiêu giảm áp lực cầu vốn và theo quy luật cung - cầu vốn trên thị trường sẽ dẫn đến giảm lãi suất; Việc giảm các lãi suất chủ chốt (lãi suất điều hành) như nêu trên cũng có thể dẫn đến giảm chi phí vốn và qua đó lãi suất đầu ra (cho vay) tại các NHTM sẽ giảm theo kỳ vọng của nhà quản lý.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, nếu chỉ NHNN có chính sách giảm lãi suất trong khi các NHTM không thay đổi hành vi kinh doanh hay cách ứng xử với giá đầu vào (lãi huy động) thì giá đầu ra (lãi suất cho vay) cũng khó có thể giảm. Các chính sách của nhà nước như Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 cũng đã có định hướng về giảm chi phí của nền kinh tế nói chung từ đó dẫn đến giảm giá thành sẩn phẩm (về nguyên lý cho thấy, Chính phủ đang hướng các DN cần thay đổi hành vi/ứng xử trong kinh doanh). Theo định hướng đó, vừa qua, Chính phủ cũng đã phát đi thông điệp về toàn bộ nền kinh tế giảm chi phí để góp phần giảm giá một cách bền vững.
Năm 2011 và các năm trước cho thấy, các NHTM lãi rất lớn và do đó có thể suy luận rằng cửa giảm lãi suất cho vay đang nằm trong chính các NHTM chứ không phải chỉ ở mỗi NHNN (chính sách tiền tệ). Quan sát hoạt động của các ngân hàng VN cho thấy, khu vực này cũng cần được điều chỉnh lại hành vi ứng xử với lãi suất (giá vốn) đầu vào cũng như hành vi kinh doanh nói chung.
Hầu hết các NHTM, nhất là NHTM lớn, chi phí hoạt động tăng khá nhanh có khi tới 30-40% so với năm cũ. Số liệu cụ thể hiếm khi được công bố, tuy nhiên chúng ta có thể thấy, lương cán bộ NHTM thường là cao nhất trong các khối DN hiện nay (mức trung bình lên tới 30 - 40 triệu đồng/tháng) và thời gian gần đây, hầu như không có ngân hàng nào cắt giảm nhân sự; Các NHTM VN trong thời gian khó khăn vẫn mở chi nhánh rất ồ ạt cả trong nước và ngoài nước; Việc đầu tư (cả từ vốn tự có của ngân hàng) vào bất động sản theo cách này hay cách khác (như xây trụ sở, mua sắm thiết bị…) chắc chắn sẽ làm giảm nguồn cung vốn vay nói chung của hệ thống ngân hàng; Việc các NHTM (nhất là ngân hàng lớn) sử dụng phần lớn vốn tự có để góp vốn mua cổ phần hay thành lập Cty con sẽ làm phân tán vốn và dường như không đúng với nguyên tắc hoạt động quan trọng của ngân hàng là “huy động vốn để đáp ứng vốn hoạt động (ngắn hạn) của các DN.
Hành vi chấp nhận rủi ro quá mức của các NHTM cũng cần phải thay đổi ! Nếu giảm mức chấp nhận rủi ro xuống mức chấp nhận được, chẳng hạn tín dụng bất động sản chỉ 9% dư nợ, cho vay so với huy động phải đạt dưới 85% -như chiến lược cơ cấu lại ngân hàng tại Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 đang là định hướng làm thay đổi hành vi kinh doanh ngân hàng ở VN.
Để việc giảm lãi suất nói chung đi vào thực tế, hiện dường như xã hội đang chỉ hướng về NHNN (chính sách tiền tệ) mà đang lãnh quên một điều rằng chính mình cũng có một vai trò quan trọng để giảm lãi suất của cả nền kinh tế. Các khu vực khác như NSNN, các DN lớn (nhất là các tập doàn kinh tế của nhà nước) và kể cả người dân nếu thực hiện chi tiêu tiết kiệm, sử dụng đồng vốn nói chung một cách cẩn trọng sẽ tạo ra cung vốn rẻ cho cả xã hội.
(Theo ThS Lê Văn Hinh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com