Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hạ trần lãi suất: Người gửi tiền vẫn có lợi

Cuối tuần qua, NHNN đã giảm trần lãi suất tiền gửi VNĐ kỳ hạn 1 tháng trở lên từ 12% xuống 11%/năm, tương ứng trần lãi suất cho vay 4 lĩnh vực ưu tiên giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm. Như vậy 3 tháng liên tiếp NHNN đã điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động mỗi tháng 1%/năm, đồng thời giảm trần lãi suất cho vay chỉ sau vài ngày áp trần. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia vẫn còn chậm trong bối cảnh hiện nay.
Vẫn có thể giảm tiếp lãi suất

Việc điều chỉnh 3 lần giảm trần lãi suất từ đầu năm đến nay khi căn cứ vào chỉ số CPI liên tục giảm, nhưng có ý kiến lo ngại rằng lạm phát vẫn là nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt lạm phát kỳ vọng trong dân chúng vẫn còn cao. Bởi nếu cắt giảm lãi suất liên tiếp như hiện nay, người dân thấy không còn hấp dẫn khi gửi tiết kiệm sẽ rút ra để đầu tư, tiêu dùng… làm tăng sức ép lạm phát.

Tuy nhiên, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, việc điều chỉnh lần này vẫn chậm. 5 tháng đầu năm chỉ số CPI chỉ tăng 2,78%, so với cùng kỳ tăng khoảng 10% và tiếp tục đang có xu hướng giảm, trong khi lãi suất huy động chỉ giảm xuống 11%/năm.

Như vậy, người gửi tiền lãi suất 11%/năm vẫn thực dương so với mức lạm phát. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm của hệ thống NHTM bị âm, trong khi tăng trưởng huy động vẫn tăng so với cho vay.

Các NHTM trong tình trạng thừa vốn, thanh khoản dồi dào phải mua tín phiếu, trái phiếu chính phủ, bởi khi thấy nền kinh tế đi xuống, rủi ro trong nền kinh tế quá lớn nên NH sợ cho vay không đòi được nợ. Vì vậy, thời điểm này NHNN hoàn toàn có thể giảm trần lãi suất 2%/năm cùng lúc chứ không chỉ 1%/năm.

Người gửi tiền vẫn có lợi so với CPI
khi trần lãi suất hạ thêm 1%/năm. Ảnh: CAO THĂNG

Theo một lãnh đạo NH, việc giảm thêm trần lãi suất huy động và cho vay thêm 1%/năm là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp, nhất là giảm chi phí với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó kích thích tiêu dùng, đầu tư cho doanh nghiệp và tạo đầu ra cho thanh khoản.

Đón đầu xu thế này, ngay trước khi hạ trần lãi suất, một số NHTM lớn như VCB, MB, Eximbank… đã điều chỉnh ngay trần lãi suất huy động xuống 11%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Điều này cho thấy các NHTM cũng đã đồng lòng với chủ trương hạ trần lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng, thực tế hiện nay nội lực về vốn của từng NHTM có khoảng cách khác nhau, dù NHNN cho biết đã giám sát và kiểm soát chặt chẽ những NHTM yếu kém nhưng thực tế vẫn còn rải rác hiện tượng vượt trần lãi suất huy động.

Vì vậy, để việc giảm trần lãi suất thực sự hiệu quả bên cạnh các NHTM đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát, thiết lập trật tự trên thị trường tài chính, NHNN nên có quy chế hỗ trợ riêng để tránh gây tình trạng đẩy lãi suất huy động lên vượt trần.

NH chào, người vay còn ngại

Cùng với việc giảm trần lãi suất huy động và cho vay theo yêu cầu của NHNN, tuần qua nhiều NHTM cũng đã đưa ra các gói tín dụng hàng ngàn tỷ đồng lãi suất rẻ để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ sản xuất kinh doanh.

Theo các NHTM đây cũng là cách giúp NH “vượt khó” sau những tháng đầu năm tín dụng liên tục tăng trưởng âm. Cụ thể, VCB vừa công bố dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh với lãi suất chỉ còn từ 13%/năm đối với các khoản vay kinh doanh và từ 14%/năm (thời hạn tối đa 12 tháng) đối với các khoản vay mua, xây, sửa nhà để ở kết hợp với cho thuê.

Đây được xem là mức lãi suất khá thấp và hấp dẫn với khách hàng cá nhân hiện nay. Khảo sát tại một chi nhánh VCB ở TPHCM cuối tuần qua, nhân viên NH niềm nở với khách hàng đến tìm hiểu vay vốn cá nhân, công bố mức lãi suất cụ thể nếu khách hàng đáp ứng đủ điều kiện về tài sản thế chấp và khả năng trả nợ.

Mặc dù vậy, điều băn khoăn cho khách hàng vay vốn là mức lãi suất này không cố định mà áp dụng theo cơ chế thỏa thuận, định kỳ từ 1-3 tháng sẽ điều chỉnh theo biến động của lãi suất thị trường.

Anh Trần Khắc Thi, ngụ ở quận 7 TPHCM, cho biết dù lãi suất cho vay cá nhân đã hạ nhưng điều kiện vay vẫn rất chặt chẽ và khó có thể biết được trong dài hạn lãi suất có thể tăng lại hay không.

Chưa kể, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, chi phí tiêu dùng cũng gia tăng nên tâm lý chung với mọi người dù đang cần mua nhà nhưng anh vẫn cân nhắc khi vay vốn mua nhà.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng giám đốc DongA Bank, cho biết DongA Bank không nằm ngoài xu thế phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện tại có những đối tượng khách hàng vay DongA Bank còn áp lãi suất cho vay thấp hơn trần quy định của NHNN.

Dự kiến tới đây DongA Bank sẽ dành ban đầu gói tín dụng 100 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TPHCM, trong đó đa phần là tín chấp.

Có thể số tiền cho một đơn vị không lớn nhưng sẽ có tác động khuyến khích hỗ trợ, bởi nếu thời điểm này yêu cầu đã minh bạch tài chính còn phải có tài sản thế chấp sợ rằng xu thế vừa qua doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu đó. Nhưng theo bà Vân, đương nhiên NH cũng có sự chọn lọc với các tiêu chí để dòng vốn tín dụng tăng trưởng an toàn và hiệu quả.

Hầu hết các NHTM thừa nhận thời điểm này các NHTM sẽ buộc phải hạ lãi suất và đi tìm khách hàng vay vốn. Trong đó sẽ buộc phải nghĩ đến nhiều phương án cho vay mới quản lý dòng vốn theo hướng an toàn và hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay là do sức mua thị trường giảm, hàng hóa tồn kho tăng cao, nên khả năng hấp thụ vốn NH để tái tạo và mở rộng sản xuất kinh doanh vẫn còn hạn chế, lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng do chi phí huy động của các NHTM trước đây vẫn còn cao khi nhiều khách hàng tiền gửi đón đầu xu thế giảm đã chọn gửi tiền kỳ hạn dài. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc kéo giảm lãi suất cho vay thực sự ở các NHTM.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng với mức lãi suất cho vay hiện nay doanh nghiệp vẫn ngại vay vốn, bởi trong điều kiện đi xuống của thị trường, hoạt động kinh doanh có mức lãi 20% là cực kỳ khó khăn. Trong đó 14%/năm là lãi vay, 6% còn lại là chi phí, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn ngại vay mở rộng.

Hiện nay chỉ những doanh nghiệp đã có sẵn đầu ra cần vốn lưu động để sản xuất kinh doanh mới mạnh dạn vay vốn. Những doanh nghiệp như vậy hiện nay không nhiều và đứng về mặt lâu dài thì không có hiệu quả dài hạn.
 
(Theo SGĐT)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • TPHCM: Nhiều doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất trên 19%
  • “Đảo ngược” lãi suất cho vay bất động sản
  • Lãi suất 15% chỉ là... mơ
  • Lãi suất VND 9 - 10%, gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn
  • Các ngân hàng đang “giả vờ” cứu doanh nghiệp
  • Lãi suất và tái cấu trúc
  • Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thể đạt 20 tỷ USD
  • Trung Quốc nới biên độ tỷ giá: “Một tên hai đích”?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!