Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khó kìm cuộc đua lãi suất

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm “nhiệt” ở mức 9,13% vào ngày hôm qua (2/12), song mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệmtiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng. Thông qua các hình thức khuyến mãi, lãi suất tiết kiệm ở nhiều ngân hàng lớn đã chạm mức 14%/năm.

ACB là một trong số đó, Ngân hàng chính thức đưa lãi suất huy động lên mức cao nhất 14%/năm kể từ ngày 1/12, áp dụng trong chương trình khuyến mãi “Xuân phát tài”, với hình thức tích lũy điểm thưởng để nhận quà tặng bằng tiền lên đến 2%/năm. Đối tượng là các khách hàng gửi tiết kiệm “Lãi suất thả nổi - Floating”, với mức gửi tối thiểu 100 triệu đồng (kỳ lĩnh lãi từ 1 đến 12 tháng). Trong đó, với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất sau khi cộng tỷ lệ quà tặng được ACB trả cho khách hàng lên đến 14%/năm. Các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng 13,5 - 13,9%/năm (sau khi đã cộng tỷ lệ quà tặng). Còn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 - 3 tuần được ACB áp dụng trong khoảng 12,7 - 13,5%/năm.

Tuy mức lãi suất 14%/năm không phải là cao nhất hiện nay (trước đó, WesternBank đưa ra lãi suất huy động cao nhất 14,5%/năm, sau khi đã cộng khuyến mãi), song sự đột phá về lãi suất của một số ngân hàng cổ phần quy mô lớn sẽ có tác động đến các nhà băng nhỏ. Ngoài ACB, một số ngân hàng cổ phần quy mô khác như Eximbank, Vietcombank… cũng nâng dần lãi suất tiết kiệm lên mức cao nhất 13 - 13,5%/năm.

Tại một ngân hàng lớn ở TP. HCM, với sản phẩm chọn kỳ lĩnh lãi, ngoài lãi suất được hưởng cao nhất (áp dụng cho kỳ hạn 3 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ), ngân hàng còn tặng thêm 1,5%/năm lãi suất cho khách hàng. Phần lãi suất thưởng này sẽ được quy thành tiền mặt và trả trước cho khách hàng. Theo đại diện của ngân hàng này, nếu không áp dụng giải pháp này sẽ khó giữ được nguồn tiết kiệm đang có, chưa nói đến việc thu hút thêm khách hàng mới. Bởi thực tế thị trường hiện nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi không dừng lại ở mức cao nhất 13 - 14%/năm, mà thậm chí còn được thỏa thuận đến 15 - 16%/năm.

Theo ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ACB, việc gia tăng khuyến mãi của ACB để tăng thêm tính hấp dẫn cho lãi suất tiết kiệm và nhằm giữ chân khách hàng. Ông Tài cho biết, trong thời gian gần đây, dù lãi suất đã được điều chỉnh, song do cạnh tranh trong huy động vốn ngày một khó khăn, đồng thời lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng nhỏ áp dụng ở mức cao hơn, nên để tránh tình trạng khách hàng ra đi, thì không còn cách nào khác, ACB phải tăng thêm khuyến mãi đối với lãi suất đầu vào.

Trước động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi của các ngân hàng quy mô trong 2 ngày qua, các ngân hàng nhỏ đang đứng trước sức ép về lãi suất và khó khăn hơn để có thể giữ được chân khách hàng gửi tiền. Thực tế, thời gian gần đây, song song với việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm “vượt” ngoài mức đồng thuận, các ngân hàng thương mại nhỏ mạnh tay chi tiền cho khuyến mãi, nhằm gia tăng tính hấp dẫn đối với người gửi tiền.

Chẳng hạn, VietA Bank tặng thêm lãi suất trực tiếp cho khách hàng gửi tiết kiệm ngoài mức 12%/năm. Cụ thể, với kỳ hạn 3 tháng, người gửi tiền còn được tặng thêm 1,7%/năm lãi suất; kỳ hạn 6 tháng được cộng thêm 2%/năm. Người gửi tiền còn được tham gia chương trình quay số trúng thưởng hàng ngày.

Theo nhận định của một chuyên gia ngành tài chính, với diễn biến của thị trường trong tháng cuối năm và sức ép lạm phát chưa sớm dừng lại, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ được điều chỉnh theo hướng nhích dần. Tuy nhiên, phần lãi suất tăng thêm sẽ được các nhà băng điều chỉnh thông qua hình thức khuyến mãi, cộng thêm…

Trao đổi với ĐTCK, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát năm 2010 ở mức hai con số là điều đã nhìn thấy, vì 11 tháng đầu năm nay, CPI đã lên đến 9,58%. Trong khi đó, chi tiêu của người dân luôn tăng cao trong tháng cuối năm và gần 2 tháng đầu của quý I năm sau. Đồng thời, kiềm chế lạm phát đòi hỏi phải có thời gian, chứ không thể kiểm soát được ngay. Do vậy, lãi suất tiết kiệm sẽ theo chiều hướng của lạm phát và nhiều khả năng chưa thể giảm.

Một cán bộ trong ngành ngân hàng cho rằng, các yếu tố cạnh tranh thiếu lành mạnh như phí, thưởng tiền, cộng lãi suất… đã làm giảm vai trò là tín hiệu thị trường của lãi suất, chưa tạo lập được đường cong lãi suất. Thực tế, liên tục trong các tháng của năm tài chính 2010, lãi suất chủ yếu được áp dụng cùng mức cho tất cả các kỳ hạn huy động vốn. Điều này không chỉ gây khó khăn trong quản lý, mà còn gây khó khăn cho chính các ngân hàng trong việc khai thác và sử dụng vốn sao cho có hiệu quả nhất, đồng thời làm phát sinh các hiện tượng như khách hàng lớn “mặc cả” với ngân hàng. Người gửi tiền yêu cầu gửi lãi suất ở mức cao, rút tiền gửi khi không được đáp ứng…, gây xáo trộn thị trường.

Đối với thị trường liên ngân hàng, năm 2010 tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán cho các ngân hàng thành viên, song những tồn tại từ thị trường này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Trong đó, quan hệ về vốn giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường chủ yếu theo một chiều. Ngân hàng cho vay thường là NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần lớn. Còn ngân hàng đi vay thường là NHTM cổ phần nhỏ, công ty cho thuê tài chính…, quan hệ dựa trên cơ sở uy tín, tín nhiệm giữa các ngân hàng trên thị trường. Vì vậy, trong một số trường hợp, khi các NHTM lớn không cho vay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong ngày giao dịch sẽ tăng nhanh và tăng cao. Tuy nhiên, sở dĩ thị trường còn tồn tại tình trạng này một phần là do việc khai thác, sử dụng nguồn chưa hợp lý tại một số NHTMCP nhỏ. Các nhà băng này thường ít đầu tư vào giấy tờ có giá để có thể giao dịch trên thị trường mở; tập trung tăng trưởng tín dụng để thu nhập cao hơn.

(Đầu tư chứng khoán Điện tử)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!