Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất chạm trần vẫn không hấp dẫn

Mặc dù đã tìm nhiều cách để thu hút sự quan tâm của nguồn tiền nhàn rỗi, song các mức lãi suất tiết kiệm hiện nay không đủ sức hút nguồn tiền. Nhiều ngân hàng không những khó huy động được vốn mà còn bất lực nhìn dòng tiền tiết kiệm đi ra. Đặc biệt là những ngày gần đây, khi Tết Nguyên đán đang cận kề và việc chi lương, thưởng trong dịp Tết Dương Lịch của các doanh nghiệp đang được thực hiện, thì việc cân đối nguồn vốn lại càng là bài toán khó đối với các ngân hàng..

Với các ngân hàng quy mô nhỏ, trong những ngày qua dường như đã tạm lắng việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, bởi các kỳ hạn tiền gửi đã được áp dụng mức trần cho phép là 10,49%/năm. Thế nhưng, cuộc đua lãi suất lại được hâm nóng bởi các ngân hàng quy mô lớn, khi các đơn vị này đang ráo riết tăng mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn ngày.

Trong đó, DongA Bank vừa công bố chương trình "siêu lãi suất" với lãi suất nhiều kỳ hạn được áp dụng trần 10,49%/năm. Đồng thời, Ngân hàng còn gia tăng thêm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn theo "tuần", với mức dao động 10,02 - 10,32%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1 - 3 tuần và 10,38 - 10,41%/năm với kỳ hạn 1 - 3 tháng.

Ngoài ra, DongA Bank còn áp dụng việc tặng thêm lãi suất cho khách hàng. Thế nhưng, do mức cộng thêm cùng với mức áp dụng hiện hành vượt trần quy định về lãi suất huy động của NHNN. Do đó, DongA Bank vừa phải cắt bớt phần lãi suất tặng thêm.

ACB vừa tiếp tục tăng lãi suất huy động lần thứ 4 trong tháng 12/2009 đối với tiền gửi VND. Theo đó, kỳ hạn 1 tuần, với mức tiền gửi 5 - 100 triệu đồng sẽ có mức lãi suất lên 10,02%/năm; 2 tuần 10,12%/năm; 3 tuần 10,27%/năm. Đặc biệt, khách hàng gửi số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên (kỳ hạn 3 tuần) lãi suất nhận được lên đến 10,32%/năm.

ABBank còn đưa ra sản phẩm lãi suất tiền gửi ngày. Cụ thể, ABBank vừa đưa ra kỳ hạn gửi một ngày với số tiền gửi tối thiểu 50 triệu đồng. Lãi suất tăng theo số tiền gửi, thấp nhất 4%/năm với số tiền gửi từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng lãi suất 4,5%/năm, trên 1 tỷ đồng có mức lãi suất 5,5%/năm.

Việc điều chỉnh lãi suất của một số ngân hàng quy mô lớn hiện không nằm ngoài mục đích giữ chân nguồn tiền gửi đang có và kỳ vọng hút thêm được tiền nhàn rỗi trong dân cư. Tuy nhiên, theo lý giải của các ngân hàng, lãi suất luôn là con dao hai lưỡi.

Tăng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào sẽ đội lên. Nhưng nếu trong lúc này không tăng lãi suất theo mặt bằng chung của thị trường, khi mà các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đều áp dụng mức sát trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước, thì với những nhà băng áp dụng mức lãi suất thấp hơn sẽ rất khó giữ chân được khách hàng  gửi tiền.  

Thế nhưng, khi đường cong lãi suất được các ngân hàng ra sức kéo thẳng, nguồn vốn huy động về cũng không mấy khả thi. Bởi hiện tượng thỏa thuận lãi suất ngoài đang dần trở nên phổ biến trên thị trường. Qua trao đổi với ĐTCK, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, việc thỏa thuận lãi suất huy động bên ngoài vượt trần cho phép 10,49%/năm không còn là hiện tượng cá biệt. Trong đó, không ít ngân hàng đã chào lãi suất với mức cao nhất lên trên 12%/năm. Bởi theo lý giải của vị phó tổng giám đốc trên, nếu huy động về với mức chi phí trên, các ngân hàng có nguồn khách hàng cá nhân cho vay ra theo lãi suất thỏa thuận thì vẫn có lãi. Thực tế, lãi suất cho vay thỏa thuận cao nhất hiện là 17%/năm.

Mặt khác, do nhu cầu vốn của khách hàng cuối năm tăng cao, trong khi thanh khoản không được dồi dào như trước, nhiều ngân hàng, nhất là những đơn vị quy mô vừa và nhỏ rất khó có thể cân đối được nguồn, đặc biệt là khi lượng tiền tiết kiệm được khách hàng rút ra. Vì vậy, họ phải tìm đủ cách để mượn vốn bên ngoài, với lãi suất thỏa thuận cao hơn, nhằm bù đắp thanh khoản tạm thời. Bởi thực tế, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã vượt qua trần huy động 10,49%/năm và cao nhất hiện nay là 12%/năm. Thế nhưng, các nhà băng cũng không dễ dàng để tìm được nguồn vốn ở đây, do đơn vị nào cũng muốn thủ thế và nhu cầu vay luôn cao hơn lượng vốn đem cho vay.

Trước hiện tượng này, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM cho rằng, lực lượng thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời bắt tay vào việc kiểm tra và kết quả cho thấy, hầu hết ngân hàng đã chấp hành quy định mức trần lãi suất huy động 10,49%/năm.

Theo ông Hạnh, với những ngân hàng có hành vi thỏa thuận lãi suất ngoài để huy động vốn thì có rất nhiều rủi ro rình rập. Bởi đây là việc làm sai trái, đồng thời một khi chi phí đầu vào tăng, nhưng đầu ra chưa thay đổi theo xu hướng lãi suất cơ bản tháng 1/2010 thì kết quả thu về sẽ bị co lại. Vì vậy, bài toán lãi suất cần được tính toán kỹ lưỡng.

Phó tổng giám đốc thứ nhất Ngân hàng Liên doanh Indovina (IndovinaBank), ông Lê Văn Phú cho biết, trong năm nay Ngân hàng cũng chỉ hoàn thành được trên 80% kế hoạch huy động vốn đưa ra đầu năm. Tăng trưởng tín dụng năm 2009 của Indovina Bank đạt mức khoảng 20%.

Điều chỉnh lãi suất cơ bản cũng sẽ là giải pháp tình thế được không ít ngân hàng ủng hộ với kỳ vọng hút được tiền nhàn rỗi trong dân cư, cho dù vẫn biết tăng lãi suất thì chi phí đầu vào sẽ bị đội lên. Qua trao đổi, các chuyên gia trong ngành tài chính - ngân hàng cho rằng, trong tình hình hiện nay lãi suất cơ bản chưa thể thay đổi, nhưng có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi biến động của thị trường để có hướng điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới, đặc biệt là khi lạm phát được dự báo sớm quay trở lại.

Các ngân hàng đều cho biết, sẽ tái phát triển tín dụng trở lại vào đầu năm 2010 trên cơ sở chọn lọc, nên cần đến nguồn vốn khả dụng để cho vay. Song trong 6 tháng cuối năm sau, việc co hẹp tín dụng sẽ được ngân hàng thực hiện để điều chỉnh về mức phù hợp với mục tiêu kiểm soát tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ở mức 25%.

 

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam 31/12/2009
  • Chính sách đồng USD yếu
  • USD giao dịch ở mức giá cao nhất trong 3 tháng khi có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ
  • Dự trữ đồng đôla trên toàn cầu đang sụt giảm
  • Đồng Việt Nam giảm 0.2% so với đồng đôla Mỹ.
  • USD đã tưng mạnh trở lại
  • Đô la Mỹ tăng so với nhiều loại tiền tệ
  • Đồng Yen Nhật: Niklkei ấn định mức cao 4 tháng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!