Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất ngoại tệ “neo” ở mức cao

So với hầu hết các nước trên thế giới, mức lãi suất huy động USD trên dưới 5%/năm của các nhà băng Việt Nam ở mức cao ngất ngưởng. Đây cũng chính là lý do tiết kiệm huy động vốn bằng ngoại tệ có dấu hiệu gia tăng gần đây, đồng thời dư nợ tín dụng USD cũng không có dấu hiệu sụt giảm.

Số liệu vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2010 là 27,65%. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 25,34% và dư nợ ngoại tệ tăng 37,76%. Theo đánh giá của NHNN, lãi suất huy động vốn bằng tiền đồng hiện có mức chênh lệch dương thấp so với lạm phát, kém hấp dẫn so với lãi suất USD. Lãi suất thực dương hiện nay khoảng 1,47% năm, thấp hơn các năm gần đây (2009  là 1,91%/năm; 2006 là 2,23%/năm).

Thực tế, sau lần điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng thêm 388 đồng/USD trong quý III/2010 và tính chung tỷ giá năm 2010 do NHNN công bố tăng 5,52% so với đầu năm, nhiều người vẫn chọn gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ. Bởi ngoài mức tăng nói trên của tỷ giá trong năm 2010 thì lãi suất tiết kiệm bằng USD được các nhà băng "neo" ở mức tương đối cao. Từ đó, gia tăng dần tính hấp dẫn đối với lãi suất USD.

Chẳng hạn, tại DaiA Bank, mức lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ (siêu linh hoạt) được áp dụng cho kỳ hạn 3 tháng lên đến 5,54%/năm. Các kỳ hạn tiết kiệm USD còn lại (1 - 12 tháng), ngân hàng này cũng duy trì ở mức 5,2 - 5,44%/năm.

Tương tự, SCB trả lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm USD mức cao nhất là 5,45%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. HDBank cũng không thua kém với mức 5,2%/năm.

Không chỉ ở các nhà băng quy mô nhỏ phải cạnh tranh gay gắt về lãi suất tiết kiệm để huy động nguồn ngoại tệ, mà với những ngân hàng lớn như Eximbank, ACB và ngay cả Vietcombank - một "đại" gia trong ngành - cũng không thể áp dụng lãi suất tiết kiệm ngoại tệ ở mức thấp. Mức lãi suất tiết kiệm bằng USD cao nhất đang áp dụng tại các nhà băng này cũng xấp xỉ 5%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 12 tháng trở lên.

Như vậy, nếu cộng với điều chỉnh tỷ giá tăng trong năm qua và lãi suất các NHTM đang áp dụng mức cao đối với huy động USD thì gửi ngoại tệ vẫn được nhiều người lựa chọn, do đảm bảo được đồng vốn và lãi suất ở mức khá tốt.

Sở dĩ các ngân hàng vẫn "neo" lãi suất huy động vốn USD ở mức cao là do dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ không giảm khi DN phải cần ngoại tệ để sử dụng vào mục đích thanh toán dịp cuối năm, dù vẫn biết vay USD có nhiều rủi ro khi tỷ giá biến động. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP. HCM, con số huy động vốn bằng USD của các NHTM trên địa bàn Thành phố năm 2010 ước đạt 188.202 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cuối năm trước.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng ngoại tệ của các nhà băng đạt 184.840 tỷ đồng, tăng đến 35,4% so với cuối năm 2009. Điều này phản ánh nguồn vốn huy động ngoại tệ không dư thừa như năm trước. Bên cạnh đó, nhu cầu mua USD để thanh toán hàng hóa nhập khẩu dịp cuối năm của DN khá căng thẳng nên góp phần làm dư nợ tín dụng USD thanh toán tăng mạnh trong 2 tháng trước Tết Nguyên đán.

Theo NHNN Chi nhánh TP. HCM, nguồn thu ngoại tệ của các NHTM từ các DN xuất khẩu chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu ngoại tệ của DN nhập khẩu, nên các nhà băng thường xuyên bị thiếu hụt USD. Hiện phần lớn nhà băng chỉ ưu tiên đáp ứng cầu ngoại tệ cho L/C đến hạn, thanh toán nợ vay đến hạn và các khách hàng lâu năm, truyền thống. Vì thế, dù vẫn biết sử dụng vốn vay ngoại tệ rủi ro khó lường, nhưng các nhà DN vẫn không ngại vay, do khó mua được USD.

Mặt khác, vay ngoại tệ lúc này, mức lãi suất vẫn có thể chấp nhận được (dao động ở khoảng 5 - 6%/năm, chỉ bằng phân nửa lãi suất vay vốn VND) trước áp lực lãi suất thỏa thuận bằng tiền đồng được các nhà băng đẩy lên mức cao 18 - 19%/năm. Chính vì vậy, dù NHNN đã có công văn yêu cầu các NHTM kiểm soát chặt chẽ, hạn chế cho vay vốn ngoại tệ, nhưng tín dụng USD vẫn tăng cao.

Đây là lý do chính khiến các nhà băng tiếp tục "neo" lãi suất huy động tiết kiệm ngoại tệ ở mức cao, với kỳ vọng thu hút được nguồn tiền gửi USD đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm cho DN trong việc nhập khẩu hàng hóa. Điều này lại tạo sức ép ngược làm tăng lãi suất VND.

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính - tiền tệ quốc gia, để có thể giảm được lãi suất tiết kiệm VND trong thời gian tới, ngoài kiểm soát lạm phát ở mức thấp, thì một yếu tố khác cũng hết sức quan trọng đó là phải điều chỉnh giảm lãi suất huy động bằng ngoại tệ. Có như vậy, sức ép về lãi suất tiền đồng mới có thể giảm và thu hút người dân gửi VND.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!