Trong phiên giao dịch đầu tuần (15.11), lãi suất (LS) trên thị trường vẫn trong trạng thái nóng. Các mức LS tiếp tục xu hướng tăng.
Huy động giá cao
Cuối tuần qua, một số NH như NH TMCP Phương Nam, NH TMCP Đại Á... đã điều chỉnh tăng LS huy động tiền đồng ở tất cả các kỳ hạn lên 12%/năm. Ngân hàng (NH) TMCP Đông Nam Á (SeABank) công bố mức LS huy động lên 13%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng. Đây là NH đầu tiên đăng LS vượt quá mức 12%/năm.
Các hình thức mặc cả LS đối với người có tiền gửi và NH vẫn diễn ra trong ngày giao dịch đầu tuần. Nhân viên một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết, NH này vừa mất khoản tiền gửi trị giá 10 tỉ đồng vì có NH khác trả LS tới 16%/năm so với mức LS 14,8%/năm (tăng 1,1%/năm so với mức LS đưa ra cuối tuần qua) của NH này. Tình trạng cạnh tranh LS tiền gửi cũng là nguyên nhân khiến một số NH bị "hụt" tiền gửi trong những ngày gần đây. Để giữ chân các khách hàng lớn, nhiều NH đã phải làm việc trực tiếp với khách để thuyết phục. Sáng 15.11, LS trên thị trường liên NH 1 tuần ở mức 14% - 14,5%/năm; 2 tuần: 15% - 15,5%/năm; 1 tháng: 17% - 19%/năm...
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết: “Việc tăng LS cơ bản, LS chiết khấu của NHNN thêm 1%/năm đã báo hiệu cho thị trường LS tăng, tác động lên LS liên NH là điều hiển nhiên. LS trên thị trường liên NH lên 20% - 21%/năm mà vẫn có NH vay, điều này chứng tỏ có NH đang chịu áp lực thanh khoản. Thế nhưng với LS cao như vậy, cả NH cho vay cũng đang sợ mất thanh khoản nên đẩy LS cao để “thủ””.
LS cho vay chứng khoán lên tới 20%
LS huy động cao nên mặt bằng LS cho vay cũng tăng nhanh. Các công ty chứng khoán (CTCK) trong những ngày qua đã liên tục thông báo áp dụng mức LS ứng trước tiền bán chứng khoán, cầm cố chứng khoán, hợp tác đầu tư... lên mức phổ biến 18-19%/năm, thậm chí đến 20%/năm.
CTCK Âu Việt đã thông báo tăng LS cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán từ 0,045%/ngày lên 0,05%/ngày (tương đương 18%/năm). Tương tự, CTCK Rồng Việt cũng tăng phí ứng trước từ 0,04%/ngày lên 0,045%/ngày, LS tư vấn đầu tư và tài trợ giao dịch từ 0,048%/ngày lên 0,05%/ngày. Đặc biệt, một số CTCK đã tăng khá mạnh như CTCK Gia Quyền tăng LS ứng trước lên 0,0556%/ngày (tương đương 20%/năm); Cũng tại CTCK Gia Quyền, LS cho dịch vụ cầm cố chứng khoán với Ngân hàng Eximbank là 1,5%/tháng (tương đương 18%/năm với thời gian cho vay tối đa 6 tháng).
CTCK SME nâng LS ứng trước và LS hợp tác đầu tư lên 0,053%/ngày (tương đương 19%/năm) thay cho mức LS áp dụng cũ là 0,045%/ngày; CTCK VnDirect cũng áp dụng LS hỗ trợ vốn lên 0,053%/ngày (tương đương 19%/năm),... Theo tìm hiểu, một số CTCK dù không tăng LS ứng trước tiền bán chứng khoán nhưng đều tăng LS cho dịch vụ hợp tác đầu tư (margin) lên ở mức 19-20%. Với mức LS cao ngất ngưởng này không một nhà đầu tư nào dám vay để mua cổ phiếu (CP) mặc dù giá nhiều CP được cho là đã giảm quá sâu và có thể hợp lý để mua vào.
Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM nhận xét trong tình hình thị trường đang giảm như hiện nay, rất ít nhà đầu tư sử dụng vốn vay nên việc tăng LS này không tác động nhiều. Tuy nhiên, điều này cho thấy thị trường chứng khoán chưa có động lực tăng trưởng khi nguồn vốn bị siết chặt. Đó là chưa kể một số nhà đầu tư đã rút vốn để tạm trú ẩn ở NH khi LS tiền gửi tăng mạnh.
Một số NH đã tăng LS cho vay cá nhân lên 21%/năm (trước đây ở khoảng 18%/năm), LS cho vay doanh nghiệp có nơi “đụng” mức 20%/năm. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng: “Thị trường hiện nay cần bình tĩnh. Chỉ có một số NH ngưng cho vay và số tiền này cũng không đáng kể. LS cho vay cao sẽ thanh lọc những doanh nghiệp yếu. Với vốn tự có 80%, doanh nghiệp vay 20% để hoạt động sản xuất kinh doanh và nếu LS cho vay có lên 20%/năm thì doanh nghiệp vẫn sống. Chỉ có những doanh nghiệp có 20% vốn, đi vay NH 80% thì đúng là chết”.
(Thanh niên)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com