Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Môi giới tiền tệ: Số 7 và số 0

picture
  Thị trường hiện cũng chưa có một công ty môi giới tiền tệ nào được thành lập, hoạt động môi giới trên thị trường tiền tệ.

Đã 7 năm mở cơ chế môi giới tiền tệ, mới duy nhất một ngân hàng được cấp phép, nhưng lại không phù hợp quy chế.

Quy chế môi giới tiền tệ ban hành kèm theo Quyết định số 351/2004/QĐ-NHNN đã đi vào thực hiện được 7 năm. Tuy nhiên, từ khi ban hành đến nay, mới có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TienPhongBank) được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động môi giới tiền tệ năm 2009, nhưng đối tượng khách hàng theo giấy phép được cấp của TienPhongBank lại không phù hợp với quy chế môi giới tiền tệ theo Quyết định số 351. Thực tế, từ khi được cấp phép tới nay, TienPhongBank cũng chưa triển khai hoạt động này.

Thị trường hiện cũng chưa có một công ty môi giới tiền tệ nào được thành lập, hoạt động môi giới trên thị trường tiền tệ.

Vì sao lĩnh vực này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ? Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), nguyên nhân là do quy mô thị trường tiền tệ Việt Nam còn nhỏ, nhiều giao dịch, sản phẩm chưa thực sự phát triển; việc tăng chi phí do sử dụng hoạt động môi giới tiền tệ còn là trở ngại; nhiều tổ chức tín dụng chưa hiểu biết đầy đủ và chưa quan tâm đến hoạt động này.

“Trong tương lai, khi quy mô thị trường phát triển hơn thì rất cần có một hệ thống môi giới tiền tệ chuyên nghiệp làm cầu nối, đảm bảo cho việc gặp gỡ cung cầu vốn trên thị trường tiền tệ diễn ra một cách nhanh chóng, thuận tiện”, Vụ Tín dụng nhìn nhận, cũng như để gián tiếp nói về giá trị của một kênh trung gian hiện còn thiếu tại Việt Nam.

Cùng với yêu cầu thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng 2010, có hiệu lực từ 1/1/2011, để có một khung pháp lý hoàn chỉnh hơn nhằm điều chỉnh hoạt động môi giới tiền tệ, Vụ Tín dụng cho rằng, cần thiết phải ban hành thông tư quy định hoạt động môi giới tiền tệ thay thế Quyết định 351 nói trên.

Theo đó, Vụ Tín dụng đang xây dựng một dự thảo với nội dung theo hướng thu hẹp phạm vi điều chỉnh từ hoạt động môi giới tiền tệ của các tổ chức tín dụng xuống còn hoạt động môi giới tiền tệ của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010; đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các công ty môi giới tiền tệ có sự tham gia góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại.

Dự thảo thông tư đó quy định bên môi giới bao gồm các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty môi giới tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động môi giới tiền tệ.

Đáng chú ý là việc bổ sung quy định về công ty môi giới tiền tệ là công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần có sự tham gia góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại được giải thích là nhằm mở rộng đối tượng được phép hoạt động môi giới tiền tệ, khuyến khích thành lập các công ty môi giới trên thị trường tiền tệ.

Cũng theo dự thảo thông tư, khi được cấp phép, bên môi giới sẽ được cung cấp dịch vụ môi giới tiền tệ cho khách hàng đối với một hoặc một số nghiệp vụ vay, cho vay; gửi tiền của tổ chức tài chính tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; mua, bán các loại giấy tờ có giá; mua, bán các khoản nợ; giao dịch ngoại hối giao ngay, kỳ hạn, quyền chọn; giao dịch hoán đổi ngoại hối, lãi suất…

Tuy nhiên, với những trở ngại như đề cập ở trên, chưa rõ đến khi nào Việt Nam mới thực sự có các công ty môi giới tiền tệ, hoặc tiếp tục có ngân hàng được cấp phép và thực hiện hoạt động này?

* Theo định nghĩa tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, môi giới tiền tệ là việc làm trung gian có thu phí môi giới để thu xếp thực hiện các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác giữa các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác.

(Theo Vneconomy)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Trung Quốc: Bài học từ thắt chặt tín dụng
  • Thế giới sẽ tiêu tiền gì 20 năm tới?
  • Nhân dân tệ sẽ sớm thách thức ngôi vị của USD?
  • Chuyên gia Bùi Kiến Thành: 'Lãi suất hợp lý của doanh nghiệp nên dưới 10%'
  • Căng như dây đàn, tỷ giá có tăng mạnh?
  • Bớt ảo cho những mức lãi suất “khủng”
  • Tỷ giá sẽ chỉ tăng 1% trong quý 4?
  • Thêm áp lực cho cam kết 1%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!