Gần đây, New York tổ chức cuộc họp về hoạt động kinh doanh của Brazil, một cuộc điều tra phi chính thức để lấy thông tin về đề tài ngày càng nóng trên thị trường quốc tế: quốc tế hóa nhân dân tệ.
Tham dự sự kiện này gồm một số thương nhân hàng đầu của Brazil. Khi được hỏi có bao nhiêu nhân dân tệ được sử dụng để thanh toán về thương mại với Trung Quốc (nếu có), hầu hết mọi người đều hoang mang, không biết phải trả lời như thế nào.
Không ai có thể phủ nhận quốc tế hóa nhân dân tệ ở góc độ nào đó là cần thiết. Một khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhân dân tệ tất nhiên sẽ trở thành tiền tệ quốc tế, dù không phải là loại tiền tệ quan trọng nhất.
Vấn đề là, quá trình này cần thời gian bao lâu? Hình thành bằng hình thức nào? Mỹ Latinh có thể trở thành chìa khóa để giải câu đố này, không chỉ vì Mỹ Latinh là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc mà còn vì khu vực này đặt ra những thách thức cho tham vọng quốc tế hóa nhân dân tệ của Trung Quốc.
Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng tại Mỹ Latinh, nói thế nào cũng không quá đáng. Từ năm 2000-2010, khối lượng thương mại của Mỹ Latinh với Trung Quốc tăng hơn bốn lần hàng năm, từ 57 tỉ đô la Mỹ lên 310 tỉ đô la Mỹ. Cùng kỳ, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Mỹ Latinh tăng từ 2,7 tỉ đô la Mỹ lên 59 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, với các nhà thiết kế dự án quốc tế hóa nhân dân tệ, thách thức nằm ở chỗ làm thế nào để các khoản tiền lớn, thanh toán thương mại bằng đô la Mỹ chuyển thành nhân dân tệ.
Các nhà chức trách đã đạt được một số tiến triển trong vấn đề này. Argentina và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ; theo tờ China Daily, Peru đã trở thành nước đầu tiên của Mỹ Latinh mở tài khoản thanh toán bù trừ nhân dân tệ. Ngoài ra, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Export-Import Bank of China) cũng tuyên bố sẽ tạo ra quỹ trị giá một tỉ đô la Mỹ, thông qua hợp tác với Ngân hàng phát triển liên châu Mỹ (Inter-American Development Bank), sử dụng nhân dân tệ để tiến hành đầu tư trong khu vực này.
Tuy nhiên, dù ngân hàng trung ương các nước Mỹ Latinh đều dùng một phần đầu tư dự trữ của đất nước vào tài sản nhân dân tệ hoặc cho phép dùng nhân dân tệ để thanh toán thương mại nhưng họ lại rất mơ hồ về chi tiết.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Brazil, ông Alexandre Tombini, gần đây nói tiền tệ của các thị trường đang nổi như nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng real của Brazil quốc tế hóa thực sự là điều “không thể ngăn cản”. Tuy nhiên, ông cũng nói hiện tại, có thể nhân dân tệ chỉ sử dụng “hạn chế” trong thương mại song phương Trung Quốc – Brazil.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico, đang tìm cách trở thành người đầu tiên của thị trường mới nổi làm Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ông Agustin Carstens, thẳng thắn hơn. Ông nói do Trung Quốc kiểm soát tài khoản vốn, ngân hàng trung ương các nước Mỹ Latinh không thể mạo hiểm mang một số lượng lớn dự trữ đầu tư vào loại tiền tệ không thể tự do chuyển đổi.
Với các nhà xuất khẩu lớn của Brazil, lợi ích chính của việc sử dụng nhân dân tệ là không cần chuyển đổi tiền tệ sang đô la Mỹ, do đó có thể giảm chi phí tỷ giá.
Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chính của Brazil là hàng hóa cơ bản như quặng sắt và đậu tương, các loại hàng hóa đều được tính bằng đô la Mỹ trên các thị trường quốc tế. Ngay cả một số sản phẩm có giá trị gia tăng của Brazil như máy bay của công ty công nghiệp hàng không Embraer, cũng tính chủ yếu bằng đô la Mỹ. Điều này có nghĩa là ngay cả khi dùng nhân dân tệ để thanh toàn thương mại, họ vẫn phải chịu ảnh hưởng của những biến động về tỷ giá trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, nếu các nhà xuất khẩu lớn sang Trung Quốc - chẳng hạn như nhà sản xuất quặng sắt Vale - thanh toán bằng nhân dân tệ trong phần lớn giao dịch thương mại, họ cần đầu tư nhân dân tệ phong phú và đa dạng như một công cụ bảo hiểm rủi ro để có thể quản lý thu nhập thương mại. Các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc của Brazil có lẽ cũng không muốn dùng nhân dân tệ để thanh toán vì họ dự đoán nhân dân tệ sẽ tăng giá dần dần.
Các nhà kinh tế cho rằng nhân dân tệ muốn trở thành loại tiền trong dự trữ và thương mại tại Mỹ Latinh, cần cho phép nhân dân tệ thả nổi tự do như đô la Mỹ hoặc euro. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không vội vàng có biện pháp cực đoan. Hiện tại, đô la Mỹ vẫn là tiền tệ số một trong thanh toán thương mại quốc tế tại Mỹ Latinh.
(theo FTChinese // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com