Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng Nhà nước sẽ “thay cương” lãi suất?

picture
Ngân hàng Nhà nước không dễ gì bỏ đi một công cụ tối quan trọng, can thiệp một cách sâu sắc đối với thị trường và hoạt động của các ngân hàng thương mại suốt thời gian qua là trần lãi suất.

Một sự trùng hợp có lẽ đã được tính toán để đặt ra tình huống Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm “thay cương” lãi suất.

Sự trùng hợp đó là: ngày 8/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chính thức đặt vấn đề “dỡ bỏ lãi suất tiền gửi tối đa trong thời gian tới”; thực hiện lời hứa trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ xử lý câu chuyện lãi suất cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2012, tức chỉ còn mấy ngày nữa là “hết hạn”.

Không phải một sự lắp ghép khiên cưỡng. Hai hướng gợi mở trên có mối quan hệ mật thiết, cùng can thiệp một cách căn bản việc điều hành lãi suất, và đặc biệt là chúng có khả năng hoán đổi cho nhau.

Lúc này, sự đổi vai của hai hướng điều hành trên được đặt ra.

Lãi suất như một chú ngựa, bản năng cần được kiểm soát. Thay đổi có ở yêu cầu ghìm chặt dây cương hay là được thong thả nắm hờ. Sự trùng hợp trên có lẽ là một tiền đề để tính toán cho việc chuyển đổi trạng thái giữ cương lãi suất sắp tới của Ngân hàng Nhà nước.

Phải nói rằng không bao giờ nhà điều hành buông sợi dây kiểm soát chú ngựa của mình. Những ngày gần đây, yêu cầu bỏ trần lãi suất được đặt ra nóng hổi, yêu cầu tự do hóa lãi suất lên tiếng. Nhưng Ngân hàng Nhà nước không dễ gì bỏ đi một công cụ tối quan trọng, can thiệp một cách sâu sắc đối với thị trường và hoạt động của các ngân hàng thương mại suốt thời gian qua là trần lãi suất.

Con ngựa dù đã được kiểm soát, bước đúng đường, nhưng dây cương chỉ có thể thong thả nắm hờ chứ không thể buông. Việc bỏ trần lãi suất dự kiến sớm đến, nhưng giả thiết là ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm một công cụ khác để điều hành, một cách gián tiếp.

Nhiều ý kiến chuyên gia trong các bình luận gần đây cho rằng, đã đến lúc bỏ trần lãi suất. Vì, thanh khoản hệ thống đã tốt; các mũi nhọn gây xáo trộn từ các ngân hàng yếu kém đã được Ngân hàng Nhà nước khoanh vùng và báo cáo trước Quốc hội dự kiến xử lý được trong tháng 6 này; lạm phát đã giảm; lãi suất huy động thực tế đã giảm mạnh; các ngân hàng dư thừa vốn khó cho vay ra, tín dụng tăng trưởng ì ạch cùng giới hạn chỉ tiêu sẽ giảm thiểu áp lực chạy đua gọi vốn đầu vào…

Những điều kiện trên cũng chính là cơ sở để hạn chế xáo trộn có thể xẩy ra khi bỏ trần. Cũng có thể, sau khi rời phao, người tập sẽ bị uống vài ngụm nước trước khi bơi được. Sự kiện lãi suất huy động vọt lên 14%/năm rồi nhanh chóng được bình ổn vừa qua là một ví dụ.

Theo những ý kiến đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ trần lãi suất, trả lại cho thị trường quyết định, mà chỉ điều hành gián tiếp bằng các công cụ truyền thống như trước đây qua lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu...

Nếu vậy, sự trùng hợp có lẽ đã được tính toán nói trên dẫn đến khả năng lãi suất cơ bản sẽ đổi vai. Ngân hàng Nhà nước sẽ tái sử dụng công cụ này để điều tiết lãi suất trên thị trường một cách gián tiếp, dĩ nhiên là cùng với các công cụ khác.

Khả năng đó giải quyết được hai yêu cầu: việc điều hành bớt ngột ngạt bởi các giải pháp hành chính khi các điều kiện cởi bỏ đã có, đảm bảo thực thi các quy định pháp luật hiện hành (Bộ luật Dân sự dẫn chiếu lãi suất cho vay với giới hạn 150% lãi suất cơ bản).

Điều hành bằng lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại được tự ấn định lãi suất huy động, cho vay ra được giới hạn 150% lãi suất cơ bản; nếu chạy đua lãi suất huy động càng sát giới hạn 150% đó họ càng bớt lãi, thậm chí lỗ, tự khắc phải điều chỉnh. Nếu có lo ngại phát sinh tình trạng lách luật thu phí, thỏa thuận ngầm… dẫn tới lãi suất cho vay thực tế bị đội cao, thị trường xáo trộn, thì lại là yêu cầu giám sát từ Ngân hàng Nhà nước.

Phải khẳng định rằng, theo các luật định, lãi suất cơ bản là không thể bỏ. Chỉ có điều, sau một thời gian dài ngồi ghế dự bị, được vào sân, lãi suất cơ bản có thể bước đầu khó ăn nhập đội hình. Vấn đề là huấn luyện viên đào tạo anh ta như thế nào, yêu cầu chiến thuật ra sao. Tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã bước đầu cho biết là sẽ tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thị trường đang chờ đợi kết quả cụ thể.

(Theo Vneconomy)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!