Lãi suất tiền gửi cao hơn CPI thì ngân hàng mới huy động được vốn. Nhưng như vậy, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận vốn vay. Đó là vấn đề đang gây tranh cãi giữa các chuyên gia kinh tế.
Một số chuyên gia cho rằng, không nên gắn lãi suất với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vốn là thước đo lạm phát, nhằm giảm lãi suất tiết kiệm, từ đó hạ mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, một số khác lại lo ngại người dân sẽ không gửi tiền nếu lãi suất không thực dương, tức lãi suất tiết kiệm không cao hơn CPI. Vậy có nên nương lãi suất tiền gửi theo CPI?
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng, cần từ bỏ lối tư duy rằng lãi suất tiết kiệm phải nương theo CPI để hạ thấp mặt bằng lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng giá rẻ.
Còn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn yếu. Và nhiều ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng vừa và nhỏ, nếu không huy động được vốn thì khó có thể duy trì hoạt động. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã lao vào cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm lên hơn 11%/năm, nhưng vẫn không huy động được nhiều vốn hơn. Điều đó có nghĩa, chưa hẳn lãi suất cao là người dân gửi nhiều tiền hơn.
Ông Thành cho rằng, ngân hàng không thể huy động với lãi suất 11%/năm và cho vay 7-8%. Để có lãi suất cho vay 7-8%/năm, mức ông cho là hợp lý, còn tùy thuộc vào vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, nếu chi phí huy động cao, các ngân hàng có thể tăng cường cho vay đối với các hình thức tín dụng chịu được lãi suất cao như tín dụng tiêu dùng. Ông dẫn một thực tế là ở Mỹ, tín dụng tiêu dùng chiếm tới 60% tổng dư nợ cho vay.
Trái ngược với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế bình thường, thực hiện lãi suất thực dương là nguyên tắc hàng đầu để ổn định thị trường tài chính và đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế.
Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, không phải nói hạ lãi suất là hạ ngay được. Về mặt kỹ thuật, có thể giảm được lãi suất, nhưng phải cân nhắc lợi ích của người gửi tiền. Hơn nữa, việc giảm mạnh lãi suất có thể sẽ tạo ra nguy cơ rút tiền đồng loạt. Lượng tiền lớn này sẽ được đổ vào ngoại tệ hay vàng, có thể tạo ra sốt giá, đầu cơ và gây ra nhiều hệ lụy khác. Điều chỉnh lãi suất sát hoặc thấp hơn CPI, theo ông, còn có thể khiến lạm phát tăng cao hơn khi tiền lưu thông trong nền kinh tế không được gửi vào ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, lãi suất phải thực dương. Đó là điều ngân hàng phải tính đến nếu muốn huy động được vốn. Việc duy trì lãi suất thực dương đến lúc nào còn phụ thuộc vào việc các ngân hàng mở rộng các dịch vụ đến đâu, cơ cấu doanh thu từ dịch vụ ra sao để không phụ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng.
Vậy liệu có thể tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất được không? Câu trả lời là có. Ông Thắng dự đoán, lạm phát năm nay có thể sẽ không quá mức 8%. Như vậy, nếu giảm lãi suất tiền gửi xuống 10% thì vẫn cao hơn CPI. Theo ông, điều này là cần thiết, vì với lãi suất cho vay từ 12-14%/năm, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận vốn.
TS. Phong lại lưu ý đến một vấn đề khác, đó là hiện tượng làm giá tiền gửi của các tổ chức. Một số tập đoàn nhà nước có lượng tiền gửi ngân hàng rất lớn và mặc cả lãi suất với ngân hàng, nếu không sẽ chuyển sang ngân hàng khác. Khoản tiền này, theo ông, ước tính chiếm 1/3-1/2 tổng số tiền gửi của các ngân hàng. Việc mặc cả lãi suất với ngân hàng sẽ khiến chi phí vốn tăng lên, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao
(Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com