Nguồn vốn huy động có dấu hiệu giảm khi lãi suất huy động giảm khiến nhiều ngân hàng quy mô nhỏ, đã cắt giảm lãi suất quá mạnh trong quá trình huy động vốn, phải tính đến kế hoạch tái tăng lãi suất tiền gửi.
Số liệu Cục Thống kê TP.HCM vừa đưa ra cho thấy, vốn huy động tính đến tháng 11/2008 đạt 559.208 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước; trong đó vốn huy động từ dân cư (chiếm 53%) tăng 0,6% (mức tăng tương ứng của tháng trước là 3,3% và 4,1%), so với tháng cùng kỳ tăng 24,8% và chỉ tăng 14,8% so với đầu năm.
Sau đợt cắt giảm mạnh lãi suất huy động tiền gửi trong ngày 21/11 vừa qua khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh lãi suất cơ bản xuống 11%/năm, các ngân hàng đã phần nào giảm được gánh nặng chi phí đầu vào. Lãi suất huy động xuống khá sâu và mức cao nhất hiện nay chỉ còn trên 12%/năm.
Người có tiền nhàn rỗi bắt đầu tính lại bài toán chia nhỏ vốn để tìm một số kênh đầu tư khác, với kỳ vọng khả năng sinh lời khá hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng đã được cắt giảm mạnh. So với thời điểm lãi suất cơ bản 14%/năm hồi giữa năm 2008, lãi suất tiền gửi hiện đã giảm gần một nửa, từ mức cao nhất 19%/năm xuống còn 12 – 12,5%/năm.
Nguồn vốn huy động của ngân hàng đang có xu hướng chững, nhất là sau khi lãi suất cơ bản xuống ngưỡng 11%/năm, còn chứng khoán dần giảm giá, giá vàng cũng hạ nhiệt…, khiến những người có tiền nhàn rỗi bắt đầu suy tính.
Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), ông Lý Xuân Hải cho biết, trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn, có thêm điều kiện cắt giảm chi phí đầu vào là điều hết sức vui mừng đối với ngân hàng. Vả lại, hiện các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ra, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc mượn vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh, nên duy trì lãi suất tiền gửi cao sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, ông thừa nhận, nguồn vốn huy động về có dấu hiệu giảm khi lãi suất huy động giảm.
Thực tế, nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng đã có dấu hiệu chậm lại kể từ những tháng trước đó khi lãi suất cơ bản vẫn trên ngưỡng 12%/năm. Theo số liệu thống kê của NHNN trong tháng 10/2008, tổng vốn huy động của các ngân hàng trong hệ thống chỉ tăng 2,42% so với một tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 3,8% của tháng 9. Đại diện một ngân hàng tại TP.HCM cũng cho hay, so với 3 quý đầu năm, việc thu hút nguồn tiền nhàn rỗi không còn dễ, vì lạm phát đã được kiềm chế, còn chứng khoán và vàng đang dần giảm giá.
Chính những yếu tố này đã gây sức ép lên những ngân hàng quy mô nhỏ, đã cắt giảm lãi suất quá mạnh trong quá trình huy động vốn, buộc họ phải tính đến kế hoạch tái tăng lãi suất tiền gửi. Đơn cử như Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã tăng lãi suất huy động tiền gửi VND trở lại kể từ ngày 26/11 ở hầu hết các kỳ hạn so với đợt giảm trong ngày 21/11.
Mức lãi suất tăng thêm lần này của OCB dao động từ 0,4%/năm đến 2%/năm. Cụ thể, đối với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là 3,6%/năm; tiền gửi tiết kiệm lãnh lãi cuối kỳ: 1 tuần là 6%; 2 tuần là 7%; 3 tuần là 8%; 1 tháng là 10,9%; 2 tháng là 11,5%; 3 đến 12 tháng là 12,50%; 13 tháng là 12,20%; 18 tháng là 11,50%. Riêng lãi suất kỳ hạn 12 tháng áp dụng cho sản phẩm tiết kiệm linh hoạt là 11%/năm.
Một số ngân hàng khác tuy chưa chính thức công bố tái tăng lãi suất sau đợt cắt giảm mạnh trong ngày 21/11, nhưng lại gia tăng các tiện ích khác, để nâng cao tính hấp dẫn đối với người gửi tiền. Trong đó, các chương trình khuyến mãi, quà tặng nhân dịp Xuân 2009 đang được nhiều ngân hàng khai thác, với kỳ vọng giữ được nguồn tiền tiết kiệm hiện tại và thu hút thêm tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Theo nhận định của một chuyên gia ngành ngân hàng, nhiều khả năng lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục được điều chỉnh trong những tháng tới. Bởi đây cũng là điều cần thiết để giảm áp lực lãi vay cho doanh nghiệp, khơi thông được vốn ngân hàng và kích cầu nội địa. Lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục được điều chỉnh, nhưng so với những đợt cắt giảm vừa qua, các ngân hàng sẽ thận trọng hơn, vì lãi suất huy động đang dần lùi về mức như năm 2006.
(Theo Đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com