I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG NGÀY HÔM TRƯỚC
Đồng USD bất ngờ giành lại thế trận và tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường ngoại hối, ngoại trừ so với các đồng tiền thuộc nhóm tiền tệ hàng hóa nhờ thông tin thị trường việc làm công bố tốt hơn so với dự báo. Sự phục hồi nhẹ của thị trường lao động khu vực tư nhân và việc chỉ số dịch vụ tăng tháng thứ 7 liên tiếp, đã giúp nhà đầu tư phần nào bớt sự lo lắng về khả năng suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ đó cũng giúp đồng USD khôi phục vị thế của mình.
Hãng dịch vụ tuyển dụng ADP Employer Service cho biết, trong tháng 7 vừa qua, khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ đã tuyển mới 42.000 lao động, cao hơn so với mức 19.000 lao động trong tháng 6 và con số dự báo 25.000 của các chuyên gia. Thông tin này đã phần nào giảm bớt mối lo lắng của các nhà đầu tư về thị trường việc làm của Mỹ, trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu chính thức về tình trạng lao động nước này vào cuối tuần. Giới phân tích dự đoán, trong tháng 7, các nhà tuyển dụng Mỹ tiếp tục cắt giảm việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ.
Đồng USD cũng được hỗ trợ thêm khi Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố chỉ số dịch vụ tăng nhẹ trong tháng 7, lên 54.3 điểm từ mức 53.8 điểm trong tháng 6, ngược với dự đoán giảm xuống 53 điểm của các nhà kinh tến. Mức trên 50 cho thấy sự tăng trưởng. Như vậy, chỉ số này đã tăng liên tiếp 7 tháng. Quan trọng hơn là chỉ số lao động do ISM cung cấp cũng tăng trên mức 50 điểm từ mức 49.7 điểm của tháng trước lên mức 50.9 điểm cho thấy các nhà sản xuất Mỹ vẫn đang thuê thêm lao động thay vì cắt giảm lao động do lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm chạp.
Trong khi đồng USD được trợ lực bởi yếu tố cơ bản tốt thì đồng Bảng Anh dưới sức ép của thông tin kinh tế công bố không lạc quan đã tạm dừng chuỗi 9 ngày tăng giá so với đồng USD. Tỷ giá GBP/USD hôm qua lùi về dưới mức 1.60 và đóng cửa ở mức GBP/USD 1.5886, giảm 0.37% so với lúc mở cửa đầu ngày. Theo chân ngành chế tạo, lĩnh vực dịch vụ Anh tháng 7 cũng lâm vào cảnh suy giảm. Từ sự thu hẹp của thị trường lao động cùng những nhân tố tiêu cực khác, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tháng trở lại đây.
Trong cục diện khác, nhóm các đồng tiền hàng hóa lại bứt lên so với đồng USD cũng nhờ nhận sự trợ giúp từ thông tin kinh tế cơ bản tốt. Bộ Thương mại Úc công bố, thặng dư tài khoản vãng lai tháng 7 tăng từ 1.83 tỷ USD của tháng trước lên mức 3.54 tỷ USD và cao hơn con số dự kiến 1.181 tỷ USD đưa ra trước đó. Thành quả trên là nhờ sự tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu với mức tăng 7.1%, trong khi nhập khẩu tăng hạn chế ở mức 0.2%. Đây là con số thặng dư thương mại lớn kỷ lục của Úc và kết hợp với các chỉ số kinh tế tốt trước đó là cơ sở tốt để khẳng định kinh tế nước này đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Giá vàng tăng lên trên mức $1,200/Oz lần đầu tiên trong 2 tuần trở lại đây vào ngày hôm qua do nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh giúp giá vàng thực hiện chuỗi 6 ngày tăng giá liên tiếp dù mức tăng giá không mạnh. Các dữ liệu kinh tế tốt của Mỹ cùng với triển vọng về nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc tăng cao đã tăng vai trò tài sản phòng chống lạm phát của vàng.
Giá vàng hôm qua đóng cửa ở mức $1,195.30, tăng $10.1, tương đương tăng 0.85% so với lúc mở cửa đầu ngày. Giá vàng hôm qua đã có thời điểm lên mức $1,202.90/Ounce, cao nhất kể từ ngày 23/7.
Với nhu cầu tiêu thụ vàng dồi dào tại 2 cường quốc tiêu thụ là Ấn Độ và Trung Quốc, các nhà phân tích dự báo giá vàng sẽ được giữ vững trong năm nay. Giá vàng cùng tăng với đồng USD hồi phục trên thị trường ngoại hối trong mối tương quan của 2 loại tài sản mệnh danh là hầm trú ẩn an toàn.
II. DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG TRONG NGÀY
Thông tin thu hút sự chú ý của thị trường là quyết định lãi suất cơ bản của ngân hàng Trung ương Châu Âu trong cuộc họp chính sách tiền tệ hôm nay, dự kiến ECB sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất 1% hiện tại. Nền kinh tế Châu Âu đã có nhiều khởi sắc sau một thời gian khá dài chìm trong khó khăn. Nếu trước đây, nửa đầu năm 2010 không ai muốn sở hữu đồng EUR vì lo sợ khủng hoảng nợ Châu Âu sẽ ảnh hưởng xấu đến giá trị đồng EUR trong tương lai thì kết quả thành công của các phiên đấu giá trái phiếu ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp cùng với kết quả thẩm định khả quan của các ngân hàng trong khu vực đã tác động tích cực lên thị trường tài chính, đẩy tỷ giá EUR/USD vượt qua ngưỡng 1.3 và giành lại 200 điểm kể từ ngày 26/7. Đà tăng này khả năng sẽ tiếp tục trong ngày hôm nay với sự hỗ trợ của cuộc họp chính sách tiền tệ của ECB.
Cùng ngày, NHTW Anh cũng họp bàn về chính sách tiền tệ và khả năng có thể có sự thay đổi trong lãi suất cơ bản đồng GBP khi nền kinh tế này đang tăng trưởng tốt đẹp và tình hình thất nghiệp dần được cải thiện.
Với nền kinh tế hướng về xuất khẩu, Nhật Bản không mấy mặn mà với việc đồng JPY ngày càng mạnh lên. Ngoài sự lo ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ khiến các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn ở đồng JPY, việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản đẩy nhu cầu đối với đồng JPY tăng cao khiến tỷ giá USD/JPY liên tục giảm trong thời gian gần đây. Tuy vậy, theo giới chuyên gia, khả năng BOJ can thiệp vào thị trường ngoại hối để làm suy yếu đồng JPY là khá yếu. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản, ông Yoshihiko Noda nhận định “tỷ giá hối đoái là cái gì đó về cơ bản phải được thiếp lập bởi thị trường”. Tin đồn cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để kích thích kinh tế phát triển nhiều khả năng sẽ gây sức ép lên đồng USD khiến tỷ giá USD/JPY tiếp tục trượt giảm trong phiên giao dịch hôm nay.
Thị trường chứng khoán phục hồi trở lại sau tin tốt đến từ thị trường lao động Mỹ, tâm lý ưa thích rủi ro của một bộ phận thị trường có thể sẽ cản trở giá vàng tiến lên trong ngày.
(scb)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com