VNĐ: dùng dằng lãi suất tiền gửi
Ngày 1-7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) sẽ có cuộc họp với các đại diện NH phía Nam để lấy ý kiến xung quanh vấn đề giảm lãi suất. Trước đó, ngày 29-6 VNBA đã có cuộc họp tương tự ở phía Bắc và các NHTM phía Bắc đã nhất trí giảm lãi suất huy động và cho vay kể từ ngày 1-7-2010.
Sự đồng thuận giảm lãi suất này dẫn dắt thị trường chủ yếu từ các NH quốc doanh, các NH có vốn lớn. Đó là việc đến đầu tuần này, đồng loạt các NH BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, công bố giảm lãi suất cho vay xuống 12-12,5%/năm áp dụng cho 3 đối tượng: doanh nghiệp thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, mặc dù đồng thuận sẽ giảm lãi suất cho vay xuống 12,5-13,5%/năm nhưng đến cuối ngày hôm qua vẫn chưa NH cổ phần nào công bố giảm lãi suất cho vay.
Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết các NH cổ phần đang chờ xem động thái giảm lãi suất của các NH quốc doanh rồi mới lên phương án giảm lãi suất trong vài ngày tới. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các NH cổ phần đang ở mức 14-15%/năm, nay muốn giảm phải giảm từng bước, từ 13,5-14%/năm sau đó mới tiến đến giảm 12,5-13,5%/năm như cam kết với VNBA.
![]() |
Lãi suất USD đang có chiều hướng tăng. Ảnh: LÃ ANH |
Giảm lãi suất cho vay bằng VNĐ xuống nhưng hiện nay các NH quốc doanh vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động tiền gửi VNĐ, các kỳ hạn 3-6 tháng vẫn trên 11%/năm. Cụ thể, Vietcombank 11,2-11,5%/năm; BIDV 11,3-11,5%/năm; VietinBank 11,5%/năm. Riêng các NH cổ phần vẫn duy trì lãi suất tiền đồng khá cao dao động 11,5-11,8%/năm, chưa tính đến khuyến mại tặng thưởng.
Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký VNBA, trong điều kiện hiện nay việc duy trì lãi suất huy động cao sẽ khiến lãi suất cho vay cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vay vốn. Vì vậy, các NH dù đã đồng thuận giảm lãi suất huy động xuống 11%/năm nhưng không thể thực hiện trong thời gian ngắn, dự kiến đến tháng 10 sẽ giảm xuống quanh mức 10%/năm.
Nhiều NH cho rằng việc NHNN kiên quyết đưa mặt bằng lãi suất giảm xuống sẽ phần nào ảnh hưởng đến hành vi của người gửi tiền, khiến khách hàng suy nghĩ và tăng lượng tiền gửi vào NH khi lãi suất còn ở mức cao. Đó là lý do gần đây lượng tiền gửi từ dân cư tăng và các NH tỏ ra thận trọng trong việc giảm lãi suất huy động. Họ e ngại nếu giảm trước có thể bị dịch chuyển tiền gửi từ NH mình sang NH bạn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia NH cho rằng để giảm lãi suất phải có nhiều biện pháp chứ không chỉ là sự đồng thuận. Trong đó biện pháp đầu tiên là tăng lượng cung tiền ra nền kinh tế. Hiện nay, kênh bơm vốn thông qua thị trường tiền tệ, thị trường mở của NHNN không đáng kể, chủ yếu bơm vốn trực tiếp ra các doanh nghiệp thông qua các dự án giải ngân của Chính phủ, nhưng cũng đã gần hết chỉ tiêu trong năm. Lượng tiền này sẽ dần quay lại hệ thống NH nhưng sẽ có độ trễ nhất định.
USD: tăng lãi suất “phòng thân”
Từ trung tuần tháng 6 đến nay lãi suất huy động USD ở các NHTM đã có những biến động, nhiều NH âm thầm tăng lãi suất huy động USD đối với cá nhân. Cụ thể, hôm qua 30-6, ACB đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng USD 0,05-0,15% đối với các kỳ hạn 1-12 tháng, lãi suất cao nhất 4,05-4,2%/năm.
Trước đó, SHB đã tăng lãi suất USD tiết kiệm bậc thang ở các kỳ hạn 0,1-0,2%, mức lãi suất cao nhất 5%/năm. LienVietBank có lãi suất trái phiếu ghi danh ngắn hạn bằng USD cao nhất 5,15%/năm. Đồng thời, NH này cũng tăng lãi suất tiết kiệm USD với mức cao nhất 5,25%/năm đối với kỳ hạn gửi từ 24 tháng trở lên.
ABBank tăng lãi suất huy động USD từ 5% trở lên ở nhiều kỳ hạn 6-60 tháng. Đặc biệt, lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng 5,2%/năm và cao nhất lên tới 5,5%/năm ở kỳ hạn 48 tháng; các kỳ hạn 24 và 36 tháng cũng ở mức 5,4% và 5,45%/năm.
Riêng các NH quốc doanh lãi suất huy động USD cũng dao động 4,5-4,15%/năm. Cùng động thái này tỷ giá VNĐ/USD trong mấy ngày qua trên thị trường tự do và NH đã liên tục tăng. Ngày 30-6, giá bán USD của Vietcombank tiếp tục tăng thêm 20 đồng và giá mua vào tăng 10 đồng so với ngày trước đó. Thị trường tự do giá USD phổ biến từ mức 19.070-19.090 đồng/USD.
Giải thích về động thái tăng lãi suất USD, các chuyên gia cho rằng khi nhu cầu vay ngoại tệ tăng cao cùng với tình trạng giải ngân và hứa cho vay nhiều, các NH buộc phải nâng lãi suất để hút vốn ngoại tệ.
Cuối tuần qua, NHNN cũng đã cảnh báo về khả năng các NH nước ngoài sẽ giảm hạn mức tài trợ vốn ngoại tệ nên các NH đã đón đầu tăng thanh khoản ngoại tệ tiền gửi để tránh bị hụt trong vài tháng tới.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thực tế động thái đi vay và tiền gửi của người dân bao giờ cũng trái chiều. Khi tỷ giá ổn định, lãi suất thấp người gửi tiết kiệm có xu hướng không muốn gửi ngoại tệ, trong khi người đi vay lại muốn vay ngoại tệ. Khi tỷ giá biến động, người dân muốn gửi ngoại tệ và người đi vay không muốn vay ngoại tệ.
Vì vậy, hiện nay nhu cầu vay ngoại tệ tăng lên, nguồn tiền gửi ngoại tệ đang sụt giảm buộc các NH phải tăng lãi suất để huy động ngoại tệ.
Cũng theo ông Nghĩa, cầu ngoại tệ chỉ tăng khi nhu cầu nhập khẩu tăng. Hiện nay Chính phủ đang khá mạnh tay trong việc kiểm soát nhập siêu cùng với lượng ngoại tệ từ ODA, FDI và kiều hối… cho thấy cung ngoại tệ đang tăng mạnh và cầu ngoại tệ không có đột biến, bất thường.
(Theo Mai Thảo // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com