Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trần lãi suất 14%/năm đã lỗi thời

Theo Thông tư 02/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các tổ chức tín dụng chỉ được ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy lãi suất huy động lên kịch trần 14%/năm, hầu hết các NHTM vẫn áp dụng các hình thức khuyến mãi như tặng quà, thưởng lãi suất hay thỏa thuận ngầm lãi suất với khách hàng, khiến lãi suất huy động thực tế lên tới 18 - 19%/năm. Cá biệt, với những khoản tiền tỷ, nhiều ngân hàng còn phải trả tới 20 - 21%/năm.

Nguyên nhân cũng đã được phân tích nhiều. Lý do đầu tiên khiến các ngân hàng, cả lớn và nhỏ, đều lách trần lãi suất 14%/năm là mức trần này đã lỗi thời so với lạm phát. Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng cao, đặc biệt CPI tháng 4 tính theo năm đã lên tới 17,5%, so với trần lãi suất thì lãi thực âm khá nhiều. Trong bối cảnh như vậy, để có thể huy động được vốn, ngân hàng buộc phải bằng mọi cách đẩy lãi suất huy động lên 18 - 19%/năm.

Việc NHNN khống chế trần lãi suất huy động ở 14%/năm phần nào làm mất đi ý nghĩa của công cụ lãi suất trong cạnh tranh huy động vốn, nhất là với các ngân hàng nhỏ, yếu kém về thương hiệu, uy tín, không có điều kiện thuận lợi để vay tiền từ NHNN hay trên thị trường liên ngân hàng, chỉ có thể dùng lãi suất cao để thu hút tiền gửi.

Lãnh đạo một ngân hàng nhỏ cho biết, việc đẩy lãi suất huy động lên tới 18 - 19%/năm xem ra vẫn còn rẻ so với vay trên thị trường liên ngân hàng, khi có thời điểm lãi suất trên thị trường này lên tới 25 - 26%/năm.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa khiến lãi suất luôn trong tình trạng nóng xuất phát từ chính những yếu kém của hệ thống ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ trong việc quản lý thanh khoản. Tình trạng "bóc ngắn, cắn dài", lạm dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn của nhiều ngân hàng thời gian qua đã đẩy những ngân hàng này đứng trước rủi ro thanh khoản. Không những vậy, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chạy đua lãi suất càng tạo điều kiện cho  tình trạng mặc cả lãi suất nở rộ cũng như khiến cho cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng trở nên mất cân đối. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này đã bắt đầu lây sang cả những ngân hàng lớn, vốn trước đây có cơ cấu nguồn vốn khá lành mạnh.

Để xảy ra tình trạng này, không khỏi có trách nhiệm của cơ quan quản lý là NHNN. Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam hiện nay nhận định, NHNN đang hướng hệ thống ngân hàng Việt Nam đi theo chuẩn quốc tế, nhưng có một vấn đề cốt lõi là quản trị của các ngân hàng Việt Nam chưa tốt. Tuy nhiên, chưa tốt do nội tại của ngân hàng là một phần và một phần là do chính NHNN đã khiến họ không thể quản trị tốt bởi những mệnh lệnh mang tính hành chính, trái với quy luật thị trường.

Đơn cử, việc khống chế trần lãi suất huy động đã làm cho thị trường thêm méo mó, trong khi các ngân hàng lách luật càng khiến cho thị trường hỗn loạn, thiếu minh bạch. Vị lãnh đạo trên than thở, ngân hàng là một hoạt động kinh doanh dựa trên uy tín, nhưng hiện nay khách hàng chỉ chọn ngân hàng nào lãi suất cao để gửi tiền, mà không đếm xỉa đến uy tín, không tính toán đến độ rủi ro của ngân hàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN cần phải thay đổi cơ chế cũ bằng một cơ chế mới, nếu không sẽ gây ra sự đè nén, kiềm chế sự phát triển kinh tế, cũng như làm cho sự lưu thông tiền tệ có những biến tướng làm méo mó thị trường. Đồng quan điểm trên, lãnh đạo cấp cao của Techcombank cho rằng, về lâu dài, cần tìm một biện pháp nào đó, chứ dù có nâng lãi suất huy động lên 15% hay 16%/năm cũng chưa chắc chấm dứt được các hoạt động giao dịch ngầm.

Một quan chức của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lạm phát đã lên rất cao, NHNN nên bỏ trần lãi suất. Bên cạnh đó, để hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM nhỏ, NHNN nên cho các ngân hàng nhỏ vay bằng lãi suất của thị trường tái cấp vốn khoảng 14 - 15% và đổi lại, các NHTM nhỏ phải cầm cố tại NHNN bằng vốn điều lệ. Nếu trong vòng 6 tháng không trả được, tiền của NHNN cho ngân hàng vay sẽ chuyển thành cổ phần của NHNN tại ngân hàng đó. NHNN cử một thành viên vào Hội đồng quản trị, một vài năm sau ngân hàng làm ăn có lãi, NHNN bán lại cổ phiếu. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần kiểm soát chặt thị trường liên ngân hàng. "Khi NHNN làm như vậy, các NHTM lớn sẽ không thể bắt tay nhau nâng lãi suất liên ngân hàng lên để bắt chẹt các NHTM nhỏ và đẩy tiền ra thị trường, sẽ giúp hạ lãi suất hạ xuống", vị quan chức trên nói.

Tuy nhiên, một lãnh đạo cấp cao Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, tất cả những ý kiến bỏ trần lãi suất hay nâng lãi suất huy động lên hay đặt trần lãi suất cho vay, NHNN đều biết. Nhưng hiện tại, những vấn đề trên chưa có một ý kiến chính thức và thời gian tới, NHNN sẽ cân nhắc những điều kiện phù hợp với thị trường để ra quyết định cụ thể.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!